Châu Âu: Khi dạ dày chiếm chỗ tâm hồn

Sau việc chính phủ Bồ Đào Nha quyết định mở bán đấu giá 85 bức tranh của họa sĩ Joan Miró với hy vọng thu về được 36 triệu euro cho ngân sách nhà nước để tránh nguy cơ vỡ nợ, người Pháp đang tự hỏi Nụ cười của nàng Mona Lisa sẽ có giá bao nhiêu? Một câu hỏi có thể làm tổn thương đến tình cảm gắn bó của người Pháp với một di sản văn hóa lịch sử; nhưng nếu điều này trở thành hiện thực, nàng Mona Lisa sẽ không phải người duy nhất nở nụ cười.


Cuốn Kỷ lục Guinness xuất bản năm 1962 tại Mỹ nhận định, với giá trị được bảo đảm bằng lịch sử, bức La Joconde của họa sĩ Leonardo da Vinci có giá khoảng 100 triệu USD vào thời điểm đó. Chỉ bằng những phép tính thông thường, không khó khăn để có thể ước tính giá của bức họa La Joconde của danh họa người Italy sẽ lên tới khoảng một tỷ đô la cho thời điểm hiện nay.

 

Bức La Joconde luôn thu hút một lượng lớn khách tham quan.


Theo nhà báo Ratiba Hamzaoui từ trang thông tin đối ngoại Pháp France 24, so với món nợ khoảng 2.000 tỷ euro của ngân sách Pháp, giá trị của bức La Joconde có lẽ vẫn chỉ dừng lại là một "món tráng miệng ngọt ngào" đối với người Pháp. Thế nhưng không nên quên rằng, "Kinh đô Ánh sáng", với 173 viện bảo tàng và khối di sản văn hóa giàu có nhất thế giới, luôn thừa đủ phương tiện để vãn hồi tình trạng nợ nần của cả quốc gia.


Mặt khác, giới chức Pháp đang phải đối mặt với bài toán kinh tế là một hiện thực để bảo quản, chăm sóc khối hiện vật văn hóa khổng lồ này. Chỉ riêng các tác phẩm hội họa của trường phái ấn tượng đang được trưng bày tại Bảo tàng Orsay cũng đã làm tăng các khoản nợ của Tòa Thị chính Paris lên khoảng 4 tỷ USD từ nay đến cuối năm. Phó Thị trưởng thứ nhất, phụ trách các vấn đề văn hóa của Thủ đô Paris, Bruno Julliard đã phải thừa nhận với nhật báo Tin nhanh của Pháp ("L'Express") rằng "Paris không thể đáp ứng được ngân sách ở mức độ tài chính lớn như vậy".


Cho đến nay, luật của Pháp qui định cấm bán các hiện vật thuộc về bảo tàng công. Nếu thực sự muốn bán bức La Joconde, nước Pháp buộc phải tiến hành thay đổi luật Di sản. Điều này sẽ dẫn đến hệ lụy là các nhà tài trợ cho hệ thống bảo tàng sẽ lao vào cuộc chiến đấu giá để giành mua các tác phẩm nghệ thuật và nảy sinh các vấn đề về thuế. Tuy nhiên, ít người biết rằng, nước Pháp đã bắt đầu bán một số những tài sản có giá trị trong "bộ sưu tập" của mình như bất động sản ở nước ngoài, những chai rượu quý còn trữ trong hầm rượu của điện Élysée hay cho thuê các địa điểm hội họp, triển lãm ở các "vị trí vàng" tại thủ đô Paris ...


Quay trở lại với câu chuyện của Bồ Đào Nha, nhà đấu giá Anh quốc Christie’s đánh giá rằng bộ sưu tập tranh mà Bồ Đào Nha mở bán đấu giá là "bộ sưu tập lớn nhất, ấn tượng nhất của Joan Miró được mở bán cho đến thời điểm này"; trong đó có bức họa "Những phụ nữ và đàn chim" ước tính giá trị từ 4,8 triệu đến 8,4 triệu euro. Hiện nay, cuộc đấu giá bộ sưu tập này liên tục bị trì hoãn và những khó khăn về pháp lý, hành chính vẫn chưa cho phép các tác phẩm nghệ thuật này ra khỏi biên giới Bồ Đào Nha. Giới hoạt động văn hóa, nghệ thuật Bồ Đào Nha cho rằng bộ sưu tập đang bị "bán tống tháo với giá rẻ mạt" và "chỉ là muối bỏ biển" so với món nợ 210 tỷ euro của nước này.


Ngoài Bồ Đào Nha, một số nước khác như Đức, Đan Mạch, Hà Lan, Mỹ... hiện cũng đang cho phép bán các tác phẩm nghệ thuật với một số điều kiện. Thành phố Detroit (Mỹ) trước nguy cơ phá sản đã phải bán bộ sưu tập nghệ thuật của thành phố với các bức tranh của Van Gogh và Picasso, ước tính có giá trị trên 11 tỷ euro.


Câu hỏi về giá trị bán của bức họa La Joconde cho đến giờ có lẽ chỉ thuộc về thiểu số và chưa thực sự nghiêm túc. Thế nhưng, nó lại làm dư luận Pháp và các nước châu Âu như Italy, Hy Lạp... vốn đang phải đối mặt với những khoản nợ công khổng lồ, phải suy nghiêm túc về một tương lai tài chính đầy bất định và bí ẩn như chính nụ cười của nàng Mona Lisa.


Quang Thanh (Phóng viên TTXVN tại Rome, Italy)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN