Chuyện hút khách du lịch của Hong Kong

Hong Kong (Trung Quốc) không có nhiều danh lam thắng cảnh, diện tích lại chật hẹp, nhưng trong năm 2014, số lượt khách du lịch đến đây ước tính gấp hơn 8,3 lần tổng dân số và dự kiến tiếp tục tăng lên trong những năm tiếp theo.

Lễ, Tết là dịp các trung tâm mua sắm ở Hong Kong trang hoàng lộng lẫy để hút khách.


Theo thống kê chính thức, tới giữa năm 2014, tổng dân số Hong Kong là hơn 7,23 triệu người. Cùng thời gian này, có khoảng 53,73 triệu lượt khách tới Hong Kong, gần bằng con số của cả năm 2013. Dù bị ảnh hưởng bởi sự kiện "Chiếm Trung tâm" xảy ra từ cuối tháng 9 tới giữa tháng 12, nhưng ước tính, trong năm 2014, tổng số lượt du khách tới Hong Kong có thể chạm ngưỡng 60 triệu, gấp hơn 8,3 lần dân số của Khu Hành chính đặc biệt này. Hai năm nữa, báo cáo triển vọng kinh tế của Hong Kong dự đoán số du khách tới Hong Kong sẽ tiếp tục tăng, chinh phục mốc 70 triệu lượt người và tới năm 2020, chính thức phá ngưỡng 100 triệu lượt. Hong Kong có gì mà du khách nước ngoài cứ ùn ùn kéo đến vậy?

Thiên đường mua sắm

Hong Kong được mệnh danh là “thiên đường mua sắm”, dù không nổi tiếng như London (Anh), Paris (Pháp), Milan (Italy), New York (Mỹ) hay Tokyo (Nhật Bản), nhưng sự thuận tiện trong đi lại, đặc biệt là đối với du khách đến từ các nước châu Á, đã tăng sức hấp dẫn cho nơi đây. Cộng thêm ưu đãi về thuế so với xung quanh, chính sách trừng phạt nặng đối với những kẻ buôn bán hàng giả, hàng nhái, Hong Kong càng có cơ sở thu hút thêm tín đồ mua sắm. Nếu đến Hong Kong vào các mùa “đại hạ giá” (tháng 6, 7, 11, 12), người ta mới thấy “cục nam châm hàng thật, giá rẻ” tạo ra hấp lực lớn như thế nào. Khi đó, các trung tâm lớn như Harbour City, Sogo, Time Square… đều phải tăng thêm giờ phục vụ, nhưng người vẫn ken người từ sáng tới nửa đêm, có lúc còn xảy ra tình trạng tắc nghẽn cục bộ.

Tháp Đồng hồ, địa danh lịch sử nổi tiếng ở Hong Kong.


Ngoài mua sắm, Hong Kong còn được gọi là “thủ đô du lịch M.I.C.E” (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm…) của châu Á và cao điểm là tháng 9, tháng 10. Với lợi thế là nền kinh tế tự do nhất, có mức độ đóng góp của ngành dịch vụ lớn nhất thế giới, điểm đến đầu tư nước ngoài trực tiếp lớn thứ 2 châu Á, việc Hong Kong đứng ra tổ chức hay được lựa chọn làm nơi tổ chức các sự kiện quốc tế và khu vực không phải là điều đáng ngạc nhiên.

Tuy số lượng khách du lịch M.I.C.E chỉ khoảng 1,6 - 1,8 triệu người, nhưng đây là nhóm đầy tiềm năng về giá trị gia tăng mang lại cho ngành dịch vụ, khách sạn… Ví như Diễn đàn Tài chính châu Á (AFF) diễn ra vào ngày 19 - 20/1 vừa qua đã thu hút được sự tham gia của 2.400 người đến từ 41 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 84% là Giám đốc Điều hành (CEO) và nhà quyết sách cao cấp của hầu hết các hãng, tập đoàn lớn trên thế giới. Hầu bao của họ đương nhiên sẽ nặng hơn những khách du lịch thông thường.

Trò chuyện với phóng viên TTXVN tại Hong Kong, cô Loren Chan, một nhân viên ngành du lịch đã có hơn 6 năm kinh nghiệm tổ chức tour tới Hong Kong cho biết nếu xét về danh lam thắng cảnh, Hong Kong không phong phú như nhiều nơi khác của Trung Quốc nói riêng và trên thế giới nói chung.

Điểm qua điểm lại cũng chỉ có một số địa danh thu hút nhiều khách nước ngoài, gồm Quảng trường Bauhinia, Đỉnh Peak, Đại lộ Ngôi sao, Chợ Đêm Temple, Công viên Disneyland, Công viên Đại dương, Công viên Địa chất, Đại Phật, Đền Wong Tai Sin. Hơn nữa, do giới hạn về diện tích, những danh lam thắng cảnh này không được hoành tráng, nhưng bù lại, Hong Kong rất giỏi trong việc mở rộng, phát triển các loại hình du lịch để thu hút khách mà du lịch mua sắm và du lịch M.I.C.E là những ví dụ điển hình.

Chuyên nghiệp và chuyên nghiệp


Nhưng nếu chỉ có như vậy thôi sẽ chưa đủ. Để níu chân du khách, Hong Kong có rất nhiều cách làm chuyên nghiệp. Tại Hong Kong, bản đồ du lịch được phát miễn phí ở sân bay hay các kiốt của Cục Phát triển Du lịch, chỉ dẫn có ở mọi nơi. Quán ăn cơ bản đều niêm yết giá rõ ràng, ghi tên món bằng tiếng Trung và tiếng Anh kèm theo hình ảnh minh họa, cửa hàng cũng vậy, cơ bản không có tình trạng chặt chém người lạ.

Đại lộ Ngôi sao, nơi thu hút nhiều khách du lịch ở Hong Kong.


Một chương trình mang tên “Dịch vụ Du lịch Chất lượng” (QTS) đã được đưa ra và chỉ các nhà hàng, cửa hiệu đạt tiêu chuẩn - niêm yết giá cả rõ ràng, thông tin sản phẩm đầy đủ rõ ràng, đảm bảo cung cấp cho khách hàng chất lượng dịch vụ tốt, trải qua bình chọn khắt khe hàng năm của Cục Phát triển Du lịch Hong Kong (HKTB) - mới được cấp chứng chỉ QTS cùng hình ảnh nhận dạng. Danh sách các nhà hàng, cửa hiệu cùng địa chỉ của họ thường xuyên được cập nhật trên trang web của HKTB (discoveryhongkong.com) để du khách lựa chọn.

Bên cạnh đó, Hong Kong còn sở hữu một cơ sở hạ tầng phát triển, du khách đi lẻ có thể dễ dàng sử dụng các phương tiện công cộng, đặc biệt là tàu điện ngầm, để thăm thú các điểm chính của thành phố khi các ga đến đều nằm dưới những nơi sầm uất. Đối với du khách đi theo đoàn, họ luôn được các hướng dẫn viên chuyên nghiệp chăm sóc chu đáo. Bất cứ một phàn nàn nào về thái độ của hướng dẫn viên hay việc hướng dẫn viên không thực hiện đúng chương trình tham quan, cửa hàng A, tiệm đồ B bắt chẹt khách hàng đều có thể được gửi tới dây nóng, email của cơ quan công quyền, thậm chí là cảnh sát. Nếu đúng, quyền lợi của du khách sẽ được đảm bảo và người, đơn vị vi phạm sẽ bị phạt, thậm chí là truy tố theo đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, những vụ việc như vậy thường được đội ngũ truyền thông đông đảo rốt ráo vào cuộc, hình thành kênh giám sát hiệu quả từ cộng đồng.

Trong thời đại công nghệ, những thông tin phản hồi lan truyền rất nhanh. Bị pháp luật và quy định ngành nghề ràng buộc, đối diện với cạnh tranh gay gắt và áp lực dư luận, vì chính chiếc “cần câu cơm” của mình, tâm lý “ăn xổi ở thì” vì thế đã bị hạn chế ở mức thấp nhất. Các công ty du lịch ở Hong Kong đều cố gắng mang tới các sản phẩm du lịch chất lượng và thực hiện đúng chương trình đăng ký hoạt động của đoàn du lịch với Hội đồng Du lịch Hong Kong (TIC). Du khách vì thế cũng không sợ bị “đem con bỏ chợ” hay “sang tay” trên xứ người, yên tâm tận hưởng thời gian ở “Xứ Cảng thơm”.


Bài và ảnh: Hà Ngọc


'Khu ổ chuột' trên không của Hong Kong
'Khu ổ chuột' trên không của Hong Kong

Theo tính toán của các nhà đầu tư, Hong Kong là thị trường bất động sản đắt đỏ nhất trên thế giới. Và hiện nay có đến hàng ngàn người dân Hong Kong đang phải sống trong những căn nhà được xây tạm bợ trên gác mái của các khu chung cư cao tầng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN