03:00 09/03/2012

Nhìn lại một thập kỷ của điện ảnh Việt Nam

Đây là hoạt động mở đầu cho Ngày Điện ảnh Việt Nam năm 2012 tại Hà Nội, và cũng là dịp để nhìn nhận, đánh giá lại một thập kỷ sáng tạo của những người làm điện ảnh nước nhà, đưa ra các giải pháp để phát triển điện ảnh Việt Nam trong thập kỷ tới theo hướng chuyên nghiệp, đồng bộ, vững chắc.

Ngày 8/3, tại Hà Nội, Hội Điện Ảnh Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Một thập kỷ điện ảnh Việt Nam nhìn nhận và đánh giá”. Đây là hoạt động mở đầu cho Ngày Điện ảnh Việt Nam năm 2012 tại Hà Nội, và cũng là dịp để nhìn nhận, đánh giá lại một thập kỷ sáng tạo của những người làm điện ảnh nước nhà, từ đó đưa ra các giải pháp để phát triển điện ảnh Việt Nam trong thập kỷ tới theo hướng chuyên nghiệp, đồng bộ, vững chắc.

Tại hội thảo, 4 dòng phim truyện điện ảnh chính được nhìn nhận trong sự phát triển của điện ảnh nước nhà trong thập kỷ qua. Đó là dòng phim Nhà nước đặt hàng, phim tư nhân, phim có sự tham gia của Việt kiều và phim độc lập. Phim do Nhà nước đặt hàng mỗi năm chỉ có từ 2-5 phim, tập trung vào đề tài truyền thống, chiến tranh cách mạng, lịch sử, vấn đề xã hội quan tâm. Song, dòng phim này bị hạn chế ở khâu phát hành đến khán giả, nên số lượng ngày càng ít và gần như không thu hút được khán giả. Trong khi đó, hầu hết các phim tư nhân đề cao tính thương mại, giải trí để “hốt bạc” dịp lễ, Tết, song cũng có những phim bị coi là "thảm họa" phim Việt. Tuy nhiên, gần đây cũng đã có những nhà sản xuất tư nhân đầu tư vào phim lịch sử, xã hội có giá trị nghệ thuật cao.

Một dòng phim mới xuất hiện trong những năm gần đây là phim độc lập như: “Rừng Nauy”, “Bi, đừng sợ” hay “Cánh đồng bất tận” gây tiếng vang với quốc tế. Tuy nhiên, dòng phim này mới chỉ manh nha ở Việt Nam, chưa hình thành rõ nét nên chưa nhận được sự ủng hộ của đông đảo khán giả. Hội thảo cũng đánh giá, trong thập kỷ qua, có khá nhiều đạo diễn Việt kiều về nước làm phim và cũng có thành công nhất định, nhưng chủ yếu vẫn tạo dựng tên tuổi, thương hiệu cho các hãng phim tư nhân.

Phim truyện điện ảnh cùng những vấn đề xung quanh nó được đông đảo các các nhà biên kịch, đạo diễn, nhà quản lý thẳng thắn nhìn nhận, đóng góp ý kiến, chỉ ra các điểm yếu kém và cách thức khắc phục. Tuy nhiên, nhiều người cũng nhận định rằng: Những vấn đề chỉ ra tại hội thảo không phải là điểm mới, nó đã tồn tại từ rất lâu, những yếu kém về kịch bản phim, cách thức làm phim cho đến những vấn đề hậu kỳ, phát hành, đội ngũ kế cận đã được đề cập từ lâu song chưa có giải pháp giải quyết đồng bộ... Những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội thảo này sẽ góp phần tích cực giúp Cục Điện ảnh xây dựng Chiến lược phát triển điện ảnh Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Phương Hà