Hỏa hoạn, người chết và thủ phạm vô hình

Những vụ cháy xưởng may ở các nước chậm phát triển chẳng phải là sự kiện quá giật gân. Như những gì xảy ra ở Pakixtan hồi tháng 9/2012, khi những ngọn lửa cao ngất nhấn chìm một nhà máy may ở Karachi, làm hơn 300 công nhân thiệt mạng. Báo chí vẫn đăng tải những bức ảnh từa tựa nhau sau những thảm họa kiểu này: những chiếc máy may méo mó, những người đàn ông xục đôi tay trần xuống đống đổ nát tìm để thi hài của vợ hoặc con gái...


Điều kiện làm việc ở những nhà máy may này luôn giống nhau. Có thể tìm ra hàng loạt lời giải thích hỏa hoạn, như lối thoát hiểm bị chặn, cửa sổ có chấn song, giấy xác nhận điều kiện an ninh giả mạo, chủ nhà máy bớt xén chi phí phòng cháy chữa cháy... Nhưng ít người để ý tới một nguyên nhân khác, đó là áp lực của nền kinh tế toàn cầu.


Nỗi đau của người thân những công nhân may xấu số ở nhà máy Tazreen Fashion sau vụ hỏa hoạn hôm 24/11/2012. Ảnh: Internet


Chỉ mới gần đây, những hình ảnh thương tâm từ vụ hỏa hoạn kinh hoàng tối 24/11 tại nhà máy dệt may Tazreen Fashion, nằm cách thủ đô Dhaka của Bangladesh 30 km về phía bắc, làm hơn 112 người thiệt mạng, đã được đã phát đi toàn thế giới. Nhà máy này mỗi tháng sản xuất chừng một triệu chiếc T-shirts, 800.000 T-shirts polo và 300.000 áo khoác cho các khách hàng như tập đoàn chuỗi bán lẻ C&A (Hà Lan), siêu thị Carrefour (Pháp), hãng thời trang Kik (Đức) và tập đoàn Walmart (Mỹ).


Cả đất nước Bangladesh để tang cho sự kiện bi thảm này, cờ rủ treo khắp đất nước, hàng triệu người cầu nguyện trong các đền thờ. Các chính trị gia thì vẫn có những phát biểu lặp đi lặp lại trong những sự kiện tương tự. Còn nỗi đau buồn của người dân đã trở thành cơn giận dữ. Trong những ngày qua, hàng nghìn người biểu tình phản đối và ném đá vào các nhà máy, phá hủy ô tô, phong tỏa đường phố, hàng trăm nhà máy bị đóng cửa.


Bầu không khí uất hận này tương tự những gì đã bùng nổ trong dạo mùa hè năm 2010, khi hàng chục nghìn người tuần hành qua các đường phố ở Đaca đòi tăng lương trong khu vực dệt may. Khi đó, họ đấu tranh đòi mức lương tối thiểu 5.000 Taka/tháng (chưa tới 62 USD) và đã quá mệt mỏi vì chỉ kiếm được 1/3 số đó. Họ đau đớn vì phải liều mạng sống vì món tiền thù lao rẻ mạt. Chẳng ai nhắc tới họ trong nhiều năm, ngoại trừ một dòng chữ nhỏ may trên nhãn của vô số chiếc T-shirt và quần lót, hàng triệu trang phục mùa hè và áo len mùa đông: Made in Bangladesh.


Cư dân khu ổ chuột ở Dhaka mất hết đồ đạc sau vụ hoả hoạn ngày 18/11/12. Ảnh Internet.


Giới quản lý nhà máy vẫn phàn nàn rằng họ không thể đáp ứng kịp các đơn hàng của khách hàng phương Tây. Rồi lại có các thương vong, tai nạn nghề nghiệp, người chết, nhưng vẫn là một bầu không khí im lặng.


Hàng triệu người được tuyển mộ làm việc trong các nhà máy ở Bănglađét, ngành công nghiệp dệt may là một trong vài “xương sống” của nền kinh tế nước này. Theo một số thống kê, khoảng 10% lượng hàng may mặc nhập khẩu vào châu Âu có xuất xứ từ Bangladesh, nước chỉ đứng sau Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ trong số những nhà xuất khẩu may mặc lớn nhất sang châu Âu.


Trong một cuộc thăm dò gần đây, có tới ¾ các hãng chuyên bán lẻ đồ thời trang hàng hiệu cho rằng Bangladesh là quốc gia đang nổi lên mạnh mẽ nhất trong khu vực dệt may thế giới. Nhưng đâu là cái giá phải trả?


Theo tổ chức “Clean Clothes Campaign” có trụ sở tại Hà Lan, kể từ năm 2006, hơn 470 người đã thiệt mạng trong các vụ hỏa hoạn nhà máy may ở Bangladesh. Hiện nay, các tiêu chuẩn an toàn lao động tại đây quá kém và chẳng có gì khác so với trước đây. Hệ thống dây cáp điện trên trần xưởng không bọc, lối thoát hiểm (nếu có) cũng bị khóa, cửa sổ luôn có chấn song, bình cứu hỏa là thứ hiếm khi nhìn (hoặc nghe) thấy tại đây.


Chuyên gia Gisela Burckhardt thuộc tổ chức Clean Clothes Campaign đã lập một biểu đồ minh họa mức giá mà người tiêu dùng phải chi được chi thành các phần: 50% chi phí giá bán lẻ và lợi nhuận, 25% cho quảng cáo, 11% vận chuyển và thuế, 13% chi phí nhà máy và chỉ cho 1% lương công nhân.


Những nữ công nhân may tại các nhà máy ở Bangladesh buộc phải làm việc với tốc độ của một... cỗ máy. Đôi khi họ bị xúc phạm, lạm dụng tình dục và đánh đập. Nếu tham gia nghiệp đoàn, họ có thể bị sa thải không thương tiếc.


Vấn đề không phải ở việc thiếu các hệ thống chứng nhận an toàn lao động. Nhiều công ty may lớn ở Bangladesh đã xây dựng các quy chuẩn về lao động và hướng dẫn thi hành. Nhưng thực tế hợp đồng luôn bị xé nhỏ cho các nhà thầu phụ, còn các công ty lớn cũng hiếm khi giám sát các chuỗi cung ứng của mình. Và đó vẫn là cách họ lảng tránh trách nhiệm trong nhiều năm.



Trần Long

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN