01:23 05/01/2012

Nhìn lại âm nhạc Việt Nam năm 2011

Có thể nói năm 2011 là năm được mùa hoạt động âm nhạc. Từ miền núi đến đồng bằng, từ các thành phố lớn tỉnh lẻ, từ vùng sâu, vùng xa đến hải đảo xa xôi không ở đâu không có các hoạt động âm nhạc.

Có thể nói năm 2011 là năm được mùa hoạt động âm nhạc. Từ miền núi đến đồng bằng, từ các thành phố lớn tỉnh lẻ, từ vùng sâu, vùng xa đến hải đảo xa xôi không ở đâu không có các hoạt động âm nhạc. Một show hoành tráng lên tới 5.000 ghế ngồi hay chỉ là những tụ điểm nhỏ lẻ, bán vé hay phục vụ miễn phí, từ các show diễn do các công ty tư nhân, các nhà hát quốc doanh, hay do các đơn vị báo chí… mọi chương trình âm nhạc đều được đầu tư và biểu diễn ở mức có quy mô và chuyên nghiệp.

Không chỉ sôi động ở một loại hình nhạc nhẹ, chiếm tình cảm đông đảo người trẻ mà tất cả mọi hình thức: Từ âm nhạc dân gian đến nhạc thính phòng, từ nhạc cách mạng (nhạc đỏ), đến nhạc vàng, nhạc tiền chiến,… mọi “dòng sông” đều chảy, và đều có lý cùng tồn tại khi khán giả của nó đã lựa chọn.

Hai giải thưởng lớn của nhạc Việt

Điều đầu tiên có thể nói đến của âm nhạc Việt năm 2011 là hai giải thưởng lớn, đó là: Giải Sao Mai và Giải Cống hiến.

Quán quân Sao Mai 2011 đã thuộc về 3 giọng ca: Đào Tố Mai - nhạc thính phòng, Lương Nguyệt Anh - dòng nhạc dân gian và Đoàn Thị Thúy Trang - nhạc nhẹ. Đây là giải có uy tín, bắt đầu gọi là Liên hoan tiếng hát truyền hình. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng giải này ngày càng đuối về chất lượng người đoạt giải so với những ngày đầu 2001.

Thí sinh Đào Văn Mác (dòng nhạc thính phòng) thể hiện ca khúc “Bài ca chiến thắng” tại Chung kết Sao Mai 2011 khu vực phía Bắc.

Nếu Liên hoan Tiếng hát truyền hình với Giải Sao Mai có phần tẻ nhạt thì uy tín của Giải Cống hiến có vẻ như lại nổi trội. Sự nổi trội không chỉ bởi ở danh sách người đoạt giải mà còn ở những buổi diễn sau đó của những người có giải thưởng, mà trong đó nổi bật là cặp đôi Tùng Dương và Lê Cát Trọng Lý. Người ta gọi đây là một sáng tạo của: “Lửa nước dung hòa”. Bắt đầu từ buổi diễn của cặp đôi này, một “không gian âm nhạc” được giới thưởng thức chú ý, giá vé lên tới 2.500.000 đồng không còn là xa lạ.

Dòng nhạc dân gian

Vẫn như thường lệ đầu năm, Hội Lim năm 2011 ở Bắc Ninh đông người dự hơn bao giờ hết, tụ hội đủ các liền anh liền chị quan họ. Các loại hình âm nhạc dân gian khác như: Ca trù, ả đào… cũng phát huy giá trị di sản, được UNESCO công nhận. Năm nay, hát Xoan (Phú Thọ) đã trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể thế giới. Đờn ca tài tử Nam bộ cũng đang được đề nghị.

Hát Xoan là loại hình ca hát dân gian, một hình thức nghệ thuật diễn xướng nguyên hợp đa yếu tố với sự kết hợp hài hòa của: Trống, hát và múa. Hát Xoan làm nên một không gian văn hoá độc đáo. Bốn làng Xoan gốc được biết đến nhiều nhất là Phù Đức, Kim Đới, An Thái và Thét. Nếu không gian hát Xoan trải rộng trên lưu vực sông Lô và sông Thao, tạo nên “một vùng văn hóa hát Xoan” thuộc 18 làng, xã xung quanh Đền Hùng thì Đờn ca tài tử lại có mặt ở khắp 21 tỉnh, thành Nam bộ, với hơn 2.000 câu lạc bộ sinh hoạt thường xuyên và thu hút 23.000 thành viên tham gia… Đờn ca tài tử vừa mang tính hàn lâm, bác học lại vừa đậm tính dân gian và gần gũi. Đờn ca tài tử tạo ra những âm thanh từ “tâm thức” để có được một bản nhạc của “tâm thế”, và chơi nhạc tài tử là “tâm tấu”, hòa âm của nó là tiếng của lòng. Không chỉ quyến rũ du khách bốn phương, đờn ca tài tử Nam bộ là món ăn tinh thần không thể thiếu và ngày càng phát triển ở Nam bộ. Năm nay hồ sơ về 2 loại hình này được đề cử nên càng được diễn ra sôi động hơn.

Dòng nhạc cổ điển, thính phòng

Với dòng nhạc này, cao cấp như các Chương trình Toyota Classic và Hòa nhạc opera kinh điển Hennessy diễn ra tại hai Nhà hát Lớn (Hà Nội và TP.HCM) không còn một ghế trống, cả chỗ đứng cũng không còn đã là chuyện từ mấy năm nhưng năm nay vé chợ đen cũng không thể kiếm nổi. Ngay cả những chương trình hòa nhạc đặt vé trước của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam (VNSO) hơn 60 đêm/năm- đã có mặt nhiều khán giả Việt. Các buổi diễn của Nhạc viện Hà Nội, Dàn nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) và Dàn Nhạc nhạc viện TP.HCM không còn chuyện khó bán vé. Đặc biệt, phải nói đến các chuyến biểu diễn của VNSO và VNOB năm nay tại Hoa Kỳ, nơi các nhà hát như Symphony Hall-Boston và Carnegie Hall- New York, lớn nhất thế giới, chỉ cho phép các dàn nhạc có đẳng cấp nhất định được biểu diễn, thì đã có những đêm diễn của Dàn nhạc Việt Nam .

Bên cạnh, có thể nhắc đến Festival Piano tại Nhạc viện TPHCM, với sự qui tụ những nghệ sĩ hàng đầu thế giới về nghệ thuật trình diễn Piano là một nỗ lực lớn nhằm hướng đến mục đích tạo dựng những hoạt động văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp nhất là đối với bộ môn Piano hàn lâm. Ngoài ra, lần đầu tiên ở Hà Nội đã có giao hưởng ngoài trời với chương trình Luala concert, một cuộc chơi của doanh nhân và các nghệ sĩ đàn giây.

Các loại hình âm nhạc khác cũng gây nhiều chú ý. Trong đó có thể kể đến chương trình biểu diễn của các nhà hát trên cả nước. Nếu Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ Việt Nam kín lịch biểu diễn cả năm thì các nhà hát Tuổi Trẻ, Hòa Bình, Ca múa nhạc Việt Nam cũng không kém phần sôi động với tất cả các loại hình âm nhạc: Từ nhạc nhẹ, nhạc đương đại, thử nghiệm đến các buổi diễn của nhiều ban nhạc Jazz, Rock, New Age… đến từ Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Xlôvakia… Đáng kể nhất có lẽ phải nói đến các chương trình đưa nghệ sĩ danh tiếng thế giới đến Việt Nam biểu diễn, trong các chương trình của Backtreet Boys, Hennessy Artistry, Westlife ở Sân vận động Mỹ Đình, mỗi đêm thu hút hơn 4.000 khán giả. Việc đưa nghệ sĩ nước ngoài về biểu diễn ở Việt Nam cũng như đưa nghệ sĩ ở Việt Nam ra nước ngoài biểu diễn luôn được coi là kích thích sáng tạo, nâng cao đẳng cấp nghệ sĩ, đáp ứng nhu cầu thưởng thức và khám phá cái mới của người dân.

Năm nay cũng là năm có nhiều nghệ sĩ Việt ở hải ngoại về Việt Nam biểu diễn như: Đức Huy, Tuấn Ngọc, Duy Quang, Tuấn Vũ, Hương Lan, Quang Lê, Minh Tuyết, Nguyễn Cao Kỳ Duyên và Chế Linh…

Khán giả đến với chương trình này đa phần do hoài niệm những tên tuổi nổi danh một thời, phần khác đó là loại nhạc và lời gần gũi với tình cảm đời thường cộng với một chút tò mò. Giá cao nhất tới 3 triệu đồng/vé. Hầu hết các chương trình đều đông người xem. Nhiều “bầu sô” có tay nghề trong việc tổ chức những show diễn có nhiều “sao” và đông khán giả.

Tuy nhiên, trong số đó “show Chế Linh” có mắc chuyện lùm xùm. Mặc dù sai phạm không phải là quá lớn (treo băng rôn khi chưa xin phép, treo quảng cáo với số lượng lớn, trốn tránh nghĩa vụ bản quyền...) nhưng lại là sai phạm thuộc về nguyên tắc cơ bản, lặp đi lặp lại nhiều lần của một công ty- một ông bầu (được coi là cố ý và coi thường pháp luật) nên đã bị Sở VH, TT & DL rút giấy phép một lần và Sở VH-TT& DL TP.HCM không cho phép biểu diễn một lần…

Ngoài ra, là chuyện ăn mặc thiếu thẩm mỹ của ca sĩ trên sân khấu, một vài chuyện đạo nhạc và chuyện vi phạm bản quyền tác giả…

Song, dù có thế nào, năm 2011 vẫn là năm được mùa của âm nhạc Việt.

Trần thị Trường