Đời ổ chuột dưới bóng “Gangnam Style”

Dưới bóng những cao ốc chọc trời ở quận Gangnam giàu có nhất Seoul, bà Kim Bok-la, 75 tuổi, đang kéo chiếc xe đẩy chất đầy vỏ bìa các tông đi qua một khu nhà lụp xụp, nằm lạc lõng giữa một trong những thành phố phát triển nhất của châu Á.


Một nhà thờ đổ nát ở Guryong in trên nền khu Gangnam giàu có



Trên bãi phế thải, bà Kim cười mỉm trong lúc đếm những đồng bạc trả cho đống vỏ hộp mà bà đã mất cả ngày để thu lượm. “Đây là tất cả những gì tôi có thể làm để tồn tại, có thể cho đến tận lúc chết vì tôi sống một mình, chẳng có nguồn thu nhập nào khác”, bà cho biết.


Nhà bà Kim ở Guryong (Cửu Long), một khu ổ chuột bẩn thỉu toàn những túp lều bằng gỗ dán và vải dầu, mọc lên từ năm 1988 bởi một loạt cư dân “nhảy dù” bị dẹp từ các nơi khác trong chiến dịch phong quang thành phố nhằm chuẩn bị cho sự kiện Xơun đăng cai Thế vận hội Mùa hè.


Gần 25 năm sau, Guryong đã có tới trên 2.000 cư dân, sống trong tình trạng nghèo túng tương đương với mức nghèo ở Thế giới Thứ Ba. Thật trớ trêu là Guryong nằm không xa thế giới xa hoa sang trọng của Gangnam, một quận thượng lưu với những hộp đêm và cửa hàng xa xỉ đã trở nên nổi tiếng toàn thế giới sau bản hit “Gangnam Style” của rapper Hàn Quốc Psy.


Các tài xế taxi cũng khó định vị được Guryong mặc dù nó chỉ được ngăn cách với Gangnam bởi một đường cao tốc 6 làn và trải trên một diện tích rộng tới 30 hecta. “Làng của chúng tôi là khu ổ chuột lớn nhất Seoul, nhưng nó không xuất hiện trên bất cứ tấm bản đồ nào”, ông Lee In, phó hội đồng dân cư Guryong, nói.


Một phần lớn cư dân Guryong ở độ tuổi 70, 80 và sống một mình, hầu hết không nhận bất cứ hỗ trợ nào từ nhà nước. “Nhiều người phải làm những công việc vất vả để kiếm sống hằng ngày. Họ không chết đói phần lớn là nhờ sự giúp đỡ của những người hảo tâm và các tổ chức tôn giáo”, ông Lee In cho hay.


Một trong những hình ảnh nổi bật ở Guryong là những cây cầu gỗ tạm bợ bắc qua các lạch nước in bóng hơn chục nhà thờ xiêu vẹo phục vụ cho cộng đồng nghèo này. Nhà cửa ở Guryong đều được dựng trái phép. Nơi đây hầu như không có hệ thống điện và khí đốt, người dân chủ yếu dùng than làm nguồn sưởi ấm chính trong mùa đông giá lạnh. Một đám cháy hồi tháng 1 năm nay chỉ trong vài phút đã thiêu rụi hàng chục căn nhà. Còn trận lụt hồi tháng 7 năm ngoái cũng đã phá hủy phần lớn ngôi làng ổ chuột này.


Cái tên Gangnam trở nên nổi tiếng toàn cầu sau thành công của ca khúc "Gangnam Style" và điệu nhảy ngựa của Psy.



Trớ trêu là một Guryong nghèo khổ lại nằm trên một khu vực bất động sản mà giới đầu tư thèm muốn. Khu đất này thuộc sở hữu tư nhân, nhưng các cư dân nhảy dù đã ở đây lâu đến mức họ đã giành được một quy chế gần như là hợp pháp, sau khi chính quyền thành phố trao cho họ giấy phép công dân tạm thời hồi năm ngoái.


Đầu năm nay, một nhà đầu tư tư nhân đã lên kế hoạch xây dựng một khu căn hộ thu nhập thấp dành cho các cư dân Guryong. Chính quyền Seoul cũng đề xuất một kế hoach tương tự, tuy nhiên, hai đề xuất này đã gây ra cuộc tranh luận nóng bỏng xung quanh lựa chọn nào có lợi hơn với người dân.


Lệnh trục xuất cưỡng bức là một lựa chọn rõ ràng, tuy nhiên, nhà chức trách cũng chưa thống nhất về các biện pháp mạnh tay. Trước đây, một chiến dịch di dời người định cư trái phép ở một quận khác ở Seoul vào năm 2009 cũng từng gây ra xung đột khiến 5 người dân và một cảnh sát thiệt mạng.


Với ông Kim Kyo-Seong, giáo sư thuộc trường Đại học Chung-Ang, thì Guryong là hiện thân cho mặt trái của quá trình phát triển kinh tế nhanh chóng tại Hàn Quốc. “Đó là một biểu tượng của bất bình đẳng trong xã hội chúng ta, thể hiện ở khoảng cách thu nhập, sự thiếu hỗ trợ cho thế hệ người già và tình trạng gạt ra bên lề những người bị bỏ lại đằng sau công cuộc phát triển kinh tế quá mạnh mẽ của đất nước”, vị giáo sư về an sinh xã hội nói.



Thu Hằng (Theo AFP)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN