“Điệp vụ chó dại” ở xứ cà ri

Tại Ấn Độ, ước tính cứ mỗi giờ lại có một đứa trẻ chết vì bệnh dại và gần như trong mọi trường hợp, nguyên nhân đều xuất phát từ một vết chó cắn.


Trong khi hầu hết mọi người dân ở đất nước này đều ý thức sâu sắc về bệnh dại thì điều kì lạ là trong tất cả 22 ngôn ngữ chính lẫn hằng hà sa số các phương ngữ khác, không có từ nào được dùng để chỉ bệnh dại. Từ gần nghĩa nhất ám chỉ đến “chó điên” và xuất phát từ tín ngưỡng rằng “chó điên” là một con vật bị nguyền rủa.

 

Gamble bắt một chú chó bằng lưới vợt bươm bướm để tiêm vắcxin.
National Geographic


Trước những con số thống kê gây chấn động nêu trên, bác sĩ thú y người Anh Luke Gamble, 37 tuổi - lực sĩ ba môn thể thao phối hợp, đai đen karate - đã không thể làm ngơ.


Kết hợp với sự hỗ trợ của các bác sĩ thú y người Ấn Độ và những người đàn ông địa phương đã được đào tạo kĩ năng bắt chó, Gamble đã lập một nhóm hơn 500 tình nguyện viên gồm các bác sĩ, y tá và sinh viên thú y từ 14 quốc gia. Gamble gọi công việc phòng chống bệnh dại tại 12 thành phố của Ấn Độ trong khoảng thời gian 30 ngày mà nhóm này thực hiện là “Điệp vụ chó dại” đồng thời đặt ra mục tiêu tiêm vắcxin cho 50.000 con chó với sự hỗ trợ vốn của 25 nhà tài trợ chính thức.


Cuộc săn bắt đầu


Bắt đầu từ 4 giờ sáng ngày đầu tiên của tháng 9/2013, bất chấp nhiệt độ thấp và độ ẩm trong không khí cao, các tình nguyện viên tập hợp thành từng nhóm 6 người. Họ lên những chiếc xe nhỏ được biết đến dưới cái tên “Tata ma thuật”, khởi động cuộc truy tìm những con chó hoang.

 

Nhóm tình nguyện viên đi bắt chó ở Kolkata, Ấn Độ. National Geographic


Phi tiêu và roi điện đều không được sử dụng trong “điệp vụ” này bởi khó lường trước hậu quả khi lũ chó có thể trốn chạy vào những nơi không thể tiếp cận hoặc “tên bay, đạn lạc” có thể vô ý trúng người.


Nhanh, phối hợp nhịp nhàng và bình tĩnh, nhóm bắt chó thay vào đó dùng những chiếc lưới vợt bươm bướm để tiếp cận chó hoang. Một khi đã sa lưới, những chú chó được giữ sát mặt đất, tiêm một mũi vắcxin phòng dại và đánh dấu bằng một vết sơn trước khi được thả ra. Toàn bộ quy trình diễn ra không quá một phút.


Không như chó hoang, chó nhà thường bị xích lại và do đó trở nên dữ tợn hơn. Nhưng với tinh thần làm việc nghiêm túc, hễ nơi đâu có tiếng chó sủa, nơi đó có mặt các tình nguyện viên.


Cứ như vậy, có lúc họ đi bộ vòng quanh, có lúc họ chạy qua những quãng đường dài mỗi ngày để đuổi bắt chó. Thời gian nghỉ ngơi chỉ là vài giờ chợp mắt tại những nhà nghỉ tuềnh toàng.


Chia sẻ về động lực làm việc, Gamble nói: “Tôi đã chứng kiến hai người chết vì bệnh dại. Bấy nhiêu đó cũng đủ trở thành động lực cho công việc của tôi”.


Kết thúc “Điệp vụ chó dại”, Gamble và các tình nguyện viên đã tiêm vắcxin cho 60.310 con chó. “Điều này có nghĩa là cứ mỗi 40 giây lại có một chú chó được tiêm chủng và rất nhiều người đã được cứu khỏi nguy cơ mắc bệnh dại”, Kate Shervell - một bác sĩ thú y người Anh nói.


Theo Gamble, mỗi năm chính phủ Ấn Độ chi xấp xỉ 25 triệu USD để tiêm vắcxin cho những người bị chó dại cắn. Và chỉ cần 15 triệu USD, các tình nguyện viên đã có thể tiêm vắcxin cho tất cả những chú chó tại Ấn Độ. Anh cũng khẳng định 100% rằng việc phòng ngừa bệnh dại là hoàn toàn có thể thực hiện được.


Hiện Ấn Độ chiếm 1/3 các ca tử vong vì bệnh dại trên thế giới. Mặc dù chính phủ nước này đã hỗ trợ chi phí tiêm chủng, nhưng việc điều trị bệnh dại đồng nghĩa với việc bệnh nhân phải rời bỏ công việc và thường phải chuyển tới một thành phố lớn để điều trị.


Chó dại tại các khu dân cư thường bị giết ngay khi bị phát hiện mắc bệnh. Nhưng không phải tất cả chó dại đều có những biểu hiện rõ ràng của bệnh như sùi bọt mép, hung tợn. Những biểu hiện “ngớ ngẩn” hoặc không thể đoán trước cũng có thể là dấu hiệu nhiễm bệnh của loài vật này.


Anh Minh (Theo National Geographic)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN