Chuyện làng bắt... sương ở Maroc

Nhờ công nghệ xanh bẫy sương, biến sương núi thành nước sinh hoạt tại nhà, những người phụ nữ tại một ngôi làng ở tây nam Maroc đã có thể chấm dứt chuỗi ngày cuốc bộ đường trường đi lấy nước.

Những tấm lưới bẫy sương được lắp đặt trên núi. Ảnh: AFP


Đó là câu chuyện hưởng lợi của những gia đình thuộc 5 cộng đồng Berber (người Bắc Phi bản địa) trên cao nguyên nhờ “bẫy sương”, một kĩ thuật được phát minh ở Chile hai thập kỉ trước và kể từ đó lan truyền ra nhiều quốc gia khác, từ Peru đến Namibia rồi Nam Phi.

Trên đỉnh nọn núi Boutmezguida ở độ cao 1.225m, 40 tấm lưới thiết kế đặc biệt được lắp đặt để bẫy những đám sương dày lấy nước qua quá trình ngưng tụ và dẫn vào đường ống. Lượng nước sương sau đó được hòa cùng với phần nước lớn hơn có được có từ nguồn giếng khoan để tạo ra nguồn nước sinh hoạt quý giá cung cấp cho những ngôi làng ở khu vực có độ cao thấp hơn.

Theo ông Aissa Derhem, chủ tịch hiệp hội vì sự phát triển, giáo dục và văn hóa Dar Si Hmad (DSH), với những cư dân của khu vực đồi núi có kiểu khí hậu bán khô hạn Anti-Atlas này, đưa được nước đến mỗi hộ gia đình là cả một “cuộc cách mạng” trong bối cảnh hạn hán kéo dài và những cơn mưa thì khan hiếm. Và nhờ “hệ thống thu hoạch và phân phối nước sương lớn nhất thế giới” này, những cơn khát mưa của người dân đã được giải quyết.

20 năm trước là thời điểm ông Derhem lần đầu tiên nghe về việc hái sương. Một vài năm sau đó khi trở về quê hương Sidi Ifni và nhận thấy nơi đây có kiểu khí hậu tương tự như khí hậu ở dãy Andes, Nam Mỹ, ông bắt tay cùng tổ chức từ thiện Canada Fog Quest triển khai dự án "vắt sương ra nước". Ý định là vậy nhưng phải gần một thập kỉ hoàn thiện các kĩ thuật, dự án tiên phong của Bắc Phi này mới đi vào hoạt động vào ngày 22/3 nhân Ngày Nước Thế giới, cấp nước cho 92 hộ gia đình, gần 400 người ngay tại nhà.

Theo giải thích của ông Derhem, Maroc hội tụ ba yếu tố giúp tạo nhiều sương thuận lợi cho việc phát triển dự án: thứ nhất là sự hiện diện của một vùng xoáy nghịch từ các đảo bắc Đại Tây Dương, thứ hai, một dòng gió lạnh và thứ ba, địa hình núi chắn gió.

Những người thực hiện kỳ vọng, dự án mô phỏng cách mạng nhện giữ sương để tìm ra lời giải cho sự khan hiếm nguồn nước trong khu vực này sẽ tiếp tục được mở rộng ra những ngôi làng khác và tiến tới áp dụng trên toàn quốc.

An thủy, lạc nghiệp

Kể từ ngày dòng nước mát chảy ra từ những chiếc vòi nước tại nhà, những người dân trong ngôi làng Douar Id Achour có lí chính đáng để ăn mừng. Trước đây, cứ vào mùa hè khô hạn, phụ nữ và trẻ em phải đi bộ trung bình bốn tiếng một ngày cả đi lẫn về hoặc thậm chí lâu hơn để lấy nước. “Tôi đổ đầy 2 thùng chứa loại 20l nước 4 lần/ngày. Nhưng 160l như thế cũng không đủ bởi vì chúng tôi nuôi cả gia súc”, một dân làng chia sẻ.

Nước được mang về tận nhà. Ảnh: AFP


Một người khác trong làng cho biết, vào những thời kì hạn hán, xe bồn hai tuần một lần mang nước đến bán với giá trung bình 330.000 đồng/5.000l nước. Trong khi đó, theo giám đốc dự án nước sương Dar Si Hmad, người dân có thể tiết kiệm được tiền bởi 7.000l nước sương cộng thêm chi phí đăng kí sử dụng có giá chỉ bằng khoảng 1/3. 

Bớt được thời gian rong ruổi đi lấy nước, dân làng giờ đây tập trung vào việc thu hoạch quả hạch của cây argan, đem ép lấy dầu dùng trong nấu ăn, chăm sóc da và trị chứng viêm khớp. Vì được xem là loại sản phẩm chống lão hóa, dầu argan còn được xuất khẩu để làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm mỹ phẩm cao cấp.

“Những người phụ nữ và con gái của chúng tôi không còn phải vất vả nữa. Bọn trẻ đi học và được an toàn. Với khoảng thời gian tiết kiệm được, chúng tôi có thể trả tiền nước cả năm chỉ bằng một chai dầu argan”, dân làng Lahcen Hammou Ali 54 tuổi kể.

Ông Derhem cho biết, vượt qua thành công giai đoạn thử nghiệm với khả năng chịu gió có vận tốc lên đến 120km/h, những tấm lưới bẫy sương ở Maroc giờ đây đã sẵn sàng để tiến tới những vùng đất khác trên cả nước, từ các khu vực núi non cho đến dọc mặt biển, những vị trí có điều kiện sương phù hợp.


Anh Tiếu (Theo AFP)
Phận “vợ nước” ở Ấn Độ
Phận “vợ nước” ở Ấn Độ

Tại nhiều khu vực bị khan hiếm nguồn nước trên thế giới, người phụ nữ nghiễm nhiên phải “cõng” lấy gánh nặng đi lấy nước về cho gia đình mỗi ngày. Ở vùng nông thôn Ấn Độ, sự bất bình đẳng này thậm chí còn vượt quá ngưỡng tưởng tượng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN