01:22 06/01/2014

Nhìn lại mùa lịch năm 2014

Theo đánh giá của những nhà làm lịch và các đại lý phát hành, mùa lịch 2014 có phần ảm đạm hơn năm trước.

Theo đánh giá của những nhà làm lịch và các đại lý phát hành, mùa lịch 2014 có phần ảm đạm hơn năm trước.


Người tiêu dùng chưa “vội”


Dạo một vòng qua các phố lịch ở Hà Nội như Đinh Lễ, Hai Bà Trưng, Tràng Tiền, Hàng Trống, Hoa Lư, Giảng Võ... lịch vẫn còn lịch đỏ phố, tuy nhiên lượng khách hỏi mua không nhiều, chỉ có vài khách mua lẻ đến xem. So với năm ngoái, thị trường lịch năm nay có phần ảm đạm hơn. Đó là nhận xét chung của các chủ cửa hàng lịch, các đại lý lịch lớn.

Cần có một cơ cấu hợp lý để thị trường lịch ổn định hơn.


“Những năm trước, vào thời điểm này những loại lịch đẹp đã không còn, chỉ còn lại một số ít mẫu lịch loại thường, nhưng năm nay, lượng lịch đại lý còn tồn khá lớn” - chị Loan, một chủ đại lý lịch ở Long Biên cho biết.


Tuy nhiên, ông Mai Thanh Hải, phụ trách phòng Văn hóa phẩm Công ty TNHH MTV Sách Việt Nam (Savina), một trong những tổng đại lý lịch lớn trong cả nước thì tương đối lạc quan. Theo ông Hải, đúng là đầu mùa, thị trường lịch có những rối loạn, lượng lịch tiêu thụ có phần chậm chạp, nhất là các loại lịch phổ thông. Tuy nhiên, từ sau Tết Dương lịch đến nay, số lượng lịch bán ra cũng tương đối, không quá ảm đạm như nhiều người dự đoán trước đó.


Theo đánh giá của những người am hiểu về thị trường lịch, việc thị trường lịch 2014 có những biến động có nhiều nguyên nhân.


Về mặt thị trường, năm nay cả nước có không dưới 30 nhà sản xuất đầu tư làm lịch lớn, trong đó có khoảng 80% các cơ sở nằm ở TP Hồ Chí Minh. Số lượng lịch in nhiều, trong khi lịch lại là mặt hàng thời vụ, nhiều nhà đầu tư “nóng ruột” muốn thu hồi vốn sớm, nên đã đẩy mức chiết khấu cho đại lý tăng cao một cách bất thường. Những năm trước, nếu mức chiết khấu trung bình từ 25-40%, thì năm nay mức chiết khấu lên tới 40-50%, cá biệt có loại lên đến 60%. Có mẫu lịch giá gốc từ 340.000 đồng/blốc giảm xuống còn 100.000 đồng/blốc. Thêm vào đó, do khó khăn chung của nền kinh tế, các nhà phát hành sách ở các địa phương không có nhiều vốn, nên nhập lịch với số lượng cầm chừng, nhỏ giọt, hết lại nhập thêm, nên các nhà phân phối lớn có phần bị động, khó dự đoán sát mức tiêu thụ của thị trường lịch.


Một nguyên nhân nữa khiến cho thị trường lịch blốc 2014 ảm đạm, là người tiêu dùng càng ngày càng không “nóng ruột” với việc có một cuốn lịch trong nhà. Lịch không còn là mặt hàng mà bắt buộc mọi gia đình phải có. Nhiều gia đình chỉ cần lịch bàn, hoặc tờ lịch treo tường, nhiều người lại có sẵn lịch trong điện thoại di động… nên lượng tiêu thụ cũng bị giảm đi đáng kể, có gia đình có nhu cầu thì chưa kịp hoặc chưa muốn đi mua. Chị Nguyễn Xuân Hương, nhà ở quận Long Biên (Hà Nội) cho biết: “Tôi cũng muốn có một cuốn lịch treo tường, nhưng cuối năm công việc bận quá nên chưa đi mua được. Hơn nữa, tôi cũng muốn đợi thêm một thời gian nữa, đến gần tết Âm lịch mua, lúc đó giá lịch có thể sẽ rẻ hơn”.


Cơ cấu chưa hợp lý


Về phía cơ quan quản lý, phải khẳng định rằng, chủ trương liên kết xã hội hóa lịch blốc cơ bản là đúng, nhà nước vẫn thể hiện được vai trò quản lý trong việc khống chế về số lượng lịch, huy động được lực lượng xã hội trong việc in và phát hành lịch, mẫu mã lịch ngày càng đẹp, người dân có điều kiện sử dụng những blốc lịch có chất lượng. Tuy nhiên, vẫn còn có những bất cập trong việc định hướng cơ cấu in và phát hành lịch của cơ quan quản lý. Theo đánh giá của một số người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề phát hành lịch, năm nay, định hướng cơ cấu lịch của cơ quan quản lý có sự “lệch” chuẩn. Cơ quan quản lý chưa thực sự sâu sát thị trường, không lường hết được những khó khăn trong thực tế. Cụ thể, đầu mùa lịch, Cục Xuất bản có thông báo gửi các nhà xuất bản (NXB), các đơn vị sản xuất lịch, thông báo có ghi rõ, mỗi NXB được in tối đa 230.000 blốc, trong đó, phải có ít nhất 20% lượng lịch blốc phổ thông (là lịch tiểu, lịch trung màu, trung pơluya). Đây là loại lịch blốc phổ thông thường được dành cho phân khúc thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa, bởi có giá rẻ, bình dân, nhiều người có thể mua được. Trong khi thực tế, nhu cầu về loại lịch bình dân giá rẻ này trên thị trường những năm trước đây đều trên 50%. Như vậy, cho dù các đơn vị làm lịch đều thực hiện đúng yêu cầu của cơ quan quản lý, thì thị trường vẫn thiếu một lượng rất lớn lịch cho phân khúc thị trường bình dân này.


Số lượng lịch phổ thông ít, còn các mẫu lịch blốc siêu đại, siêu cực đại lại in quá nhiều, với nguyên tắc càng in blốc đắt tiền, lợi nhuận thu được càng cao, các nhà đầu tư không dại gì mà bỏ qua, dẫn đến tình trạng dư thừa là dễ hiểu, thậm chỉ cả các cơ sở in lậu cũng không in lịch cao cấp để bán. Theo khảo sát, nếu như mùa lịch năm 2013, số lượng lịch cực đại và siêu cực đại trên thị trường có khoảng 80 mẫu, thì mùa lịch 2014, con số này đã lên đến trên 100 mẫu các loại. Việc phân chia tem chống hàng giả năm nay tuy vẫn là 3 loại tem, nhưng thực chất lại là 2 loại: 20% tem hình vuông cho lịch phổ thông và 80% tem hình bầu dục, cho các loại lịch từ đại đến siêu cực đại (có giá từ 34.000 - 600.000 đồng) nên việc quản lý, nắm bắt cơ cấu lịch chưa thực sự sâu sát.


“Để thị trường lịch những năm tới ổn định, tránh những biến động không đáng có, nên chăng, các cơ quan quản lý cần có định hướng phù hợp hơn, làm sao để cân đối cơ cấu lịch giữa các vùng miền cho hợp lý hơn, sát với nhu cầu thị trường hơn. Ngoài ra, việc phân chia loại tem dán chống hàng giả cũng cần cải tiến, phân chia thành nhiều loại hơn để dễ dàng, thuận lợi cho việc quản lý, nắm bắt cơ cấu lịch sẽ phát hành trên thị trường, để những năm tới thị trường lịch ổn định hơn, tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp và gây lãng phí của cải xã hội” - một chuyên gia trong thị trường lịch nhận định.


Bài và ảnh: Phương Lan