Chênh lệch giữa hai số liệu ở mức cao như vậy đã khiến dư luận càng tin rằng đang có một thị trường nội tạng bất hợp pháp ở Trung Quốc.
Cung hụt hơi đuổi theo cầu
Giới chuyên gia khẳng định số tim, gan thận... được sử dụng tại các bệnh viện ở Trung Quốc chủ yếu xuất phát từ thị trường “chợ đen” và do những kẻ buôn bán trái phép ép buộc, lừa đảo thậm chí là bắt cóc, sát hại người vô tội mà có. Còn theo báo Daily Mail (Anh), hoạt động buôn bán trái phép nội tạng người ở Trung Quốc đã đạt giá trị trên 1 tỷ USD/năm, với chi phí của mỗi ca phẫu thuật xê dịch từ 60.000 - 170.000 USD.
Thị trường đen nội tạng người ở Trung Quốc phát triển mạnh. Ảnh: Getty images |
Để đáp ứng nhu cầu được cấy ghép, chữa bệnh khổng lồ, chính phủ ở quốc gia đông dân nhất thế giới bắt đầu kêu gọi người dân hiến nội tạng từ năm 2010. Trả lời tạp chí y khoa Lancet một năm sau đó, nguyên Thứ trưởng Y tế kiêm Chủ tịch Ủy ban Cấy ghép nội tạng quốc gia, ông Huang Jiefu cho hay 65% bệnh nhân ở nước này được điều trị bằng nội tạng do người chết hiến tặng và 90% số người hiến là các tù nhân lãnh án tử hình. Ông Huang lý giải rằng các tử tù cũng là công dân và luật pháp không ngăn cấm họ tự nguyện hiến cơ thể cho y học như mọi người dân khác.
Tuy nhiên, những cuộc điều tra kéo dài cả thập kỷ qua do giới luật sư và các nhóm hoạt động nhân quyền quốc tế thực hiện đã hé lộ ra nhiều kế hoạch đen tối của giới chức năng và hệ thống bệnh viện ở nước này. Họ cáo buộc các cơ quan trên đã ồ ạt thu thập bộ phận thân thể của các tù nhân, chứ không dựa trên nguyện vọng của mỗi cá nhân như đã tuyên bố. Cho đến hiện nay, nhiều kênh truyền thông lớn như CNN, BBC vẫn không ngừng đưa ra các bằng chứng mới về việc chính quyền Trung Quốc coi tử tù là “nguồn cung nội tạng” chính, đồng thời tiếp tục lấy nội tạng của họ. Tuy nhiên, phía Trung Quốc lại khẳng định hoạt động này đã được ngừng lại từ cách đây 3 năm.
Trên thực tế, ngân hàng nội tạng quốc gia do chính phủ lập ra lại hiếm khi có người đăng ký hiến tạng. Nguyên nhân phần lớn do người dân nước này có quan niệm rằng thi thể người chết nên được chôn cất nguyên vẹn. Bởi lẽ vậy mà tỉ lệ hiến tạng cho y học ở đất nước trên 1,3 tỷ dân này lại xếp hạng chót thế giới. Cứ 1 triệu dân mới có 0,6 người sẵn lòng hiến tạng, vô cùng nhỏ bé so với con số 37 người hiến/triệu dân ở Tây Ban Nha.
Nạn nhân của “cò” nội tạng
Ngoài ra, dư luận cũng cho rằng những dân tộc thiểu số ở Trung Quốc và thậm chí là người dân các nước láng giềng cũng thường xuyên trở thành nạn nhân của các đường dây buôn nội tạng hoạt động ngang nhiên ở Trung Quốc.
Phóng viên Martin Patience tại BBC đã gặp một nam thanh niên Trung Quốc mới 21 tuổi nhưng đã bán một quả thận cho “cò” môi giới qua mạng internet. Đồng ý chia sẻ về thế giới đen tối của những kẻ buôn bán nội tạng trong điều kiện giấu danh tính, anh cho biết đã bán thận với giá 7.000 USD để trả nợ thua bạc rồi vạch áo “khoe” vết sẹo mổ trên bụng để chứng minh.
Thanh niên này kể: “Ban đầu, tôi được đưa tới một bệnh viện để họ lấy mẫu máu và kiểm tra sức khỏe. Sau đó tôi ăn nghỉ ở một khách sạn trong vài tuần đợi những kẻ buôn nội tạng tìm bệnh nhân tương thích. Rồi một hôm, tôi bị bịt mắt đưa lên ô tô”. Khi được tháo bịt mắt, thanh niên này nhận thấy đang ở giữa một trang trại, nhưng có phòng phẫu thuật và các bác sĩ mặc áo đồng phục. Tại đây có nữ bệnh nhân mua thận và gia đình. Đôi bên không hề nói chuyện với nhau. “Tôi đã hoảng sợ nhưng bác sĩ làm tôi chìm sâu vào giấc ngủ. Tỉnh dậy thì thấy mình ở một nhà kho khác với một bên thận đã biến mất”, cậu kể lại.
Phải nói rằng, trường hợp của nam thanh niên trên còn may mắn khi được “tiền trao cháo múc” và sống sót trở về nhà với quả thận còn lại - điều mà nhiều nạn nhân khác không có được.