Bã kẹo cao su - vấn nạn không chỉ ở Rôma

Chính quyền thành phố Rôma của Italia ngày 13/12/2011 đã phối hợp với các tình nguyện viên phát động một chiến dịch thu nhặt bã kẹo cao su bị vứt bừa bãi ở các khu di tích lịch sử cũng như trên các con đường, vỉa hè ở thủ đô. Nếu dự án tại Rôma thành công, có thể nhiều thành phố khác trên thế giới cũng sẽ noi theo gương này.

Ông Pergiorgio Benvenuti, người đứng đầu Cơ quan thu gom rác thải AMA ở Rôma và là quan chức giám sát chiến dịch trên cho biết, mỗi ngày người dân thủ đô tiêu thụ khoảng 300.000 chiếc kẹo cao su, trong đó có khoảng 15.000 bã kẹo được vứt bừa bãi trên các đường phố và chi phí bình quân cho việc thu dọn mỗi bã kẹo là khoảng 1 euro (27.000 đồng)!

Bà Isabella Rauti, phu nhân của Thị trưởng Rôma, Gianni Alemanno đồng thời là trưởng nhóm tình nguyện viên thuộc tổ chức tình nguyện “Chúng ta vì Rôma”, nhấn mạnh rằng, do bã kẹo cao su rất khó phân hủy khi thải ra môi trường tự nhiên, nên mọi người cần phải lưu ý giữ gìn vệ sinh chung chứ không nên vứt bỏ nó một cách bừa bãi.

Các du khách lâu nay thường phàn nàn về chất lượng vệ sinh ở Rôma, mặc dù trong những năm gần đây chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực nhằm cải thiện hệ thống thu gom rác thải ở các khu di tích lịch sử vốn luôn đông khách du lịch ở thủ đô.

Rôma có thể không phải là nơi tiên phong trong việc dọn dẹp bã kẹo cao su, nhưng có lẽ là thành phố đầu tiên chính thức “tuyên chiến” với vấn nạn này thông qua một chương trình mang tính cộng đồng như vậy. Nếu dự án “Chúng ta vì Rôma” thành công, có thể nhiều thành phố khác trên thế giới sẽ noi theo gương này. Tuy vậy, “tình yêu” của người dân khắp hành tinh dành cho kẹo cao su – mà bằng chứng là khoảng 374 tỉ chiếc kẹo được bán ra mỗi năm - chắc chắn sẽ không giảm xuống.

Kẹo cao su có từ thời Hy Lạp cổ đại, phụ nữ thời đó thường dùng kẹo cao su làm từ nhựa cây nhũ hương để làm sạch răng và thơm miệng. Người Maya cổ đại cũng nhai kẹo cao su làm từ nhựa cây hồng xiêm, còn thổ dân ở Bắc Mỹ thì trộn nhựa cây vân sam với sáp ong để làm ra thứ kẹo này. Nhưng hầu hết các loại kẹo cao su ngày nay được làm từ cao su nhân tạo, bổ sung chất làm dẻo, chất tạo ngọt và hương vị, khiến chúng trở nên khó phân hủy.

Mối lo ngại từ tệ vứt bã kẹo cao su bừa bãi trên vỉa hè từng khiến chính phủ Anh ban hành một thông báo hạn chế bán loại kẹo này. Theo một báo cáo của chính phủ, mỗi năm người Anh tiêu thụ khoảng 3 tỉ chiếc kẹo cao su và các chính quyền địa phương hằng năm phải chi khoảng 150 triệu bảng (4.950 tỉ đồng) cho việc dọn dẹp bã kẹo! Vấn nạn này đã gây bức xúc đến mức, một công ty ở Anh là Gummy Bins đã chế tạo ra hệ thống máy xử lý bã kẹo cao su đầu tiên trên thế giới. Bã kẹo được thu gom và biến thành nguyên liệu dùng cho nhiều mục đích khác nhau, từ hệ thống tiêu thoát nước cho đến đường pitch của sân bóng đá.

Tại Xinhgapo, kẹo cao su bị cấm tiệt từ năm 1992 khi đảo quốc nổi tiếng “xanh và sạch” này cấm nhập khẩu và bán các loại chewing-gum. Từ năm 2004, chỉ có những loại kẹo cao su có tác dụng trị liệu mới được phép nhập khẩu vào Xinhgapo từ Mỹ theo Hiệp định Tự do thương mại giữa hai nước. Nhưng điều luật bổ sung này cũng được áp dụng rất nghiêm ngặt, kẹo cao su không đường sẽ chỉ được bán theo đơn của bác sĩ và chỉ có thể mua tại các hiệu thuốc.

Lệnh cấm kẹo cao su xuất phát từ “tai họa” đầu tiên mà loại kẹo này gây ra cho Xinhgapo vào năm 1987, khi hệ thống tàu điện ngầm Mass Rapid Transit (MRT) trị giá 5 tỉ USD của nước này bắt đầu hoạt động. Những người vô ý thức và những kẻ phá hoại bắt đầu dán bã kẹo lên các bộ cảm ứng cánh cửa của tàu MRT, khiến cửa không thể hoạt động đúng chức năng, gây ra tình trạng gián đoạn dịch vụ. Ngoài ra, trên các tòa nhà, kẹo cao su bị dính lên hòm thư, lỗ khóa, nút ấn thang máy, và chi phí để dọn bã kẹo trên sàn nhà, cầu thang và vỉa hè cũng rất tốn kém.

Tại Mỹ, quốc gia tiêu thụ kẹo cao su lớn nhất thế giới, vấn nạn bã kẹo dính bừa bãi cũng rất nghiêm trọng, ngay cả ở những thành phố hiện đại như New York, Chicago. Nhưng thủ đô Thành phố Mêhicô của Mêhicô có lẽ mới là nơi tệ nhất. Nạn vứt bã kẹo bừa bãi đến mức, chính quyền thành phố đã khuyến nghị người dân nên… nuốt chúng nếu không thể vứt vào thùng rác....

Thu Hằng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN