Cuộc chiến giành thương hiệu “nghiêng”

Trong khi tháp Pisa, tòa tháp chuông có từ thế kỷ 12, được chính quyền Italia đầu tư nhiều công của để giúp nó đứng thẳng hơn, nhiều công trình khác trên thế giới lại đang sôi sục trong cuộc đua tranh giành danh hiệu “tòa tháp nghiêng nhất thế giới” - vốn thuộc về biểu tượng của Italia.

Tháp nghiêng Pisa vẫn thu hút ngày càng đông khách du lịch.


Nổi bật trong số này là tháp chuông nhà thờ được xây từ thế kỷ 15 tại làng Suurhusen của Đức. Năm 2007, các chuyên gia của Tổ chức Kỷ lục Guinness thế giới đã đo đạc và cho biết, tòa tháp với mái màu đỏ nhạt này tạo thành một góc nghiêng 5,19 độ so với trục thẳng đứng. Họ coi đây là “tòa tháp nghiêng nhất”. Nhưng không phải tất cả người Đức đều dám chắc tháp chuông làng Suurhusen sẽ giành chiến thắng cuối cùng, bởi ít nhất 3 tòa tháp khác ở Đức cũng đang đua tranh danh hiệu này. Chưa kể, tờ New York Times còn cho biết, một tòa tháp ở Thụy Sĩ có lẽ mới là công trình thực sự dẫn đầu về độ nghiêng.

Tọa lạc trên dãy núi St. Moritz của Thụy Sĩ, tháp chuông St. Mauritius được xây dựng từ thế kỷ 12 và đang bị nghiêng nặng nề đến mức người ta đã phải dùng đến hệ thống giằng thủy lực để kéo thẳng nó do nền đất vẫn không ổn định. Tháp chuông St. Mauritius đã bắt đầu nghiêng kể từ sau trận động đất năm 1976. Tuy vậy, tòa tháp vẫn đứng vững, thậm chí còn mở cửa đón du khách lên tận ngọn tháp ngắm cảnh.

Tháp chuông nhà thờ Suurhusen đã vượt qua độ nghiêng của tháp Pisa.


Năm 1893, nhà thờ St. Mauritius đã bị dỡ bỏ vì có nguy cơ bị sập. Nhưng theo đúng phong cách dân chủ Thụy Sĩ, số phận tòa tháp chuông của nhà thờ đã được đưa ra quyết định tại một cuộc bỏ phiếu của người dân. Kết quả là 84% số người bỏ phiếu muốn cứu tòa tháp này. Từ năm 1983, người ta đã lắp đặt các hệ thống kéo thủy lực để dựng thẳng tòa tháp thêm một chút, cũng như bơm các vật liệu đệm xuống nền đất bên dưới để đảm bảo tính ổn định.

Một quan chức Thụy Sĩ cho biết, họ còn đang lên kế hoạch thực hiện một dự án điều chỉnh độ nghiêng nữa cho tháp St. Mauritius vào năm 2013, cho dù công trình này có thể đang là tòa tháp nghiêng nhất châu Âu, với 5,364 độ.

Mặc dù bị cạnh tranh, nhưng dường như tháp Pisa của Italia không mấy quan tâm đến các đối thủ. Sau dự án trùng tu gần đây nhất, tòa tháp đã được dựng thẳng hơn, giảm độ nghiêng từ gần 6 độ xuống còn 3,9 độ.

Dự án trùng tu đã khiến Pisa mất đi danh hiệu tòa tháp nghiêng nhất, nhưng chính quyền thành phố Pisa chỉ quan tâm đến đảm bảo ổn định cấu trúc cho tòa tháp để nó có thể tiếp tục đón những thế hệ du khách trong tương lai. Giới chức thành phố không cảm thấy mối đe dọa nào từ Suurhusen, St. Moritz hay bất cứ nơi nào khác. Bà Daniela Purchielli, Giám đốc Sở Du lịch Pisa cho biết: “Thành thực mà nói, chúng tôi chưa nghe thấy những cái tên đó. Số khách đến với chúng tôi vẫn đang tăng. Năm ngoái có hơn 426.000 lượt người đến Tháp Pisa, so với 402.000 lượt người năm trước đó”.

Tuy nhiên, nếu so với những công trình hiện đại trên thế giới mà “nghiêng” là đặc điểm đã nằm trong thiết kế ban đầu thì độ nghiêng của các tòa tháp chuông nói trên không thấm vào đâu. Tòa tháp Capital Gate của Abu Đabi (Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất) được thiết kế và xây dựng với độ nghiêng tới 18 độ, gấp hơn 4 lần độ nghiêng của tháp chuông tại Suurhusen. Tòa nhà 35 tầng, cao 160 mét này chỉ đứng thẳng từ mặt đất cho tới tầng thứ 12, sau đó từ các tầng tiếp theo, mỗi tầng lại lệch sang phía tây từ 300 mm cho tới 1.400 mm, tạo nên độ nghiêng lớn.

Trong khi đó, sân vận động Olympic ở Montreal, Canađa là công trình có độ nghiêng cao nhất thế giới, với độ cao 175,5 mét.

Thu Hằng (Theo Times)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN