Hijra không còn là điều cấm kỵ tại Bănglađét

Thích tô son và kẻ mắt đồng nghĩa với việc bị kỳ thị suốt đời đối với Saiful Islam, cho đến khi một chương trình đào tạo nghề dành cho người đồng tính ở Bănglađét giúp cho công việc của anh được thừa nhận, sau bao khó khăn. Saiful Islam đã có một công việc như mơ ước.


 

Ảnh minh họa.

 

Sáng sáng, Saiful mặc chiếc áo T-shirt bó sát và chiếc quần jeans cạp trễ sành điệu, trang điểm rạng rỡ và tới nơi làm việc ở thủ đô Đắcca tại văn phòng ATN Bangla - kênh truyền hình tư nhân lớn nhất Bănglađét.


Công việc của anh là đảm bảo cho các MC một vẻ ngoài hoàn hảo nhất trước khi họ lên hình, một sự đổi đời như trong mơ mà chàng thanh niên 22 tuổi này chưa dám nghĩ đến.


Saiful là một trong khoảng 150.000 người đồng tính ở Nam Á - nơi họ được gọi là “hijra”, bị gia đình hắt hủi và buộc phải kiếm sống bằng cách ăn xin, làm điếm hay buôn bán ma túy.


"Chúng tôi chưa bao giờ dám mơ rằng một ngày nào đó, chúng tôi có thể làm việc văn phòng như những người bình thường", Saiful nói. "Điều thích nhất trong công việc của mình là các đồng nghiệp đối xử với tôi như những người bình thường. Đối với một hijra thì đây là một sự thay đổi vĩ đại”.


Saiful đã từng có một “tuổi thơ dữ dội” chỉ vì trót được sinh ra trong vẻ ngoài nam nhi mà lại mang tâm hồn thục nữ. Lớn lên trong một gia đình trung lưu ở Đắcca, Saiful bắt đầu phải chịu những lời rủa xả và đánh đập khi các anh trai của anh thấy anh quấn sari hay tô son và kẻ mắt như bất kỳ thiếu nữ Bănglađét nào đến tuổi biết làm duyên. Đến tuổi 18, Saiful bước vào con đường như những đồng tính khác ở Nam Á đều đi qua - đó là rời nhà gia nhập cộng đồng “hijra”, nơi anh có thể mặc gì tùy thích mà không bị dè bỉu hay đánh đập.


Các nhóm hirja thông thường kiếm tiền bằng việc xuất hiện tại các đám cưới, đám sinh nhật hay các sự kiện khác. Họ gây huyên náo mua vui và sẽ không rời đi cho đến khi nhận được tiền từ gia chủ.


Tuy nhiên, Saiful kể rằng những người như anh thường xuyên là nạn nhân của lạm dụng tình dục và bạo lực.


Giấc mơ đổi đời cho những người hirja như Saiful đã đến nhờ các nỗ lực của chính phủ nhằm giúp những người đồng tính - vốn nằm trong số những người bị gạt ra ngoài lề xã hội và bị phân biệt đối xử nhất ở những nước như Ấn Độ và Bănglađét.


Năm ngoái, Saiful là một trong 30 hijra được nhận vào học tại trường dạy nghề đào tạo những khóa học như chụp ảnh quay phim, may mặc và chăm sóc sắc đẹp. Sau 6 tháng học tập và thực hành, các bạn của anh là Bobby và Chanchal đã được nhận vào vị trí biên tập video tại kênh truyền hình ATN Bangla, trong khi Saiful và Opu trở thành các nghệ sĩ trang điểm tại phòng thu.


Islam kể khi cùng ba người bạn trong cộng đồng hijra gia nhập kênh truyền hình ATN Bangla, họ cũng là đối tượng bị trêu trọc nhưng một thời gian sau tất cả đã trở nên bình thường và giờ đây họ thấy mình cũng không khác gì các nhân viên khác.


Công việc mang lại cho Saiful 10.000 take (122 USD) mỗi tháng, cao hơn gấp 3 lần mức lương tối thiểu của nhà nước. Với thu nhập này, anh cũng có kế hoạch dài hạn là mở được một salon chăm sóc sắc đẹp. Anh cũng đã trở về sống với mẹ.


Ebadur Rahman, một quan chức chính phủ trực tiếp giám sát dự án đào tạo nghề cho các hijra, nói rằng thành công của đợt đào tạo đầu tiên đã khuyến khích ông tiếp tục tổ chức một chương trình nữa để giúp những người đồng tính phát triển kỹ năng nghề nghiệp của mình để hòa nhập xã hội. Ông nói: "Có nhiều doanh nghiệp tư nhân đã tìm đến chúng tôi xin nhận những hijras vào làm việc. Các nhà máy dệt may là có nhu cầu cao nhất bởi họ đang phải chịu tác động của khủng hoảng lao động".


Chính phủ Bănglađét đã cấp thu nhập hàng tháng cho những hijra cao tuổi và đang thành lập một trung tâm đào tạo nghề lâu dài cho những người đồng tính ở những lĩnh vực mà họ có thể học các kỹ năng để tìm được việc làm.


Đối với Pinki Shikder, một nhà hoạt động xã hội từng đấu tranh đòi sự thừa nhận và quyền lợi cho cộng đồng hijra, sự thay đổi quan điểm của chính phủ là điều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, người hiện đứng đầu Hiệp hội Hijra Bănglađét này cho rằng hành trình của người đồng tính để được thừa nhận như những người bình thường ở đất nước này còn dài, những dự án tạo việc làm cho hijras vẫn còn rất lâu mới đáp ứng đủ nhu cầu.

 

Đỗ Sinh (theo AFP)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN