Độc đáo thư viện trên lưng ngựa

Ngồi vững chãi trên lưng ngựa, Ridwan Sururi trông như một chàng cao bồi. Ít ai nghĩ anh lại là một thủ thư khi anh cưỡi ngựa và dắt theo con ngựa cái Luna đến ngôi làng ở sườn đồi.

Trên lưng Luna là các túi đựng đầy sách. Một người, hai ngựa, vậy là Sururi đã có một thư viện di động, mang sách đến cho người dân ở những làng hẻo lánh trên đảo Java của Indonesia.

Mỗi lần thấy bóng “thư viện di động”, người dân ở làng Serang lại hào hứng. Trẻ con hét lên “Thư viện ngựa!” và chạy ào tới nhà thờ nơi Luna dừng chân. Chúng chăm chú nhìn hai hộp gỗ đựng sách mà Luna mang tới. Đối với nhiều người, thư viện di động độc đáo này là thứ duy nhất kết nối họ với sách. Khu vực làng Serang không có thư viện, hiệu sách chỉ có trong các thành phố lớn cách đó vài cây số. 

Trẻ em vây quanh ngựa Luna để chọn sách. Ảnh: AP

Anh Sururi 43 tuổi vốn làm nghề chải lông ngựa. Anh muốn nghĩ ra một cách độc đáo để khuyến khích người dân trong làng đọc sách. Sau khi làm quen với một người yêu ngựa trên mạng xã hội tên là Nirwan Arsuka, anh và người này đã thống nhất làm một điều gì đó có ích cho cộng đồng. Ý tưởng của họ là kết hợp ngựa và sách. Nirwan cho Sururi mượn con ngựa cái Luna và khoảng 100 quyển sách để bắt đầu. Từ đó, Sururi cùng thư viện rong ruổi tới các làng hẻo lánh từ đầu năm 2015. Dù thực hiện nhưng trong lòng Sururi vẫn băn khoăn không chắc có thành công.

Thế nhưng, thư viện trên lưng ngựa đã thành công bất ngờ. Không lâu sau chuyến đi đầu tiên, các trường học và làng quanh đó đều đề nghị Sururi tới ghé thăm. Đi tới đâu là Sururi được người dân chào đón. Sururi kể với phóng viên AFP: “Bọn trẻ lúc nào cũng đợi tôi và ngựa tới. Thỉnh thoảng chúng còn xếp hàng, chờ rất lâu chỉ để tới lượt mượn sách”.

Ban đầu, Sururi chỉ nghĩ trẻ em mới thích thú với thư viện trên lưng ngựa nhưng người lớn cũng hào hứng không kém. Nhiều người bỏ dở công việc để đi mượn sách. Không có thời gian để đi mượn sách, đối với họ, thư viện ngựa là nguồn duy nhất. Cô bé Warianti 17 tuổi đi mượn sách cùng mẹ và cho biết dân làng đủ lứa tuổi đều hưởng lợi từ thư viện trên lưng ngựa của anh Sururi. Cô nói: “Thư viện ngựa giúp phụ nữ trong làng tăng kiến thức thông qua đọc sách”.
Thư viện ngựa độc đáo trở nên thu hút với dân nghèo Indonesia trong bối cảnh tỷ lệ biết chữ ở Indonesia tăng bền vững trong những năm gần đây, đạt 96% trong năm 2013. Tuy nhiên, tỷ lệ này ở một số tỉnh vẫn còn thấp. Như ở Trung Java, nơi Sururi thường rong ruổi cùng Luna, tỷ lệ biết chữ xếp thứ ba từ dưới lên. Gần 5% người lớn, tức khoảng một triệu người, trong tỉnh nông thôn này mù chữ. Sururi nói: “Mục đích của thư viện ngựa là để ai cũng có thể mở mang tầm nhìn, biết thêm kiến thức, trở nên thông minh hơn”.

Bên ngoài ngôi nhà đơn giản, Sururi đã dọn riêng một khu vực để chứa sách. Mỗi quyển đều có mã số. Từ hơn trăm quyển sách ban đầu, thư viện của anh giờ đã có hàng nghìn cuốn được mọi người trên mạng xã hội tặng. Anh và vợ thường cùng nhau phân loại sách và ghi chép sổ sách cẩn thận để có thể lấy sách về đúng thời hạn. Sách được anh cho mượn miễn phí nhưng đặt ra thời hạn trả để một quyển có thể đến với nhiều người. Mỗi tuần anh ghé thăm các trường học trong làng 3 lần để cho mượn sách và lấy sách về.

Khi nhìn các em học sinh ngồi thành vòng tròn đọc sách ở sân trường, anh Sururi cảm thấy rất tự hào và hài lòng vì mình đã làm được một việc có ích cho cộng đồng.
Thùy Dương
“Thư viện thu nhỏ” góp phần phát triển văn hóa đọc
“Thư viện thu nhỏ” góp phần phát triển văn hóa đọc

Phát huy truyền thống hiếu học, nhiều thư viện, tủ sách dòng họ đã hình thành tại các địa phương của tỉnh Nghệ An. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 9 tủ sách dòng họ, là những “thư viện thu nhỏ”, có ý nghĩa thiết thực trong việc phát huy truyền thống hiếu học của con cháu dòng họ và người dân địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN