Hàn Quốc bỗng thành "xã hội chuyển động" ngày giáp Tết

Như mọi năm, ngày 5/2 năm nay - ngày làm việc cuối cùng trước khi người dân Hàn Quốc bước vào kỳ nghỉ Tết Âm lịch dài 5 ngày, tại thủ đô Seoul và các thành phố lớn khác đã chứng kiến “một cuộc di cư khổng lồ” khi người dân thành phố đồng loạt về quê ăn Tết.

Ga Seoul dần trở lên đông đúc trong buổi chiều ngày 5/2.

Ngay từ đầu buổi chiều cùng ngày, khu vực thủ đô Seoul, nơi tập trung 25,6 triệu dân, tức là gần một nửa nửa dân số của Hàn Quốc, trong đó riêng khu vực nội thành có khoảng 10,5 triệu người, đã chứng kiến dòng xe ô tô khổng lồ trên các cửa ngõ tiến ra các đường cao tốc tỏa về các địa phương.

Ga Seoul, nơi có các tuyến tàu cao tốc KTX và tàu hỏa đến các thành phố lớn trong cả nước, và các bến xe buýt tại thủ đô đã chở nên chật cứng hành khách ngay từ buổi trưa cùng ngày.

Bảng điện tử tại ga Seoul luôn trong tình trạng hết vé từ cuối buổi chiều ngày 5/2.

Ban Quản lý ga Seoul cho biết vé tàu xuất phát vào buổi chiều và tối ngày hôm nay đã được bán hết từ buổi sáng, trong khi theo đại diện các bến xe, đến 15h cùng ngày, mới có 80% số vé được bán nhưng chỉ 2 tiếng sau đó, tức là khi mọi người bắt đầu kết thúc công việc và lên đường về quê, thì toàn bộ số vé đã được bán hết.

Trước lượng hành khách tăng lên đột biến trong một khoảng thời gian ngắn, chính quyền Seoul đã tăng cường lực lượng tại các nhà ga và bến xe để đảm bảo an ninh. Một nhân viên cảnh sát Seoul cho biết: “Do gần đây xuất hiện lời đe dọa khủng bố tại sân bay quốc tế Incheon nên chúng tôi phải tăng cường thêm các biện pháp an ninh”.

Từng đoàn xe buýt và xe con nối đuôi nhau trên cửa ngõ thủ đô Seoul tiến ra đường cao tốc Kyeongbuk để về các tỉnh, thành phố phía Nam Hàn Quốc.

Nhân dịp này, thành viên nhiều nhóm dân sự và công đoàn lao động tại Hàn Quốc cũng cố gắng thu hút sự chú ý của công chúng tại các nhà ga và bến xe chính của thủ đô Seoul bằng cách phân phát các tời rơi kêu gọi ủng hộ trong vấn đề “phụ nữ mua vui” (những phụ nữ trên bán đảo Triều Tiên bị ép buộc làm nô lệ tình dục cho binh lính Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2) hay cải cách chế độ lao động, tiền lương…

Dù đông đúc nhưng những người mua được vé tàu hoặc xe buýt cũng là đã rất may mắn, trong khi phần lớn người dân Seoul phải chọn cách về quê bằng ô tô riêng. Anh Jang Jae Woo, một doanh nhân quê ở thành phố Ulsan, cách thủ đô Seoul khoảng 410km, cho biết: “Năm nay tôi mới cưới vợ nên Tết này hai vợ chồng phải cố gắng tranh thủ về quê sớm để thực hiện các nghi thức cúng lễ tổ tiên và thăm bố mẹ, họ hàng. Ngày thường về quê chỉ mất khoảng 4 tiếng chạy xe, nhưng ngày Tết như thế này thì không thể nói trước được, có thể phải mất tới 10 tiếng”. Anh Jang cũng tiết lộ đã chuẩn bị sẵn nước uống, đồ ăn nhẹ, thâm chí cả chăn, gối, áo ấm…đề phòng phải nghỉ lại giữa đường vì trên đường cao tốc hôm nay có thể tắc đến 10km như mọi năm trong khi chưa chắc đã có thể tạt vào các trạm nghỉ ven đường vì lượng xe quá đông.

Cùng với Tết Trung thu, Tết Âm lịch là một trong 2 ngày lễ quan trọng nhất tại Hàn Quốc và cũng là dịp người dân được nghỉ dài ngày nhất. Mặc dù là một xã hội hiện đại song với truyền thống trọng gia đình, người dân Hàn Quốc ngày nay vẫn giữ truyền thống về quê ăn Tết cùng người thân. Seoul, thường ngày là một thủ đô đông đúc và sầm uất nhất Châu Á, cũng trở lên vắng vẻ hơn trong dịp Tết. Nhiều người cũng vì thế đã ví von Hàn Quốc là “một xã hội chuyển động” khi nhìn những dòng xe con khổng lồ di chuyển trên các đường các tốc hướng ra ngoài thủ đô Seoul trong dịp này.

Phạm Duy (P/v TTXVN tại Hàn Quốc)
Người Hong Kong rộn ràng đón Tết
Người Hong Kong rộn ràng đón Tết

Nền văn hóa pha trộn giữa những nét cổ truyền phương Đông với sự phóng khoáng, mới mẻ của phương Tây, Tết của người Hong Kong có những nét riêng khác biệt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN