Chấm dứt công nghệ analog - Cuộc cách mạng truyền hình ở Nhật Bản

Sau gần 60 năm sử dụng công nghệ analog, ngày 24/7/2011, các đài truyền hình trên toàn Nhật Bản đã chính thức khai tử công nghệ này và chuyển sang phát các chương trình truyền hình bằng kỹ thuật số. Đây là một bước đột phá quan trọng trong ngành truyền hình ở đất nước Mặt trời mọc. Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghệ này đang vấp phải một số thách thức.

Cuộc cách mạng công nghệ truyền hình

Truyền hình đã chính thức xuất hiện ở Nhật Bản vào lúc 14 giờ ngày 1/2/1953, khi đài truyền hình NHK bắt đầu phát sóng vở kịch kabuki cổ điển có tên "Michiyuki Hatsune no Tabi” sử dụng tín hiệu analog.

Nhật Bản đã giã từ công nghệ truyền hình analog.

Vào thời điểm đó, cả Nhật Bản có chưa đến 3.000 chiếc tivi, phần lớn là hàng nhập khẩu. Một chiếc tivi 17 inch do hãng điện tử RCA của Mỹ sản xuất có giá khoảng 250.000 yên, cao gấp 16,7 lần so với lương bình quân tháng của một công nhân Nhật Bản. Vì vậy, các hãng điện tử Nhật Bản đã nỗ lực không ngừng để chế tạo tivi có giá thành rẻ hơn. Năm 1953, Sharp đã trở thành hãng điện tử đầu tiên ở Nhật Bản tung ra thị trường tivi đen trắng nội địa màn hình 14 inch, với giá 175.000 yên/chiếc.

Cùng với sự phục hồi kinh tế sau Thế Chiến II, số người mua tivi ngày càng tăng và tivi trở thành một trong những vật dụng không thể thiếu trong các hộ gia đình ở Nhật Bản. Để đáp ứng nhu cầu của khán giả, hàng loạt đài truyền hình đã ra đời. Hiện nay, Nhật Bản có 6 đài truyền hình phủ sóng toàn quốc, gồm Nippon Television (NTV), Tokyo Broadcasting Television System, Fuji Television Network, TV Asahi, TV Tokyo Corp. và NHK. Ngoài ra, còn rất nhiều kênh truyền hình thương mại mặt đất thuộc Hiệp hội các đài truyền hình độc lập Nhật Bản.

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng quyết liệt, các đài truyền hình mặt đất ở Nhật Bản đã nỗ lực không ngừng để đổi mới công nghệ. Việc chuyển sang sử dụng công nghệ kỹ số mặt đất là một phần trong nỗ lực đó.

Công nghệ kỹ thuật số giúp nâng cao chất lượng hình ảnh và âm thanh của các chương trình truyền hình, đồng thời giúp giảm 2/3 dung lượng băng truyền so với công nghệ analog khi truyền tải dữ liệu. Dung lượng băng truyền đó có thể sử dụng để truyền tải các chương trình truyền hình trên điện thoại di động hoặc viễn thông trong trường hợp thiên tai.

Bên cạnh đó, kỹ thuật số hóa các chương trình truyền hình cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự hội tụ của truyền hình và truyền thông, trong đó có việc kết nối giữa tivi với điện thoại di động và máy tính bảng. Nhiều người hy vọng văn hóa truyền hình của Nhật Bản trong kỷ nguyên số hóa sẽ phát triển hơn nữa, giúp cải thiện cuộc sống của người dân và đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

Còn nhiều thách thức

Sau ngày 24/7, ngoại trừ ba tỉnh đông bắc bị tàn phá nặng nề bởi thảm họa động đất và sóng thần ngày hồi tháng 3 vừa qua, người dân ở các địa phương khác sẽ không thể xem các chương trình truyền hình nếu họ không mua tivi kỹ thuật số hoặc các đầu thu kỹ thuật số. Ở ba tỉnh Iwate, Miyagi và Fukushima, quá trình chuyển đổi sẽ kết thúc vào cuối tháng 3/2012.

Tuy nhiên, theo ước tính của NHK, cho đến cuối tháng 6/2011, có 290.000 hộ gia đình ở ngoài ba tỉnh trên vẫn chưa có thiết bị cần thiết để xem các chương trình truyền hình kỹ thuật số, mặc dù Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản từ năm 2009 đã tiến hành chương trình phân phát miễn phí các đầu thu kỹ thuật số cho các hộ gia đình có thu nhập thấp. Tính đến cuối tháng 6/2011, chỉ có 1,27 triệu trong số hơn 2 triệu hộ gia đình đủ điều kiện tham gia chương trình này nộp đơn xin cấp đầu thu kỹ thuật số.

Cùng với các đầu thu kỹ thuật số, các hộ gia đình trên phải lắp đặt các ăngten UHF mới. Vì vậy, nhiều người lo ngại số hộ gia đình không xem được các chương trình truyền hình kỹ thuật số ở Nhật Bản trên thực tế có thể cao hơn nhiều.

Bên cạnh đó, việc chuyển từ công nghệ analog sang kỹ thuật số khiến nhiều người mù ở Nhật Bản mất đi cơ hội nghe các chương trình truyền hình vì các máy thu thanh bắt sóng FM của họ chỉ có thể nhận được âm thanh từ các chương trình truyền hình analog.

Trong bối cảnh đó, chính phủ và các đài truyền hình Nhật Bản chắc chắn sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa để phổ cập truyền hình kỹ thuật số ở nước này và để không ai bị bỏ rơi trong tiếp cận thông tin.

Thanh Tùng (P/v TTXVN tại Nhật Bản)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN