Chống khủng bố ngay trong lớp học

Tò mò và dễ bị ảnh hưởng, trẻ em là nhóm mục tiêu hàng đầu trong công tác tuyển mộ lực lượng thánh chiến mới của các nhóm phiến quân.

Môn học chính thức

Malaysia - đất nước phần lớn là người Hồi giáo - gần đây đã dấy lên hồi chuông đáng báo động khi có đến 130 người, trong đó có nhiều trẻ em vị thành niên, bị bắt giữ vì nghi ngờ có liên quan đến các tổ chức khủng bố.

Mong muốn giải quyết triệt để nguồn hậu họa ngay từ trong trứng nước, chính phủ nước này đã quyết định đem việc tuyên truyền chống khủng bố vào trong lớp học như một bộ môn chính thức. “Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với cảnh sát để có thể cung cấp kiến thức cần có cho các em học sinh”, ông Chong Sin Woon - Phó Bộ trưởng Giáo dục Malaysia trả lời tờ Channel News Asia.

Giáo viên giảng dạy trong một lớp tiểu học tại Malaysia.

Hiện chi tiết về dự án hợp tác vẫn đang được hoàn thiện nhưng nhiều bậc phụ huynh đã bày tỏ sự ủng hộ hoan nghênh sáng kiến này. Syawal Jumil - một người cha chia sẻ niềm vui mừng: “Tôi thấy ý kiến này rất hữu ích. Trẻ em cũng nên cần biết rõ về các tổ chức cực đoan. Rất nhiều bé hiện không biết IS là ai và chủ nghĩa khủng bố là gì. Tôi lo các con sẽ bị tiêm nhiễm vào đầu những điều sai trái”.

“Khủng bố” là “bắt nạt”

Tại Singapore, một cựu giáo viên dạy thể dục có tên là Salim Mohamed Nasir sau khi chuyển nghề, thay vì giúp các em học sinh có một cơ thể khỏe mạnh, hiện đang tích cực giúp các bạn trẻ có đầu óc minh mẫn, gạt bỏ trước mọi cám dỗ của chủ nghĩa khủng bố cực đoan.

Hằng ngày Nasir đi tới các trường, tổ chức buổi trò chuyện về chủ nghĩa khủng bố, hòa nhập cộng đồng cũng như khuyến khích thế hệ trẻ tìm ra các phương thức khác nhau để tuyên truyền hiểu biết sắc tộc và giải quyết mâu thuẫn. Giữ vai trò là một nghiên cứu sinh trong viện chính sách của Bộ Giáo dục từ năm 2009, cho đến nay, Salim Mohamed Nasir đã tổ chức hơn 60 buổi nói chuyện trong các trường học với hơn 5.000 học sinh.

Trong các buổi trò chuyện thân mật, ông động viên học sinh bày tỏ quan điểm thẳng thắn về chủ đề được coi là khá nhạy cảm và khó hiểu. Khi giải thích đến từ “khủng bố”, ông giúp các em liên tưởng đến việc bắt nạt, và đưa ra lời khuyên hãy đứng lên đấu tranh, vì những kẻ bắt nạt chỉ lợi dụng nỗi sợ hãi để khiến chúng ta run sợ trước chúng.

Tiêu diệt mầm mống

Theo báo cáo điều tra, tính đến nay đã có hơn 100 người Australia bay sang Iraq và Syria đầu quân cho IS. Hiện Bộ Giáo dục nước này cũng thể hiện mối quan tâm bằng cách chuẩn bị kế hoạch giúp giáo viên và học sinh tại các trường nhận biết “mầm mống khủng bố” trong lớp học.

Tổng công tố viên nước này George Brandis cho biết dự án mới nhằm mục đích phát triển kỹ năng, nâng cao nhận thức, giúp các em học sinh kiên định trước mọi cám dỗ, hình ảnh tuyên truyền khủng bố của IS trên mạng Internet.

Bên cạnh đó, theo như Giáo sư Greg Barton đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu khủng bố toàn cầu, nhiệm vụ theo dõi những người trẻ không chỉ đơn thuần kiểm tra qua mạng xã hội. “Việc điều tra phụ thuộc rất lớn vào các bậc phụ huynh và bạn bè xung quanh - những người hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với đối tượng. Nếu như có vấn đề thì họ sẽ là người phát hiện đầu tiên, chính vì vậy họ cần phải được trang bị kiến thức để khiến mọi việc không trở nên tồi tệ hơn”. Ông giải thích “Hành vi của những kẻ có tư tưởng cực đoan thường bắt đầu với những biểu hiện như xa lánh bạn bè, gây rối, hay tranh cãi với những người thể hiện quan điểm tín ngưỡng khác với mình”.
Hồng Hạnh
“Nóng bỏng” cuộc chiến chống khủng bố
“Nóng bỏng” cuộc chiến chống khủng bố

Chống khủng bố là một trong những chủ đề được dư luận thế giới quan tâm nhất trong năm qua, khi mà hậu quả do các vụ khủng bố gây ra là điều mà ai cũng cảm nhận được.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN