Campuchia: “Du lịch trại trẻ mồ côi” và những hệ lụy

Trên những bức tường của trại trẻ mồ côi Acodo ở Siem Reap - một trung tâm du lịch của Campuchia - có treo hàng trăm bức ảnh của các cựu tình nguyện viên đã từng đến đây để dạy tiếng Anh cho trẻ em trong trại. Những gương mặt từng một thời hết sức thân quen với các em nhỏ mồ côi nơi đây, nhưng giờ không còn ở đó nữa. Bộ sưu tập ảnh trên tại Acodo cho thấy hiện có khá nhiều người phương Tây dành kỹ năng cũng như các kỳ nghỉ của họ cho các trẻ em tại đất nước nghèo khó này. Song dưới con mắt của một số chuyên gia, họ lo ngại rằng xu hướng này là “lợi bất cập hại”.

Tình nguyện viên tham gia dạy học cho trẻ mồ côi tại Campuchia. Ảnh: Internet


Marissa Soroudi, sinh viên 20 tuổi người New York, là một trong số nhiều tình nguyện viên đến dạy tiếng Anh tại Acodo, trại trẻ mồ côi nằm cạnh khu vực đền Angkor với hơn 60 trẻ mồ côi từ 3 - 16 tuổi. Cô sinh viên này được trả 50 USD cho một tuần dạy học ở Acodo và cô có ý định ở lại đây thêm một vài ngày trước khi đi du lịch tiếp, song cô hiểu rằng lũ trẻ ở đây sẽ rất buồn khi cô (cũng như những tình nguyện viên khác như cô) đến và rời khỏi đây. “Có rất nhiều người đã đến và đi khỏi nơi này. Cứ một người ra đi lại có người khác đến. Mọi người nói rằng tốt nhất là không nên cho lũ trẻ biết điều đó. Đừng nói với chúng rằng anh (chị) sẽ rời khỏi đây sau một tuần. Đừng nói bất cứ điều gì tương tự như vậy, bởi điều đó sẽ làm lũ trẻ buồn. Tốt hơn là không nên đến đó”, cô nói.

Những tình nguyện viên “chớp nhoáng” này có thể có những ý định rất tốt, nhưng các chuyên gia về trẻ em cho rằng họ có thể để lại những rủi ro cho một số trẻ dễ bị tổn thương nhất. Theo Jolanda van Westering, một chuyên gia về bảo vệ trẻ em tại Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), sự thay đổi thường xuyên những người bảo mẫu sẽ gây nên những tổn thương và mất mát về tình cảm cho những đứa trẻ, đặc biệt là đối với những đứa trẻ đã chịu nhiều thiệt thòi, mất mát này. Mặt khác, sự làm quen liên tục với những người lạ cũng sẽ dẫn tới những nguy cơ không tốt, hoặc bạo lực hoặc bị lạm dụng, bởi đôi khi cũng có những tình nguyện viên tới các trại trẻ mồ côi mà không được kiểm tra về lai lịch và tư cách.

Là cửa ngõ dẫn tới khu đền cổ nổi tiếng Angkor - một điểm du lịch thu hút trên một triệu du khách mỗi năm của Campuchia - thành phố Siem Reap yên bình bên dòng sông này cũng nghiễm nhiên trở thành một điểm du lịch đông đúc. Và nhiều du khách đến đây không phải chỉ để tham quan, thăm thú phong cảnh của Siem Reap. Trên bảng thông báo tại các khách sạn, nhà hàng, quán cà phê và những cửa hàng bán đồ lưu niệm ở đây dán đầy ảnh trẻ em ở các trường học và trại trẻ mồ côi với những cặp mắt mở to, như thôi thúc khách du lịch hãy dành thời gian và tiền bạc của họ cho sự nghiệp đặc biệt này.

Ashlee Chapman, nhà quản lý dự án của tổ chức Globalteer và là người tổ chức giới thiệu các tình nguyện viên với các tổ chức địa phương, cho biết: “Nhiều khách du lịch chứng kiến cảnh nghèo khổ ở đây và cảm thấy rất thương cảm. Họ muốn làm một điều gì đó, chẳng hạn có thể đến thăm các trẻ em trong vài giờ đồng hồ, tặng tiền bạc, đồ chơi, hoặc tranh thủ đến đây vào dịp nghỉ. Và họ cảm thấy như vậy là họ đã đóng góp được một phần nào đó”. Và khi cái được gọi là du lịch tình nguyện này bùng nổ thì số các trại trẻ mồ côi cũng mọc lên như nấm ở đây. Theo UNICEF, trong vòng 6 năm qua, số trại trẻ mồ côi ở Campuchia đã tăng gần gấp đôi lên 269 trại, với khoảng 12.000 trẻ. Tổ chức địa phương chuyên trách về thanh niên và trẻ em cơ nhỡ thành thị Friends International cho biết du lịch là nhân tố chính đóng góp vào sự gia tăng này.


Theo Friends International, việc đến thăm các trại trẻ mồ côi đã trở thành một điểm du lịch “hấp dẫn” tại những thành phố lớn như Phnôm Pênh và Siem Reap. Khoảng 90% số trại trẻ mồ côi ở Campuchia hiện nay tồn tại bằng những quyên góp từ thiện.

Chuyên gia Van Westering nói rằng, bà rất lo ngại về những nguy cơ đối với những trẻ mồ côi hy vọng kiếm tiền bằng ăn xin hoặc các trò biểu diễn cho khách du lịch nước ngoài. “Chúng buộc phải làm thật tốt và biết rằng nếu không như vậy thì sẽ không có tiền để mà sống. Hẳn là ai cũng hiểu điều gì sẽ xảy ra đối với những đứa trẻ sống trong hoàn cảnh như vậy”, bà nói.

TKT
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN