Đến với lễ hội Songkran - Thái Lan

Vốn được coi là “Thiên đường du lịch”, mỗi năm Thái Lan đón hàng triệu lượt khách đến thăm đất nước xinh đẹp và mến khách này. Trong bối cảnh cộng đồng ASEAN được thành lập vào cuối năm nay, chính quyền và người dân ở nhiều địa phương của Thái Lan đang rất chú trọng trong việc gìn giữ nền văn hóa truyền thống của mình.

Mỗi năm, trên đất nước Thái Lan diễn ra hàng chục lễ hội truyền thống. Ngay sau lễ hội lớn nhất là Songkran trên cả nước, mỗi địa phương lại có những lễ hội riêng của mình, để lưu giữ và thể hiện nét văn hóa truyền thống và cũng là cơ hội để quảng bá du lịch.

Đám rước trong Lễ hội Kong Khao ở Srirachai.



Chúng tôi đến thị xã ven biển Srirachai trong cái nóng 42 độ C một ngày cuối tháng 4. Bên bờ vịnh Thái Lan này, đang có hàng ngàn người đổ về nơi diễn ra Lễ hội Kong Khao Sriracha. Đã có hàng chục đội rước lễ xếp hàng vừa trang nghiêm, vừa náo nhiệt để góp phần làm nên một lễ hội truyền thống của địa phương mình. Nghi lễ truyền thống góp cơm Kong Khao được tổ chức đã hàng trăm năm nay. Ngư dân ở các địa phương ven biển này tin rằng nếu họ tụ hợp lại và cùng nhau cầu nguyện, họ sẽ được an toàn, nhất là khi ra khơi. Vì vậy, Kong Khao chính là một nét văn hóa truyền thống lâu đời ở Pattaya. Ngày nay, nghi lễ này vẫn được bảo tồn và phát triển như một sự kiện để thu hút khách du lịch.

Trái với sự náo nhiệt của thị xã Sriracha, tại khu chợ hải sản Lamphu Nakhua ở thành phố Pattaya lại diễn ra lễ hội Kong Khao với những nghi lễ hết sức trang trọng. Trong một không khí trang nghiêm và ấm cúng, những người đứng đầu thành phố đang thực hiện nghi lễ cúng thần biển, cầu cho sự bình yên của các ngư dân đang lênh đênh trên sóng nước trở về bình an. Dưới ánh sáng mờ ảo của những ngọn đèn lung linh, ông Thị trưởng Itthiphol Kunplome và các đồng sự đang hết sức kính cẩn thắp hương trước những lễ vật là hải sản bắt lên từ biển, cầu khấn thần biển phù hộ cho những người dân của mình

Trò chơi trong nghi lễ truyền thống của người Mon ở tỉnh Phra Pradaeng.



Tết Songkran và nghi lễ Kong Khao là một trong những lễ hội quan trọng nhất ở Thái Lan và Pattaya nói riêng. Lễ hội này tổng hợp những giá trị tinh thần của người Thái và cũng như du khách. Ở Pattaya không chỉ có người Thái mà còn có rất nhiều du khách nước ngoài sống ở đây. Trong các dịp lễ Songkran, họ lại mời gia đình và người thân đến Pattaya để tham dự lễ hội. Lễ hội té nước Songkran Pattaya bắt đầu từ ngày 19/4 hàng năm và trong suốt lễ hội luôn thu hút nhiều du khách đến Pattaya.

Ông Itthiphol Kunplome - Thị trưởng thành phố Pattaya cho biết: “Lễ hội năm mới Songkran rất quan trọng đối với người Thái. Lễ hội này là một cách để cho mọi người trên toàn thế giới biết Thái Lan cũng có truyền thống riêng của mình. Đây cũng là dịp để người Thái thể hiện lòng tri ân đối với tổ tiên và người lớn tuổi. Trong những ngày đầu năm mới, hầu hết những người đi làm ở ngoài thành phố Pattaya, như là Bangkok và nước ngoài đều quay trở về nhà, quây quần với người thân trong gia đình. Lễ hội Songkran ở Pattaya là một dịp để thể hiện văn hóa truyền thống của thành phố, cũng là cơ hội để quảng bá du lịch. Đây là một trong những chính sách trọng tâm của Pattaya để phát huy văn hóa truyền thống. Riêng năm nay, chúng tôi muốn thu hút du khách đến Thái Lan để khám phá nét đặc trưng của người Thái”.

Chợ nổi Pattaya.


Tại một ngôi làng nhỏ của tỉnh Phra Pradaeng, làng Vekharan của người dân tộc Mon, chúng tôi được chứng kiến Lễ hội Songkran Phra Pradaeng với những nghi lễ rất riêng của một bộ tộc di cư từ Mianma đến Thái Lan từ 200 năm trước. Trong những ngày này, mọi gia đình trong làng chuẩn bị cơm ngâm với nước để mang ra chùa làm lễ và chuẩn bị trang trí nhà cửa làm lễ hội. Cách trang trí nhà cửa cũng theo phong cách truyền thống từ hàng trăm năm nay theo đặc trưng của người Mon, dù mỗi năm một khác, nhưng vẫn phải đảm bảo đúng nghi lễ truyền thống. Ngày xưa người Mon làm ruộng, mừng năm mới, mọi gia đình đều gác lại công việc đồng áng để tổ chức lễ hội và làm từ thiện. Trong lễ làm từ thiện, tất cả mọi người đều cùng tham gia các hoạt động khác, trong đó có nghi lễ thả cá. Đặc biệt là nghi lễ truyền thống dành cho các đôi trai gái tìm hiểu nhau trong dịp Lễ hội năm mới Songkran. Các người đẹp trong làng mời những người con trai ở làng khác sang, để tìm hiểu và xây dựng gia đình. Chị Oranang Saengmetharat, 20 tuổi, tâm sự: “Ngày xưa, các đôi trai gái gặp nhau không phải là dễ. Bởi vậy các đôi nam nữ chỉ có thể gặp nhau thông qua lễ hội này. Trong lễ hội, các bậc cha mẹ vẫn ngồi trên nhà và quan sát con cháu mình để xem có đồng ý không. Đây là trò chơi dân gian mà mọi thanh niên chưa có gia đình trong làng đều rất muốn tham dự”. Anh Thati Saephong (16 tuổi) nói rằng: “Tôi biết chơi trò chơi này từ 3 năm rồi, và rất thích. Bởi mỗi lần tham gia, sẽ được gặp các cô gái để tìm người mà mình ưng ý”.

Songkran Phra Pradaeng trước đây còn được gọi là Songkran Paklat, luôn được người dân Samut Prakan coi là một lễ hội truyền thống lớn nhất và được chuẩn bị rất chu đáo. Hiện nay, lễ hội Songkran Phra Pradaeng đã được người dân ở khắp nơi trong nước biết đến, thậm chí có nhiều người nước ngoài cũng đã tìm về đây để được tận mắt chứng kiến những nét độc đáo chỉ có ở khu vực này.

Ông Prasert Vachirakhuekhan - Thị trưởng thành phố Phra Pradaeng cho biết: “Việc bảo tồn nét đẹp văn hóa của Songkran Phra Pradaeng tất nhiên luôn được chú trọng. Như các bạn thấy, nơi đây đã có truyền thống lịch sử 200 năm nhưng người dân vẫn giữ được các phong tục và tập quán dân gian của họ. Khi Cộng đồng chung ASEAN được hình thành, cùng với sự hỗ trợ quảng bá của Tổng cục Du lịch Thái Lan, nơi đây vẫn sẽ là một điểm thu hút khách du lịch bởi nét đẹp văn hóa đặc sắc của mình. Với tư cách là người đứng đầu khu vực này, tôi cho rằng nếu Phra Pradaeng và một địa phương nào đó của Việt Nam có thể ký được thỏa thuận trao đổi, giao lưu văn hóa thì cũng là một cách bảo tồn nét đẹp văn hóa của mỗi bên khi Cộng đồng chung ASEAN được hình thành”.

Đến du lịch tại Thái Lan, bên cạnh các hoạt động giải trí có tính chất chung của toàn cầu, du khách còn được tận mắt chứng kiến và tham gia các hoạt động văn hóa truyền thống của người Thái. Trong bối cảnh hòa nhập với cộng đồng chung ASEAN, cách thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình như Thái Lan là một cách làm hiệu quả, vừa thu hút được khách du lịch, vừa giới thiệu và quảng bá nền văn hóa rất riêng của mình ra thế giới.
Chu Quốc Hùng
Nan giải cấm bán hàng rong tại Thái Lan
Nan giải cấm bán hàng rong tại Thái Lan

Những người bán hàng rong tại thủ đô Bangkok của Thái Lan đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng mưu sinh, khi chính quyền tại các khu đô thị lớn tập trung triển khai giải phóng mặt bằng khai thông hè phố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN