Cuộc chiến thầm lặng chống suy dinh dưỡng ở Nêpan

Với nụ cười rạng rỡ, Padma Biswokarma quấn cậu con trai bé nhỏ trong một cái chăn lúc cho con bú. Cách đây 2 năm, bác sĩ cho rằng con trai cô, bé Rohan, có ít cơ hội sống sót vì bé chỉ nặng 750 gam lúc chào đời. Nhưng giờ đây cậu bé đã nặng 7 kg, vẫn hơi nhẹ cân một chút so với tuổi nhưng các chỉ số đang cải thiện từng ngày.

Nhân viên y tế Mangala Biswo-Karma (phải) kiểm tra sức khỏe cho bé Rohan.


Bà mẹ trẻ Padma 24 tuổi sống ở thị trấn Mangalsen, thuộc quận miền núi hẻo lánh Achham, phía tây Nêpan, kể: “Khi Rohan mới chào đời, không ai nghĩ bé có thể sống nổi. Tôi thực sự lo lắng mỗi lần bé ốm hay sốt”. Giờ đây, cả mẹ Rohan và các nhân viên y tế đều lạc quan về tương lai của cậu bé.

Có rất nhiều đứa trẻ như Rohan ở Nêpan - một đất nước mà tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em được ví như một sự khẩn cấp thầm lặng. Suy dinh dưỡng đang cướp đi mạng sống của hàng ngàn trẻ sơ sinh mỗi năm ở Nêpan.

Nêpan là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới với hơn một nửa dân số có mức thu nhập chưa đến 1,25 USD/ngày. Theo thống kê của chính phủ, 1,7 triệu trẻ em, tức là hơn 50% số trẻ em dưới 5 tuổi, bị suy dinh dưỡng thể thấp còi. Con số trên còn tăng lên đến 60% ở Achham, một trong những khu vực nghèo nhất ở Nam Á. Suy dinh dưỡng cấp chính là nguyên nhân gây nên cái chết của 50% ca tử vong ở trẻ sơ sinh.

Mark Arnoldy, giám đốc điều hành quỹ từ thiện y tế Nyaya, đã làm việc ở Achham được 3 năm. Ông cho rằng tình trạng suy dinh dưỡng ở Nêpan là do an ninh lương thực kém và tình trạng này càng trầm trọng hơn khi bệnh tiêu chảy, viêm phổi, giun sán bùng phát. Ông cho biết thêm: “25% phụ nữ ở Nêpan sau khi sinh con thường cho con bú sữa mẹ trong khi bản thân người mẹ bị suy dinh dưỡng. Do đó, sữa mẹ thường thiếu chất”.

Theo các cơ quan phát triển, gần 1/4 số dân Nêpan vẫn không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế cơ bản. Một trong số đó là Saru Nepali. Cô buộc phải bỏ 4 đứa con lại để chúng tự xoay sở, còn mình thì rời làng Biraltoli đi kiếm tiền mua thức ăn bằng công việc nhặt củi trong rừng. Khi cô vắng nhà, đứa con trai Nilesh 18 tháng tuổi chưa thể tự ăn nên đã bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Một điều trớ trêu là, Saru biết rằng cả nhà cô sẽ chết đói nếu cô ngừng làm việc để chăm sóc Nilesh. Một tình nguyện viên y tế tên là Mangala Biswo-Karma cho biết, anh trai Nilesh có nhiệm vụ cho em ăn nhưng cô cũng không biết liệu đứa con lớn có làm điều đó hay không. Mangala cho biết cô đã chăm sóc Nilesh được một thời gian dài nhưng tình trạng sức khỏe của bé không mấy tiến triển.

Đến năm 2008, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã thực hiện một chiến dịch đấu tranh với tình trạng suy dinh dưỡng cấp ở Nêpan. Họ cử các tình nguyện viên trong vùng như Mangala để phân phát các túi thức ăn sẵn cho trẻ em ốm yếu ở những quận nghèo nhất. Gói thức ăn gồm bơ lạc, sữa khô, vitamin và khoáng chất trộn lẫn. Do không có nước nên ít có nguy cơ gói thức ăn bị nhiễm khuẩn.

Theo AFP, chiến dịch của UNICEF là một bước nhảy vọt về dinh dưỡng ở Nêpan, UNICEF cũng đã phân phát 10 triệu gói bột dinh dưỡng vi lượng cho 67.000 trẻ em ở những vùng nghèo khó nhất Nêpan. Bà Maheshwar Shrestha, giám đốc văn phòng y tế quận Rupandehi ở miền nam Nêpan, cho biết: “Chúng tôi đã tập huấn kỹ lưỡng cho hơn 1.500 nữ tình nguyện viên y tế cộng đồng để phân phát các gói bột dinh dưỡng vi lượng. Đến nay, họ đã phát được cho 30.000 bà mẹ có con nhỏ”.

Những gói bột dinh dưỡng này rất có ý nghĩa với trẻ em Nêpan. Nhờ nó mà tình trạng suy dinh dưỡng dần được khắc phục. Bé Kabita 20 tháng tuổi, con của cô Chandra Nepali, là một điển hình. Bé bị suy dinh dưỡng cấp nhưng sức khỏe bé đã khá hơn nhờ có gói bột dinh dưỡng. Số phận bé Kabita chắc chắn sẽ tươi sáng hơn người anh trai đã chết vì suy dinh dưỡng lúc mới 8 tháng tuổi. Chandra hạnh phúc nói: “Tôi lo rằng đứa con thứ hai cũng sẽ không sống nổi nhưng bé đang khỏe dần và tôi thực sự vui mừng”.

Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN