Cairô sẽ không còn là “thành phố 24 giờ”

Tấp nập và huyên náo cả ngày lẫn đêm, thủ đô Cairô của Ai Cập được mệnh danh là “thành phố 24 giờ”. Nhưng danh hiệu đó có thể không còn nữa với kế hoạch đang được chính phủ Ai Cập xem xét về quy định giờ hoạt động của các cửa hàng, cửa hiệu ở Cairô.


 

Những cửa hiệu như thế này ở Cairô thường mở cửa suốt đêm.

Bộ trưởng Phát triển Địa phương Ai Cập, ông Ahmed Zaki Badr cho biết, chính phủ đang cân nhắc việc ban hành quy định các cửa hiệu ở Cairô phải đóng cửa trước 22 giờ và các nhà hàng không được mở cửa sau 24 giờ, ngoại trừ các doanh nghiệp làm du lịch, như khách sạn, quán bar, có giấy phép đặc biệt.


Quy định mới, dự kiến sẽ được áp dụng từ cuối tháng 10 này, là một trong những biện pháp để tiết kiệm năng lượng và cải thiện năng suất lao động, nó giúp lực lượng lao động trở nên hiệu quả hơn. Bởi vì “ban đêm mọi người đi ngủ thì mới có thể làm việc vào ngày hôm sau”, Bộ trưởng Badr cho biết. Ông cũng nhấn mạnh rằng, chẳng có quốc gia nào trên thế giới “suốt đêm không ngủ” như Ai Cập.


Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Hatem Saleh cho rằng, quy định mới có thể giúp tiết kiệm khoảng 1 tỉ USD mỗi năm.


Tuy nhiên, kế hoạch áp dụng “giờ ngủ” cho Cairô đang vấp phải sự phản đối của một số người.


Trong khi chính phủ Ai Cập cho biết đã tham vấn các thống đốc, chủ cửa hàng, các phòng thương mại trên khắp cả nước và tất cả đều đồng ý với kế hoạch trên, thì Liên đoàn phòng thương mại Ai Cập (FECC) lại cho rằng cần tiến hành thêm các cuộc tham vấn và tổ chức một cuộc họp khẩn cấp về vấn đề này vào tuần tới.


Ahmed Farrag, nhân viên phục vụ trong một quán cà phê ở Cairô đánh giá, “đây là một ý tưởng ngốc nghếch”. Với việc mọi người có thói quen đi đến các quán cà phê vào lúc 21 giờ, anh đặt ra câu hỏi: “Bạn sẽ làm gì, đuổi họ khỏi cửa hàng chăng? Như vậy thì ai sẽ mang tiền đến cho bạn?".


Ông Ahmed Mahmoud, 63 tuổi, cười nhạo: “Tiếp theo, họ sẽ làm gì nào? Đưa cho chúng ta những viên thuốc ngủ để bảo đảm chắc chắn rằng chúng ta sẽ đi ngủ đúng thời gian quy định sao?".


Raja Kabil, 36 tuổi, nhà thiết kế thời trang ở thủ đô Cairô cho biết: "Tôi sẽ hoảng sợ nếu những khu phố tối tăm và tĩnh mịch. Chúng tôi có rất nhiều việc phải làm vào buổi tối và tôi sẽ cảm thấy an toàn nếu như vẫn có các hoạt động diễn ra xung quanh".


Một số người còn cho rằng đó là dấu hiệu đầu tiên về một chế độ quản lý hà khắc. Sherine, một bà mẹ có hai con, cho biết: "Vậy là, đầu tiên họ nói với chúng tôi không được dậy muộn. Sau đó, họ sẽ nói với chúng tôi (những người phụ nữ) phải ngồi ở nhà. Nó thực sự làm cho tôi lo lắng".


Trong khi đó, có không ít ý kiến ủng hộ đề xuất này và cho rằng nó có ích cho xã hội.


Mohammed Mohsen, 38 tuổi, người làm nghề trông giữ ô tô ở một khu phố sầm uất tại thủ đô Cairô cho biết: “Người Ai Cập thường thức cả đêm nên đây chắc chắn là cách tốt nhất để tiết kiệm điện”.


Ihab Mohammed, 41 tuổi, cũng hoàn toàn ủng hộ đề xuất này. Viên quản lý một cửa hàng giầy tại khu phố sầm uất Shehab ở Cairô chia sẻ: "Tôi thường đến cửa hàng lúc 10 giờ sáng và ở đó cho đến khi khách hàng cuối cùng ra về. Tôi rất muốn được về nhà vào lúc 22 giờ để ngắm nhìn các con và vui vầy cùng gia đình". Ông tin rằng người dân sẽ tôn trọng quy định mới và sẽ thay đổi thói quen thức đêm.


Lê Hải (theo AFP)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN