Chuyện “treo đầu dê...” ở Australia

Tại một nước phát triển như Australia, vấn đề đặt ra không nằm ở chất lượng sản phẩm mà ở lòng tin của người tiêu dùng. Tuy nhiên, lòng tin đó đang bị xói mòn và đang khiến chính phủ Australia bối rối.


 

Người tiêu dùng Australia rất băn khoăn về xuất xứ hàng hóa.

 

Nói chuyện xuất xứ hàng hóa ở Australia với 10 người thì hơn một nửa tỏ ý ngạc nhiên, không tin rằng có chuyện “treo đầu dê, bán thịt chó”. Đơn giản, bởi các thượng đế ở đây nhận thấy mười mươi là chất lượng hàng hóa vẫn đảm bảo dù nó được ghi xuất xứ từ đâu đi chăng nữa. Song thời gian gần đây, chính phủ Australia đặc biệt siết chặt quản lý đối với vấn đề xuất xứ hàng hóa. Báo chí Australia từng đưa tin rầm rộ vụ một công ty nước này phải hầu tòa vì tiêu thụ tấm pin năng lượng mặt trời có xuất xứ “sản xuất tại Trung Quốc” nhưng lại ghi là “sản xuất tại Australia”.


Rồi người ta lại phát hiện chuỗi siêu thị Coles, Woolworths và các tiệm hoa ở Australia đang lừa dối người tiêu dùng khi bán hoa “mới cắt” được trồng ở Kenya, Ecuador... Đủ các loại hoa, từ loa kèn, hoa hồng, tới phong lan được nhập vào Australia và khi chúng xuất hiện trên các sạp hoa thì cũng đã 7 ngày kể từ khi được cắt. Với các thượng đế Australia thì 7 ngày đó là 7 ngày niềm tin bị suy giảm.


Người phát ngôn của Woolworths, Benedict Brook cho biết, họ không nhập khẩu hoa mà các nhà cung cấp của họ đã làm vậy. Hoa bán tại Woolworths đáp ứng mọi yêu cầu về nhãn mác hiện hành tại Australia, nhưng khổ nỗi không có yêu cầu nào quy định ghi rõ rằng hoa được trồng ở nước nào. Lynch Group, tổ chức cung cấp hoa cho Coles, cho biết họ nhập tới 10% hoa từ Nam Phi, Ecuador và Trung Quốc. Khi vào Australia, chúng được trà trộn cùng với hoa trong nước.


Thực phẩm chức năng tại Australia là mặt hàng khá đắt khách, nhưng cũng có năm bảy loại. Thông thường, người mua có thể vào các hiệu bán thuốc tây, thậm chí các siêu thị, các cửa hàng tạp hóa và tìm thấy nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng với xuất xứ hàng hóa rất đa dạng. Nhưng ấn tượng nhất vẫn là ở một số cửa hàng của người Trung Quốc, nơi vẫn mang đậm “chất Úc” (vì tất cả hàng hóa đều ghi “sản xuất tại Australia” hay “sản phẩm của Australia”), nhưng giá thì rẻ vô cùng. Đặc biệt, tại đây có những mặt hàng mà không hiệu bán thuốc tây hay siêu thị nào ở Australia có được. Mặt hàng đó ra đợt này, đợt sau không còn trên giá mà đã biến hóa thành dạng khác (theo lời giới thiệu của người bán hàng). Với thực trạng này thì việc điều tra xuất xứ hàng hóa kể như “mò kim đáy bể”.


Làn sóng đòi minh bạch mọi thông tin sản phẩm khiến giới chức Australia phải lên kế hoạch “giải phẫu” toàn diện trong quy định về xuất xứ hàng hóa. Theo các quy định liên bang hiện hành, sản phẩm có thể được dán nhãn “làm ở Australia”, “sản xuất tại Australia”... Tuy nhiên, các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng đã đề nghị chính phủ liên bang xem xét đơn giản hóa việc ghi nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, giảm các mẫu xuất xứ xuống chỉ còn ba dạng: “sản phẩm của Australia”, “sản xuất tại Australia” và “đóng gói tại Australia”. Ba dạng này có thể giúp người tiêu dùng Australia biết chính xác mặt hàng nào là của Australia và mặt hàng nào nhập từ nước ngoài. Quy định buộc các công ty phải nêu rõ nơi trồng, nơi chế biến hoặc sản xuất, ngày hết hạn sử dụng của sản phẩm cũng đang được xem xét.


Bài và ảnh: Đỗ Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN