Hàn Quốc khai trương tiểu thủ đô Sejong

Sau cả thập kỷ tranh cãi, cuối cùng Hàn Quốc hôm 2/7 đã khai trương một tiểu thủ đô mang tên Sejong, cách thủ đô Seoul (Xơun) 120 km về phía nam - nơi sẽ là trụ sở chính cho phần lớn các cơ quan chính phủ Hàn Quốc. Trước đó, dự án xây Sejong bị cho rằng mang động cơ chính trị.


 

Toàn cảnh khu vực dân cư ở thành phố Sejong ngày 2/7. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Khoảng 2.000 người dân và các quan chức ở Seoul đã tham dự lễ khánh thành Sejong - thành phố nằm trên diện tích 465 km2 và trị giá 19,4 tỷ USD khi hoàn thành. Mục tiêu xây dựng Sejong là cân bằng lại quá trình phát triển của đất nước Hàn Quốc - nơi mà thủ đô Seoul và các thành phố vệ tinh chiếm tới gần một nửa dân số. Ngoài ra, giảm tắc nghẽn trong khu vực thủ đô Seoul cũng là một mục tiêu của dự án Sejong.


Đến năm 2015, Sejong sẽ là trụ sở của 16 bộ, cơ quan cùng 20 văn phòng chính phủ trung ương đang đặt trong hoặc gần Seoul. Hơn 10.000 công chức sẽ làm việc tại Sejong.


Dù đã khai trương nhưng vẫn có những lời chỉ trích rằng chính phủ sẽ chỉ lãng phí thời gian đi lại mà không đạt được hiệu quả như mong muốn. Số khác cho rằng dự án này được vạch ra phần lớn để giành phiếu bầu của cử tri khu vực Chungcheong ở miền trung Hàn Quốc. Đây là khu vực có nhiều cử tri độc lập mà các đảng chính trị Hàn Quốc đều muốn giành được sự ủng hộ.


Trong bài phát biểu tại lễ khai trương Sejong, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Hwang-Sik nói: "Thành phố Sejong sẽ mở ra một kỷ nguyên mới quan trọng trong lịch sử phát triển cân bằng của thành phố". Ông Kim Hwang-Sik cũng thừa nhận có nhiều người lo lắng rằng việc phân chia các cơ quan chính phủ trung ương có thể không hiệu quả, nhưng khẳng định "sẽ cố gắng hết sức để dập tắt những quan ngại này và tạo ra sự cân bằng cũng như phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan".


Theo hãng tin AFP, tiểu thủ đô Sejong được đặt theo tên vị vua đáng kính Sejong ở thế kỷ 15 - người đã phát triển bảng chữ cái của Hàn Quốc. Ý tưởng xây dựng thành phố Sejong do ông Roh Moo-Hyun khởi xướng khi ông chạy đua vào ghế tổng thống năm 2002. Ông đề xuất coi Sejong là một thủ đô mới của Hàn Quốc nhưng dự án này đã bị tòa án hiến pháp bác bỏ năm 2004. Sau đó, ông Roh sửa đổi kế hoạch, vẫn giữ lại một số bộ ở thủ đô Seoul.


Năm 2008, khi Tổng thống Lee Myung-Bak lên cầm quyền, ông muốn giảm quy mô dự án xây dựng Sejong, biến nó thành một trung tâm giáo dục, kinh tế, khoa học thay vì trung tâm chính phủ. Tuy nhiên, những thành phần bất đồng ngay trong chính đảng của ông Lee Myung-Bak, do ông Park Geun-Hye dẫn đầu, đã cổ súy phe đối lập phản đối ý tưởng này. Ông Park Geun-Hye là ứng cử viên hàng đầu cho chức tổng thống trong cuộc bầu cử tháng 12/2012.


Chính phủ Hàn Quốc ước tính dân số của Sejong sẽ tăng từ 120.000 lên 500.000 đến năm 2030 và hi vọng kinh tế của Sejong sẽ phát triển bền vững. Điều này bị các nhà chỉ trích cho là mơ tưởng.


Hồi tháng 2, Ban kiểm toán và thanh tra nhà nước cho rằng Sejong có thể thiếu đầu tư khu vực tư nhân và có thể không đạt được mục tiêu dân số vào năm 2030. Ông Cho Dong Keun, một giáo sư kinh tế thuộc trường Đại học Myongji, nhận định: "Thành phố Sejong sẽ bị coi là một thảm họa to lớn do các chính trị gia không dám nói không".


Tuy nhiên, theo người dân địa phương, nhiều cuộc đời đã thay đổi nhờ tiền đền bù đất. Một người dân nói: "Giấc mơ của Tổng thống Roh và ước mong từ lâu của người dân Chungcheong cuối cùng đã thành hiện thực. Hôm nay là ngày rất vui đối với tất cả chúng tôi".


Giữa những khu đất ngổn ngang đang trong quá trình xây dựng, người ta thấy nổi lên một tấm biểu ngữ "Sự khởi đầu mới của thành phố Sejong - thành phố hàng đầu thế giới".


Minh Đức (theo AFP)

Chấm dứt tranh cãi chia sẻ quyền lực tại Quốc hội Hàn Quốc
Chấm dứt tranh cãi chia sẻ quyền lực tại Quốc hội Hàn Quốc

Ngày 29/6, trong một tuyên bố chung, đảng Thế giới mới (Saenuri) cầm quyền và các đảng đối lập ở nước này đã đồng ý tiến hành phiên khai mạc quốc hội khóa mới vào tuần tới, chấm dứt bế tắc kéo dài một tháng qua về cách thức chia sẻ quyền điều hành các ủy ban của quốc hội mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN