Đại hội của mô hình phát triển mới của Trung Quốc

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc sẽ long trọng khai mạc ngày 8/11 tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh. Sự kiện quan trọng này không chỉ được người dân Trung Quốc đặc biệt quan tâm mà còn thu hút sự theo dõi sát sao của dư luận quốc tế bởi đây là đại hội chuyển giao thế hệ lãnh đạo Trung Quốc sau 10 năm kể từ thế hệ lãnh đạo thứ tư, đồng thời là đại hội đề ra những quyết sách quan trọng định hướng cho sự phát triển trong tương lai của Trung Quốc.


 

Trang hoàng đường phố chuẩn bị cho Đại hội 18 của Trung Quốc. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tham dự Đại hội 18 có 2.270 đại biểu được bầu chọn từ hơn 80 triệu đảng viên trong cả nước. Số đảng viên vào Đảng từ hơn 30 năm cải cách mở cửa đến nay chiếm 72,2%; số đại biểu trẻ dưới 35 tuổi chiếm 5%; số đại biểu ở tuyến cơ sở gắn trực tiếp với lao động sản xuất, đại biểu nữ và dân tộc thiểu số cũng tăng so với các kỳ đại hội trước.


Công tác chuẩn bị cho Đại hội 18 đã diễn ra từ nhiều tháng nay, nhưng cũng có thể nói từ nhiều năm nay với một quá trình chuẩn bị nhân sự kỹ lưỡng và qua thực tế thử thách ngay từ đại hội nhiệm kỳ trước. Tinh thần đại hội đã lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội với kỳ vọng đại hội thành công sẽ giúp cải thiện hơn nữa cuộc sống của người dân, xã hội công bằng hơn, lo lắng ít hơn.


Đại hội 18 diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới, cả ở trong nước và trên trường quốc tế. Sau một thời kỳ dài đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, những mâu thuẫn mang tính kết cấu đến nay đã bộc lộ rõ; cơ sở hạ tầng phát triển mạnh, tiềm năng được giải phóng nhưng cấu trúc thượng tầng vẫn đang được tổ chức, quản lý theo lối cũ, dẫn đến sự giằng kéo, buộc phải điều chỉnh chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế, khắc phục những mâu thuẫn phức tạp biểu hiện trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc sắp tới sẽ đi vào một giai đoạn phát triển mới theo hướng cân bằng, kinh tế tăng trưởng vừa phải nhưng đảm bảo bền vững, xã hội ổn định và một nền văn hóa tiên tiến với hệ thống giá trị trung tâm xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc.


Thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ phải chuẩn bị cho một thời kỳ mà tốc độ tăng trưởng thần kỳ trên 8%/năm suốt 10 năm qua có thể sẽ không còn nữa. Hai quý trước khi diễn ra Đại hội 18, lần đầu tiên sau 3 năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc quay trở về dưới ngưỡng 8%/năm, làm dấy lên nỗi lo ngại kinh tế Trung Quốc “hạ cánh cứng”. Tuy nhiên, thực tế đó nằm trong dự liệu của các nhà quyết sách Trung Quốc. Đầu tháng 3 vừa qua, Chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2012 là 7,5% và tốc độ tăng trưởng trung bình trong thời gian thực hiện Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm lần thứ 12 được xác định ở mức 7%.

 

Điều đó có nghĩa là chính phủ Trung Quốc sớm có sự chuẩn bị cho khả năng kinh tế giảm tốc và chủ động thuận theo xu thế phát triển kinh tế. Những gì Trung Quốc đang tiến hành cho thấy nước này đang hướng tới việc nâng cao chất lượng và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế. Đây là tín hiệu tích cực không chỉ đối với kinh tế Trung Quốc mà còn đối với kinh tế thế giới bởi khi nhu cầu trong nước được kích thích, đất nước đông dân nhất thế giới này sẽ trở thành thị trường khổng lồ thực sự đối với hàng hóa xuất khẩu của các nước. Khi đó, không cần tới gói kích thích kinh tế lên tới 586 tỷ USD như cuối năm 2008, Trung Quốc cũng sẽ đóng vai trò dẫn dắt hồi phục kinh tế thế giới như từng làm trong khủng hoảng tài chính thế giới.


Hiện Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức lớn kéo nền kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại như nhu cầu toàn cầu suy giảm do khủng hoảng kinh tế - tài chính, đầu tư trực tiếp tăng chậm, nguy cơ bong bóng nhà đất gia tăng,.. Để đảm bảo ổn định xã hội, ĐCS Trung Quốc sẽ phải điều hành nền kinh tế có thể tạo ra 25 triệu việc làm mỗi năm. Thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ phải tìm cách đưa nền kinh tế thoát khỏi những khó khăn trên để ngăn chặn nguy cơ bất ổn xã hội.


Giáo sư Trương Hy Hiền của Trường Đảng Trung ương Trung Quốc cho rằng đến năm 2020, xây dựng thành công toàn diện xã hội khá giả chính là mục tiêu xác định của ĐCS Trung Quốc. Tuy nhiên, do chỉ tiêu kinh tế cũng như dân sinh giữa các khu vực ở Trung Quốc vẫn còn khoảng cách lớn nên việc làm thế nào để nhân dân có cuộc sống tốt hơn vẫn là thách thức lớn nhất mà ĐCS Trung Quốc phải đối mặt.


Đại hội 18 vừa là đại hội phát triển đất nước, vừa là đại hội để ĐCS Trung Quốc tăng cường kiện toàn với mục đích bảo đảm cho đảng cầm quyền “trước sau luôn là hạt nhân lãnh đạo kiên cường của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”. Đại hội 18 nhiều khả năng sẽ đưa ra các biện pháp mới nhằm tăng cường xây dựng Đảng như mở rộng dân chủ trong Đảng, tăng cường sự giám sát của xã hội, nâng cao mức độ chống tham nhũng… Đối mặt với những thách thức cả về kinh tế, dân sinh và xã hội, trước thềm Đại hội 18, ĐCS Trung Quốc đã phát đi nhiều tín hiệu cho thấy cải cách mở cửa tiếp tục là lựa chọn để Đảng giải quyết những vấn đề khó khăn của đất nước, kiên trì đi theo con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, phấn đấu thực hiện mục tiêu xây dựng toàn diện xã hội khá giả.


HUY CẬY - HÀ NGỌC (P/v TTXVN tại Trung Quốc)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN