Hàn Quốc và bài toán giữ gìn 'văn hóa kim chi'

Từng một thời được mệnh danh là nguồn bổ dưỡng vitamin C, kim chi Hàn Quốc giờ đây đã có mặt trong các thực đơn ở nhiều địa điểm trên thế giới. Món ăn đậm vị cay, tỏi làm từ cải thảo giờ đã xuất hiện trong nhiều nhà hàng ở Anh, Mỹ... Thế nhưng, tại quê hương của mình, kim chi lại đang bị “thất thế”, báo hiệu nỗi lo về sự mai một bản sắc văn hóa dân tộc.

Chế biến kim chi trong một sự kiện thường niên ở Seoul nhằm giúp đỡ người khó khăn. Ảnh: EPA/TTXVN

Theo Viện Kim chi thế giới, xuất khẩu kim chi của Hàn Quốc đạt 89,2 triệu USD trong năm 2013, giảm 16% so với một năm trước đó. Thế nhưng giá trị nhập khẩu mặt hàng này thì lên tới 117,4 triệu USD. Nói cách khác, Hàn Quốc chịu mức thâm hụt thương mại là 28 triệu USD riêng về kim chi. Một con số không lớn, nhưng nó là “nỗi đau” cứa vào niềm tự hào dân tộc. “Thật là sự xấu hổ khi phần lớn kim chi tại đất nước chúng tôi lại có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nó rẻ, nhưng vị không ngon bằng kim chi Hàn Quốc”, cô Kwon Seung - hee, người hướng dẫn cách làm món kim chi tại nhà riêng chia sẻ.

Kim chi nhập khẩu lấn lướt “hàng nội” là điều đã được dự báo từ lâu. Lý do là vì món ăn này từ chỗ xa xỉ đã chuyển thành xu hướng tiêu dùng bình dân. Kim chi là một phần không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của người dân Hàn Quốc, với lượng tiêu thụ lên đến 2 triệu tấn mỗi năm. Thống kê của một Tổ chức di sản văn hóa tại Seoul cho thấy, 95% người dân Hàn Quốc dùng kim chi ít nhất một lần trong ngày. Để đáp ứng nhu cầu, Hàn Quốc buộc phải nhập khẩu cải thảo từ Trung Quốc.


Ước tính có khoảng 100 công thức làm kim chi khác nhau tại Hàn Quốc. Việc chế biến kim chi là một nét văn hóa vô cùng quan trọng trong cuộc sống và sẽ tiếp tục được phần lớn người dân Hàn Quốc coi trọng, Park Hei - woong, một quan chức của tổ chức này chia sẻ. Theo ông, việc UNESCO công nhận nghệ thuật muối kim chi (Kimjang) của Hàn Quốc là di sản văn hóa phi vật thể cho thấy nghệ thuật làm kim chi biểu trưng cho “sự thống nhất của các cộng đồng và là một phần của bản sắc văn hóa Hàn Quốc”.


Trong khi đó, cô Jia Choi, Hiệu trưởng trường dạy nấu ăn ở Hàn Quốc cho rằng: Việc UNESCO vinh danh món kim chi làm cho người Hàn Quốc thêm tự hào, hy vọng sẽ là đòn bẩy để đẩy mức tiêu dùng kim chi trong giới trẻ. Hiện nay, thói quen ẩm thực truyền thống ở Hàn Quốc đang có sự thay đổi. Trẻ em ăn nhiều các món ăn khác, trong đó có nhiều đồ ăn mang nguồn gốc phương Tây. Thế nhưng ngay cả khi các em ý thức được thói quen dùng kim chi, thì thứ kim chi mà chúng dùng lại có xuất xứ từ Trung Quốc với giá rẻ hơn.


Vậy đâu là giải pháp để kim chi Hàn Quốc lấy lại vị thế trên chính quê hương của mình?


Hàn Quốc đang tìm cách hướng ra thị trường thế giới trong nỗ lực bảo tồn nét đặc trưng văn hóa ẩm thực trong một tương lai dài hạn. Khách hàng tại California (Mỹ) đã quen với sự có mặt của kim chi trong nhiều năm qua. Cùng với các món ăn truyền thống nổi tiếng khác của Hàn Quốc như thịt bò hầm (bulgogi), miến xào chay (japchae) và thịt ba chỉ nướng (samgyeopsal), kim chi cũng đã tìm đường len lỏi vào các nhà hàng ở Anh. Nhiều người dân ở “Xứ sở sương mù” đã lần đầu tiên được thưởng thức kim chi, cùng với hơn 100 món ăn Hàn Quốc khác trong suốt hai tuần của hội chợ ẩm thực hồi cuối năm 2013.


Trước thực tế trên, Hàn Quốc cho rằng họ cần phải phổ biến món đặc sản kim chi theo đúng cách thức mà các nước châu Âu quảng bá bơ và rượu của họ, để thế giới thấy kim chi là món ăn Hàn Quốc thực thụ và an toàn.


Hoài Thanh
Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN