Điện ảnh thế giới và những thách thức tiềm ẩn

Thảm đỏ ở Nhà hát Kodak đã được cuộn lại, các tượng vàng Oscar 2011 đã có chủ. Nhưng khi niềm vui và nỗi buồn của đêm trao giải này chưa kịp lắng lại, ngành công nghiệp điện ảnh chợt nhận ra rằng họ đang đứng trước một thực tế phũ phàng.

Công nghệ số đang làm thay đổi nhanh chóng cách thức các tác phẩm điện ảnh được chuyển tải đến công chúng. Doanh số bán đĩa DVD tiếp tục đà lao dốc chưa từng có. Lượng khán giả đến rạp mỗi lúc một giảm và thậm chí sự xuất hiện của dòng phim 3D cũng không khiến tình hình sáng sủa hơn.

Các rạp chiếu phim 3D ngày càng nhiều cũng chưa thể tạo đột biến trong việc thu hút khán giả tới các rạp chiếu bóng.

Các phân tích tài chính cho rằng các nhà làm phim và phát hành phim cần thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng về gu thưởng thức của khán giả trong một kỷ nguyên mà giải trí không còn xa xỉ, hơn nữa lại rất sẵn trên Internet. Phần đông giới làm điện ảnh ở Hollywood nhất trí với thực tế này và đang làm việc để thay đổi. Nhưng những cách kinh doanh sinh lời mới còn thưa thớt như sao buổi sớm và hậu quả có thể là một sự “thoái trào” sắp xảy đến trong ngành điện ảnh như đã từng xảy ra trong ngành công nghiệp âm nhạc những năm 2000.

“Những xu hướng mà chúng ta thấy ngày hôm nay phần nào giống như với ngành âm nhạc”, Mitch Singer, phụ trách công nghệ của hãng Sony Pictures Entertainment, một nhánh của tập đoàn Sony Corp nói. "Doanh thu đang giảm sút còn khán giả thì tìm những cách thức khác để tiếp cận các tác phẩm của chúng ta”.

Theo số liệu của mạng chuyên theo dõi lượng khán giả đến rạp Hollywood.com Box Office, từ đầu năm đến nay, các rạp chiếu bóng ở Mỹ và Canađa bán được khoảng 173 triệu vé, giảm 23% so với con số 225 triệu vé cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, bức tranh điện ảnh toàn cầu không chỉ toàn gam màu xám. Hiệp hội Điện ảnh Mỹ cho hay doanh số điện ảnh trên toàn cầu trong năm 2010 đạt 31,8 tỉ USD, tăng 8% so với năm trước đó.

Trong số các “điểm sáng” của ngành công nghiệp điện ảnh toàn cầu phải kể đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương với mức tăng trưởng ấn tượng nhất là 21%. Hiệp hội Điện ảnh Mỹ cũng thừa nhận rằng kết quả kinh doanh ở Mỹ và Canađa không tăng không giảm trong năm 2010, chỉ đạt 10,6 tỉ USD. Tồi tệ hơn, người tiêu dùng chỉ mua khoảng 10 tỉ USD các sản phẩm giải trí video trong nhà trong năm 2010, so với 14 tỉ USD trong năm 2004 khi thị trường DVD đang bùng nổ, báo cáo của IHS Screen Digest cho biết.

Phải chăng các phim trường đã chết?

Đó là tựa đề bài báo của tác giả Jeffrey Korchek, Phó Chủ tịch phụ trách pháp luật và kinh doanh của Mattel Inc, đăng trên tờ “The Huffington Post” mới đây, trong đó ông lập luận các tác phẩm điện ảnh đang trở thành “hàng hóa giá bèo” bởi vì những công ty Netflix và Coinstar's Redbox định giá cho thuê quá thấp.

Tại các kiốt của mình, Redbox cho thuê phim với giá chỉ 1 USD/ngày, mức giá mà các xưởng phim phàn nàn không ngớt. Còn Netflix, với khoảng 20 triệu thuê bao, cho phép khách hàng xem tất cả phim nào họ muốn chỉ với giá 7,99 USD.

Trang mạng Amazon.com trong tuần này đã giới thiệu một dịch vụ tải phim mới, theo đó khách hàng chỉ cần bỏ 79 USD/năm là họ có thể xem được bất cứ phim nào ra rạp.Cũng theo số liệu của IHS Screen Digest, chi tiêu tổng thể cho thuê băng đĩa xem tại nhà chỉ đạt 6,3 tỉ USD năm ngoái từ mức 8,6 tỉ USD năm 2001.

Nhưng nếu như chẳng có siêu nhân đơn lẻ nào dẫn dắt khu vực này, các hãng phim đang phải tìm cách tự cứu mình. Không ít hãng đã đầu tư vào điện ảnh 3D và nhắm đến các cách thức khiến người tiêu dùng có thể nhận được phim nhanh hơn, cũng như tạo ra các mạng lưới bán bản sao phim số hoá trực tiếp cho người tiêu dùng.

Theo Hiệp hội các chủ sở hữu rạp chiếu bóng Mỹ, trên toàn nước Mỹ hiện có 8.455 màn ảnh có công nghệ 3D, chiếm trên 20% số màn ảnh chiếu bóng của toàn liên bang. Ông Eric Wold, một nhà phân tích của Merriman Curham Ford nhận định: “Có lẽ nhờ giá vé cao hơn, các bộ phim 3D đã đóng góp 30% doanh thu cho các rạp trong 2 tháng đầu năm 2011”.

Nhưng thị trường phim 3D cũng đã nhen nhóm những điểm yếu và ông Matthew Lieberman, Phụ trách bộ phận giải trí của PricewaterhouseCoopers', nói rằng khách hàng đang trở nên kỹ lưỡng hơn trong việc chọn lựa bộ phim nào họ muốn xem trong dòng phim 3D. Ông Lieberman cho rằng khả năng duy trì mức giá tối thiểu chắc chắn là một vấn đề đáng lưu tâm.

Khá nhiều hãng phim Hollywood trong năm nay cũng bắt đầu triển khai một hệ thống có tên gọi “Cực tím” (Ultraviolet), cho phép khách hàng đăng ký một bộ phim mua trực tuyến và nhờ thế họ có thể tải phim qua laptops, máy Blu-ray hay bất cứ thiết bị tương lai nào. Ông Singer, giám sát “Cực tím” của hãng Sony cho biết hệ thống mới này của họ đã có khá đông khách hàng và ông dự đoán thị trường phim trực tuyến các tác phẩm điện ảnh và truyền hình có thể đạt 480 triệu USD trong năm nay.

Nhưng so với hàng tỉ USD mà Hollywood đã quen thu được từ các bộ phim, con số này quả là khiến người ta cười ra nước mắt.

Đỗ Sinh (Theo AFP)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN