08:18 02/08/2011

Nhìn lại quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ

Do lượng điện ở Lào Cai không tiêu thụ hết nên các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ của tỉnh này sau khi hoà vào lưới điện đã xảy ra tình trạng bị đẩy ngược trở lại phía Trung Quốc, với công suất phát ngược lớn nhất là 20 MW, tổng sản lượng bị đẩy ngược là 42.900 kWh.

Do lượng điện ở Lào Cai không tiêu thụ hết nên các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ của tỉnh này sau khi hoà vào lưới điện đã xảy ra tình trạng bị đẩy ngược trở lại phía Trung Quốc, với công suất phát ngược lớn nhất là 20 MW, tổng sản lượng bị đẩy ngược là 42.900 kWh. Vấn đề này đã được giải quyết khi trạm biến áp 220kV Lào Cai vừa được đưa vào vận hành.

Cần phải xem xét lại quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, từ vụ việc này, cần phải nhìn lại quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ. Đặc biệt, là vấn đề hiệu quả kinh tế chung khi các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ tham gia vào lưới điện cao thế.

Bên mua thừa điện, bên bán bảo vệ lợi ích

Trước tiên, phải khẳng định rằng: các đường dây mua điện từ Trung Quốc đều là đường độc đạo, không có mạch vòng. Đặc biệt, các đường dây này đều không thể hòa vào lưới điện của Việt Nam do không đồng bộ về các tiêu chuẩn kỹ thuật như tần số, dao động khác biệt. Hơn nữa, với đường dây ở cấp điện áp 110 kV, điện không thể truyền tải xa được, vì thế đường dây 110kV Hà Khẩu - Lào Cai mua điện Trung Quốc chỉ cấp điện được cho tỉnh Lào Cai, Lai Châu và không thể cấp về Yên Bái.

Hiện nay, tỉnh Lào Cai được cấp điện từ nguồn mua Trung Quốc bằng đường dây cấp điện áp 110 kV do Tổng công ty Điện lực miền Bắc quản lý vận hành và điện mua từ 17 nhà máy thủy điện nhỏ trên địa bàn, với tổng công suất lắp máy là 128,8 MW.

Trong khi đó, vào giờ cao điểm, khi các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Lào Cai đồng loạt phát điện để có được giá điện cao thì các nhà máy Phốt pho vàng, Phốt pho Việt Nam, Phốt pho Đông Nam Á, Phốt pho Đức Giang, Luyện đồng Lào Cai, Tuyển đồng Sin Quyền là những cơ sở tiêu thụ điện năng lớn ở Lào Cai lại thực hiện tiết kiệm điện bằng việc hạn chế sản xuất vào giờ cao điểm.

Vào giờ cao điểm ở tỉnh này, công suất điện lớn hơn phụ tải, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến lượng điện dư thừa bị đẩy ngược sang Trung Quốc. Theo Hợp đồng đã ký giữa hai bên, cụ thể trong tháng 5/2011, sản lượng mua điện từ Trung Quốc qua đường dây 110 kV Hà Khẩu-Lào Cai là 37 triệu kWh, nhưng nhu cầu tiêu thụ chỉ 27,13 triệu kWh. Lượng điện này không những không được tính vào sản lượng điện đã nhập sang Việt Nam mà còn bị phía Trung Quốc phạt do ảnh hưởng đến vận hành lưới điện của họ.

Nảy sinh nhiều vấn đề

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về đa dạng hoá các thành phần kinh tế và hình thức đầu tư các dự án thuỷ điện vừa và nhỏ có công suất đến 30 MW, Bộ Công Thương đã bổ sung, điều chỉnh Quy hoạch các dự án thuỷ điện vừa và nhỏ trên địa bàn 35 tỉnh, thành phố với hơn 880 dự án, tổng công suất lắp máy hơn 5.880 MW (công suất trung bình 6,7 MW/dự án). So với Quy hoạch thuỷ điện nhỏ toàn quốc ban đầu được Bộ Công nghiệp - nay là Bộ Công Thương - phê duyệt năm 2005 trên địa bàn 24 tỉnh, thành phố, đã tăng hơn 540 dự án và tổng công suất lắp máy cũng tăng gần 4.360 MW.

Số dự án thủy điện vừa và nhỏ tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Nghệ An, Quảng Nam, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Thanh Hoá; trong đó, tỉnh Lào Cai là nơi có số dự án nhiều nhất với gần 110 dự án.

Nhà máy thuỷ điện Ngòi Xan - Lào Cai. Ảnh: Internet

Phải nhìn nhận rằng chủ trương phát triển thuỷ điện nhỏ - nguồn năng lượng có khả năng tái tạo, giá thành rẻ hơn các nguồn điện khác - là hợp lý, được ưu tiên trong các chiến lược và chính sách phát triển năng lượng đã được Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, do phát triển quá “nóng” nên việc đầu tư xây dựng các dự án thuỷ điện vừa và nhỏ thời gian qua đã bộc lộ một số tồn tại cần phải giải quyết như do thiếu kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch nên Uỷ ban nhân dân các tỉnh đã dễ dàng trong việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư, cũng như chấp thuận chủ trương nghiên cứu đầu tư các dự án thuỷ điện khiến Quy hoạch thuỷ điện vừa và nhỏ của tỉnh thường xuyên phải điều chỉnh, bổ sung.

Thực tế triển khai cũng cho thấy Uỷ ban nhân dân một số tỉnh chưa chú ý nhiều đến các yếu tố về xã hội, môi trường, phụ tải, hệ thống đấu nối điện, năng lực và kinh nghiệm của các nhà đầu tư… mà chỉ chú trọng đến yếu tố về kinh tế nên cấp phép đầu tư cho quá nhiều dự án, thậm chí cả những dự án không có trong quy hoạch và sau này phải kiến nghị bổ sung và điều chỉnh.

Đã có nhiều dự án thuỷ điện nhỏ được xây dựng không theo quy hoạch do đó khi xây xong không có đường đấu nối vào lưới điện quốc gia, lại kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam có phương án giải quyết nhưng cũng rất khó vì chi phí đầu tư cho lưới điện đấu nối quá tốn kém lại không hiệu quả. Trên thực tế, điện sản xuất từ các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ chỉ phát được lên lưới hạ thế và phục vụ nhu cầu tại chỗ.

Theo tính toán của Viện Năng lượng, nhu cầu đầu tư lưới điện truyền tải quốc gia giai đoạn 2010- 2015 lên tới gần 10 tỷ USD, bình quân mỗi năm cần gần 2 tỷ USD, gấp 5-7 lần so với mức đầu tư trong giai đoạn 2006- 2010. Do vậy, việc cấp phép các dự án thuỷ điện nhỏ một cách tràn lan không chỉ phá vỡ Quy hoạch thuỷ điện mà còn phá vỡ cả Quy hoạch lưới điện truyền tải quốc gia.

Cần cân đối các lợi ích

Không thể phủ nhận việc đầu tư xây dựng các dự án thuỷ điện vừa và nhỏ đã và sẽ góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp và ngân sách cho các địa phương có dự án, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, việc phát triển các dự án thuỷ điện phải cân đối các lợi ích. Đặc biệt, phải phù hợp với tiến độ đầu tư hệ thống lưới điện.

Bên cạnh đó, thủy điện có đặc điểm là hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, khi nào có mưa, có nước mới phát được điện. Riêng thủy điện vừa và nhỏ, hầu hết không có hồ chứa nước nên với thời tiết thủy văn ở phía Bắc chỉ phát điện được khoảng 4 tháng mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 9), vào các tháng mùa khô chỉ phát điện 20-30% công suất so với mùa mưa. Như vậy, nếu đầu tư lưới điện truyền tải (từ 220 kV trở lên) để truyền tải điện từ các nhà máy thủy điện nhỏ lên lưới điện cao thế sẽ là lãng phí.

Năm nay, tình hình thủy văn tốt, không khô hạn như năm 2010 nên các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đều phát được điện. Vì vậy, ngoài khả năng tiêu thụ của Lào Cai, công suất còn lại khoảng 50 MW phải truyền tải về Việt Trì-Phú Thọ. Tuy nhiên, tính toán của các chuyên gia trong ngành cho thấy việc truyền tải với công suất nhỏ như vậy sẽ gây ra tổn thất điện năng cao và không tạo ra hiệu quả trong quá trình vận hành.

Theo kế hoạch, năm 2013-2014, trạm 220 kV Lào Cai mới đưa vào vận hành, song Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia đã đẩy tiến độ thi công và đưa vào vận hành hồi đầu tháng 7 vừa qua như một giải pháp tình thế để truyền tải sản lượng điện từ các nhà máy thủy điện nhỏ tại đây. Tuy nhiên, theo Quy hoạch điện VI đã được Chính phủ phê duyệt, đó lại là đường dây và trạm để đón thủy điện Lai Châu khi đi vào vận hành.

Về lâu dài, để đảm bảo việc đầu tư xây dựng các dự án thuỷ điện có hiệu quả và hài hoà các lợi ích, các chuyên gia năng lượng tính toán: ngoài việc tính đến lợi ích về kinh tế, việc cấp giấy phép đầu tư thủy điện nhỏ cũng nên tính đến khả năng tiêu thụ tại chỗ để tránh lãng phí đầu tư lưới điện truyền tải cho quốc gia./.

Mai Phương