Chiếc mũ “phân biệt” ở Ấn Độ

Ngày lại ngày, cô Priya Mahindroo, 25 tuổi, băng qua các con phố người xe như mắc cửi ở thủ đô Niu Đêli trên chiếc môtô để tới nơi làm việc. Trong khi luật pháp Ấn Độ quy định nam giới điều khiển xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm thì những người phụ nữ như Mahindroo có thể thoải mái để “đầu trần” mà không bị coi là vi phạm luật.


 

Phụ nữ Ấn Độ vô tư đầu trần đi xe máy. Ảnh: Internet

 

Và sự phân biệt đối xử trong quy định về đội mũ bảo hiểm này đang là nguyên nhân của hàng nghìn cái chết và hàng nghìn ca chấn thương nghiêm trọng trong các tai nạn giao thông xảy ra hàng năm, khiến nhiều gia đình nạn nhân kiệt quệ và tăng thêm gánh nặng xã hội cho quốc gia đông dân thứ hai thế giới này. Không ít nhà vận động vì quyền phụ nữ cho rằng, sự phân biệt này phản ánh tư tưởng trọng nam khinh nữ trong xã hội Ấn Độ: Phụ nữ bị coi là thấp kém hơn nam giới và do đó cuộc sống của họ cũng ít giá trị hơn.


Nhưng với những phụ nữ đặt nặng vấn đề thẩm mỹ như Mahindroo thì trừ phi buộc phải đội mũ bảo hiểm, cô sẽ tiếp tục thói quen đầu trần điều khiển xe máy trên những con đường vốn bị xếp là nguy hiểm nhất thế giới. “Đội mũ bảo hiểm làm hỏng mái tóc tôi", cô gái hiện làm việc cho một tờ báo có trụ sở ở trung tâm thủ đô Niu Đêli nói. “Tôi không đội mũ bảo hiểm vì tôi thực sự cảm thấy rất nóng và ngột ngạt khi phải đội mũ, bởi thế tôi thực sự không nghĩ về vấn đề an toàn”.


Đạo luật xe máy liên bang của Ấn Độ năm 1988 quy định người ngồi trên xe mô tô hai bánh phải đội mũ bảo hiểm, nhưng đạo luật này đã nhanh chóng vấp phải sự phản đối của cộng đồng người Sikh vì lý do tôn giáo. Sau đó, quy định đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy được miễn áp dụng đối với nam giới là người Sikh vì họ luôn phải đội một chiếc khăn được cuốn nhiều lớp trên đầu.


Tiếp đó, chính quyền Niu Đêli quyết định rằng không thể phân biệt phụ nữ theo đạo Sikh với phụ nữ không theo đạo Sikh, vì vậy họ cho phép phụ nữ được quyền lựa chọn đội hoặc không đội mũ bảo hiểm khi lái xe môtô.


Theo số liệu của Cục thống kê tội phạm quốc gia, năm 2010, tại Ấn Độ có 133.938 người phải bỏ mạng trên đường, cao hơn bất cứ nước nào trên thế giới.


Chứng kiến không biết bao nhiêu ca chấn thương sọ não do không đội mũ bảo hiểm, bác sĩ Sanjeev Bhoi thuộc bệnh viện công AIIMS khuyến cáo: “Phụ nữ phải đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy, hành động đơn giản này không phải chỉ bảo vệ chính họ mà còn cả gia đình họ nữa”.


Đối với nhà văn Antara Dev Sen, quy định không bắt buộc phụ nữ phải đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy không chỉ thể hiện sự phân biệt đối xử mà còn là bằng chứng cho thấy phụ nữ bị coi như công dân hạng hai. Bà nói: “Ở Ấn Độ, chính phụ nữ bị lập trình để coi thường bản thân mình. Kiểu như, là một phụ nữ tốt bạn cần phải coi thường bản thân. Điều này xuất phát từ chính tư tưởng gia trưởng trong xã hội”.


Nhà văn Sen cùng nhiều người khác đang tham gia một chiến dịch vận động phụ nữ thay đổi nhận thức về vị thế của chính họ.


Tháng trước, chính quyền thủ đô Niu Đêli đã quyết định phạt nặng hơn đối với các trường hợp vi phạm an toàn giao thông đường bộ, kể cả trường hợp nam giới đội mũ bảo hiểm kém chất lượng. Đây được xem là một cơ hội để thay đổi luật, nhưng khó khả thi triệt để một phần bởi sự phản ứng của phụ nữ Sikh hay các cử tri nữ khác trước thềm các cuộc bầu cử địa phương sắp tới.


Paramjit Singh Sarna, chủ tịch một tổ chức Sikh có tiếng ở Niu Đêli, cho biết cộng đồng người Sikh sẽ phản đối bất cứ sự thay đổi nào liên quan luật hiện tại. “Chúng tôi coi chiếc mũ bảo hiểm như một chiếc mũ đội đầu – bởi thế mà việc đội chiếc mũ này về mặt kỹ thuật là không được phép trong tôn giáo của chúng”, ông Sarna nói.


Thừa nhận lợi ích của chiếc mũ bảo hiểm, ông Sarna nói rằng sẽ “không có phản đối nào” nếu như cá nhân phụ nữ Sikh nào đó muốn đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, nhưng cũng đồng thời nhấn mạnh, việc ra lệnh cho cộng đồng người Sikh sẽ tạo ra phản ứng dữ dội bởi đây là cộng đồng thiểu số và nhạy cảm.


Cảnh sát Niu Đêli từng nhiều lần kêu gọi hủy bỏ việc miễn đội mũ bảo hiểm đối với phụ nữ với lý do an toàn là trên hết. Ông Satyendra Garg, quan chức cảnh sát giao thông thành phố nói: “Có thể đội mũ bảo hiểm hơi bất tiện nhưng mọi người đều nên cân nhắc xem điều gì quan trọng hơn: Tính mạng bản thân hay sự thoải mái”.


Theo ông R. Chandra Mohan, quan chức thuộc Sở Giao thông Niu Đêli, yêu cầu của cảnh sát đang được xem xét nhưng ông cho rằng nhận thức của người dân về sự an toàn khi tham gia giao thông sẽ mang lại kết quả tốt hơn bất cứ văn bản pháp luật nào.


Đỗ Sinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN