Doanh nghiệp lớn thời số hóa: “Sống trong sợ hãi”

Với cảm giác tương tự nhân vật hư cấu Gulliver trong tiểu thuyết phiêu lưu kỳ thú “Gulliver du ký” khi tỉnh dậy thấy mình bị người lùn xứ Lilliput tấn công, giới lãnh đạo cao cấp của những doanh nghiệp lớn đang đứng trước xu hướng áp đảo ngày càng mạnh mẽ từ những công ty nhỏ mới khởi nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại.


Những ưu thế truyền thống của các doanh nghiệp lớn như quy mô hoạt động khổng lồ, khả năng kiểm soát kênh phân phối, sức mạnh thương hiệu và hàng triệu mối quan hệ khách hàng, hiện đã không còn “át vía” được các doanh nghiệp nhỏ rất linh hoạt với mô hình hoạt động đầy sáng tạo.

Những đột phá công nghệ trong kỷ nguyên kỹ thuật số hiện là “vũ khí” tiềm năng để các công ty nhỏ có thể đánh bại các doanh nghiệp lớn.

Theo kết quả thăm dò ý kiến 941 lãnh đạo các doanh nghiệp đầu ngành tại 13 nền kinh tế lớn nhất thế giới do một trung tâm nghiên cứu của IDM - trường đào tạo kinh doanh hàng đầu của Thụy Sỹ - thực hiện, cứ 10 doanh nghiệp thì có tới 4 doanh nghiệp không tin họ có thể "sống sót" sau 5 năm nữa trước áp lực của một loạt nhân tố: tốc độ phát triển công nghệ nhanh, xu hướng chuyển đổi mô hình kinh doanh và nhu cầu sáp nhập để cắt giảm chi phí.

Ông James Macaulay, đồng tác giả của nghiên cứu trên, cho rằng không chỉ các doanh nghiệp đơn lẻ mà nhiều ngành cũng gặp phải khó khăn trên. Những đột phá công nghệ trong kỷ nguyên kỹ thuật số hiện là “vũ khí” tiềm năng để các công ty nhỏ có thể đánh bại các doanh nghiệp lớn và định hình lại các thị trường nhanh hơn bất kỳ "thế lực" nào trong lịch sử kinh tế thế giới.

Cũng theo cuộc thăm dò trên, các lĩnh vực có số doanh nghiệp hàng đầu gặp rủi ro nhiều nhất là khách sạn/du lịch, truyền thông và giải trí, bán lẻ, dịch vụ tài chính và hàng tiêu dùng/chế tạo. Trong khi đó, những ngành nghề như dược phẩm, dịch vụ công cộng, dầu khí lại được đánh giá là ít nguy cơ "đổ vỡ" nhất.

Ông Karl Ulrich Garnadt, Giám đốc điều hành German Airlines thuộc hãng hàng không Deutsche Lufthansa AG, mới đây cho hay hãng hàng không này vẫn mất quá nhiều thời gian để “lấn cấn” về các đối thủ trực tiếp đến từ châu Á hoặc khu vực Trung Đông, trong khi lại để tuột mất cơ hội thu hút khách hàng khi các ứng dụng dịch vụ du lịch (như mua vé máy bay trực tuyến) trên điện thoại và các thiết bị di động “lên ngôi”. Theo ước tính, 12 ứng dụng dịch vụ du lịch trên các thiết bị di động “đỉnh” nhất được định giá khoảng 88 tỷ euro (99 tỷ USD) trong khi giá trị vốn hóa của hãng hàng không Lufthansa lớn nhất châu Âu chỉ ở mức 5,5 tỷ euro, giảm tới 50% so với 10 năm trước đó.

Từng lĩnh vực sẽ có những "mối đe dọa" khác nhau, ví dụ “khắc tinh” của các hãng sản xuất ô tô và các doanh nghiệp vận tải là công ty ô tô điện sang trọng Tesla hay dịch vụ taxi trực tuyến Uber. Trong khi đó, dịch vụ đặt phòng và mua vé máy bay trực tuyến Airbnb hoặc Trivago sẽ mang lại “nỗi ám ảnh” cho các khách sạn và các hãng hàng không truyền thống.

Ông Martin McPhee, phó chủ tịch cấp cao phụ trách mảng tư vấn của Cisco, cho rằng những "kẻ thách đấu" đã và đang mang lại những cải thiện lớn về trải nghiệm sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ cho các khách hàng. Họ kết hợp điều này với việc tìm cách cắt giảm chi phí và thâm nhập thị trường mà không cần đầu tư quá nhiều vào tài sản hữu hình hoặc cơ sở hạ tầng phân phối.

Theo các chuyên gia, những yếu tố như làn sóng sáng tạo kỹ thuật số ngày càng lớn, các thương vụ sáp nhập xuyên biên giới, hoạt động liên doanh được đẩy mạnh và một sự sẵn sàng đánh cược lớn hơn vào những mô hình kinh doanh rủi ro, có thể tác động bất lợi tới hoạt động hiện tại của các doanh nghiệp truyền thống.

Uber hiện đang triển khai các chiến lược để các tài xế taxi có thể kiêm luôn cả dịch vụ giao nhận nhiều loại hàng hóa khác nhau trong một nỗ lực cạnh tranh (và thách thức) đối với các doanh nghiệp có tên tuổi như FedEx và UPS. Vì vậy, ông McPhee cho rằng lịch sử sẽ lặp lại như với cuộc bùng nổ Internet hồi giữa thập niên 1990 của thế kỷ trước, khi chỉ có 25% trong 100 doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ (theo xếp hạng của tạp chí nổi tiếng Fortune) có thể tồn tại qua 15 năm sau.

Kim Dung (Theo Reuters)
Tiến dần số hóa nơi công sở
Tiến dần số hóa nơi công sở

Một cán bộ lâu năm công tác trong ngành viễn thông và công nghệ thông tin cho biết: Việt Nam hiện có hơn 11.000 đơn vị hành chính cấp xã. Nếu một văn bản của Chính phủ cần gửi xuống tận cấp xã mà phải đi qua đường công văn thông thường sẽ mất rất nhiều thời gian.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN