Hội Hữu nghị Thụy Sĩ - Việt Nam: 30 năm đoàn kết với Việt Nam

Ra đời tháng 11/1982 từ phong trào nhân dân Thụy Sĩ đoàn kết với Việt Nam, phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, Hội hữu nghị Thụy Sĩ - Việt Nam đã có nhiều đóng góp vào việc xây dựng tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập hội, ngày 7/12, hội Hữu nghị Thụy Sĩ - Việt Nam đã tổ chức đêm nhạc Việt Nam tại Zurich. Trong ngày vui này, phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ đã có dịp trò chuyện với Chủ tịch Hội Hữu nghị Thụy Sĩ - Việt Nam, bà Anjuska Weil.


 

Bà Anjuska Weil trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ.

 

Bà Anjuska Weil nhớ lại thời kỳ Hội hữu nghị Thụy Sĩ - Việt Nam mới thành lập, khi thế giới bị phân chia bởi cuộc Chiến tranh Lạnh, Hội đã chủ trương thông tin đúng về tình hình Việt Nam và vận động dư luận tiến bộ Thụy Sĩ đoàn kết, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Hiện nay, khi tình hình thế giới đã thay đổi, hoạt động được chú ý nhiều của Hội trong những năm gần đây là cuộc đấu tranh vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.


Kể từ thập kỷ 1980, vấn đề chất độc da cam/điôxin của Việt Nam đã được Hội biết đến qua nhiều nhà khoa học như Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, Giáo sư Lê Cao Đài, Giáo sư Võ Quý và một số nạn nhân bị ảnh hưởng trực tiếp của chất độc da cam. Hội đã nỗ lực đưa vấn đề này đến những người dân Thụy Sĩ thông qua việc thành lập trang web, các buổi triển lãm, các bài phát biểu và các hoạt động văn hóa khác. Hội đã tổ chức nhiều buổi họp mặt, các buổi thảo luận với các khách mời Việt Nam liên quan đến các chủ đề khác nhau như kỷ niệm 100 năm và 120 năm ngày sinh của Bác Hồ.


Trong nhiều năm qua, Hội cũng đã thực hiện một số dự án về tín dụng nhỏ ở thành phố Huế và khu vực lân cận, đặc biệt là dự án Hỗ trợ vốn vay cho người cao tuổi. Hội đã lựa chọn người cao tuổi làm đối tượng cho dự án này, bởi đã có nhiều dự án tín dụng nhỏ ở Việt Nam, nhưng rất ít dự án dành cho người cao tuổi. Mục tiêu của Hội khi triển khai dự án này là giúp người cao tuổi ở Việt Nam cải thiện cuộc sống.


Ngoài ra, Hội hữu nghị Thụy Sĩ - Việt Nam đã dịch một cuốn thơ của các nhà thơ Huế sang tiếng nước ngoài để người dân Thụy Sĩ hiểu rõ hơn về Việt Nam. Tuyển tập thơ mà Hội vừa xuất bản gồm có nguyên bản tiếng Việt các bài thơ của hội viên Hội người cao tuổi ở Huế và các phần dịch sang tiếng Đức và tiếng Pháp. Mong muốn của Hội là góp phần gắn kết và đưa mọi người đến gần với nhau hơn.


Về hoạt động của Hội Hữu nghị Thụy Sĩ - Việt Nam trong thời gian tới, bà Anjuska Weil cho biết, đấu tranh cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục là một chủ đề chính. Ngoài ra, Hội sẽ tiếp tục các dự án và chuẩn bị cho các chuyến đi nghiên cứu khác tới Việt Nam vào mùa xuân tới, đồng thời tiếp tục tổ chức các hoạt động khác nhằm củng cố thêm tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Bên cạnh đó, giới trẻ là đối tượng ưu tiên mà Hội sẽ hướng đến bởi Hội muốn thế hệ trẻ của Thụy Sĩ hiểu rõ hơn về hậu quả của vũ khí hóa học và hiểu rằng cho dù bom đạn đã ngừng rơi nhưng hậu quả vẫn còn đó.


Kết thúc cuộc trò chuyện, Chủ tịch Hội Hữu nghị Thụy Sĩ - Việt Nam tâm sự với phóng viên TTXVN rằng tình hữu nghị thực sự chính là cùng chung các dự án nghiên cứu, chia sẻ về văn hóa, phát triển, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực có tiềm năng để đưa mọi người đến gần nhau hơn và kết nối tình cảm giữa nhân dân hai nước.


Tố Uyên (P/v TTXVN tại Thụy Sĩ)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN