06:21 20/06/2011

Nhiều vùng đồng bào dân tộc phát triển kinh tế bền vững

Đồng bào dân tộc ở Đắk Lắk "bám trụ" với cây cao su tiểu điền. Đồng bào dân tộc ở Quảng Ninh "dựa" vào cây chè. Còn ở Long An- Bình Định, cây mía lại là "cứu cánh" cho những người dân nghèo...

Đồng bào dân tộc ở Đắk Lắk "bám trụ" với cây cao su tiểu điền. Đồng bào dân tộc ở Quảng Ninh "dựa" vào cây chè. Còn ở Long An- Bình Định, cây mía lại là "cứu cánh" cho những người dân nghèo... Mỗi nơi một loại cây trồng, một phương thức sản xuất, nhưng tựu trung, với những nỗ lực của mình, đồng bào dân tộc ở các vùng sâu, vùng xa, miền núi... đang vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế bền vững, đảm bảo cuộc sống của mình...

Tỉ phú cao su tiểu điền

Mùa mưa năm 2011 này, nhiều hộ đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Ea H’Leo (Đắk Lắk) đã có kế hoạch trồng mới gần 100 ha cao su tiểu điền. Như vậy, đến nay toàn huyện Ea H’Leo đã có gần 600 hộ đồng bào các dân tộc tham gia trồng mới 1.618 ha cao su tiểu điền, trong đó có 322 ha đã đưa vào khai thác mủ. Nhiều hộ đồng bào các dân tộc ở các xã vùng sâu, vùng xa nhờ phát triển cao su tiểu điền nay đã trở thành tỷ phú.

Có được thành công này là nỗ lực rất lớn của lãnh đạo huyện Ea H’Leo. Bám dân, nắm bắt nhu cầu nguyện vọng của người dân, huyện đã khuyến khích, tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc vay vốn, với lãi suất thấp, đầu tư phát triển cao su tiểu điền. Huyện cũng vận động đồng bào các dân tộc chuyển diện tích cà phê, điều không chủ động được nguồn nước, năng suất kém, cũng như các vùng đất gieo trồng các loại cây ngắn ngày hiệu quả không cao nhưng liền vùng, liền thửa, sang trồng cây cao su. Rồi hướng dẫn đồng bào các dân tộc thâm canh cây cao su ngay trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, từ khâu làm đất, đào hố, kỹ thuật trồng cây cao su giống mới, có chồi ghép phát triển 2 - 3 tầng lá, bón lót, bón thúc bằng các loại phân chuyên dùng cho cây cao su, nhằm rút ngắn chu kỳ kiến thiết cơ bản. Huyện cũng đã phối hợp với các công ty cao su trên địa bàn tổ chức tập huấn kỹ thuật thâm canh, chăm sóc, kỹ thuật cạo mủ, sử dụng giải pháp kích thích mủ bằng chất Etephone, phòng trừ bệnh nấm hồng, bệnh loét sọc mặt cạo trong canh tác cây cao su cho bà con các dân tộc. Do được chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật nên hàng trăm ha cao su tiểu điền đã được đưa vào kinh doanh khai thác mủ trước thời hạn.

Chăm sóc vườn cao su giống tại Công ty Cao su Đắk Lắk. Ảnh: Hồng Kỳ - TTXVN


Không chỉ phát triển cây cao su, đồng bào dân tộc nơi đây đã biết xen canh, tăng vụ, để tăng năng suất cây trồng. Khi diện tích cây cao su tiểu điền chưa khép tán, đồng bào các dân tộc đã trồng xen các loại cây công nghiệp ngắn ngày như đậu tương, lạc, ngô lai để vừa tăng thêm độ mùn cho đất, đồng thời, tăng thêm nguồn thu nhập. Nhiều hộ ở vùng sâu, vùng xa... trước đây thuộc diện hộ nghèo nhưng nay phát triển cao su tiểu điền đã trở thành tỷ phú.

Được biết, ngoài diện tích cao su tiểu điền, trên địa bàn huyện Ea H’Leo cũng đã có trên 2.000 ha cao su đại điền của các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho trên 500 lao động là đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ, góp phần nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Thành công từ giống cũ - cách làm mới

Không phải cao su như ở Ea H’Leo (Đắk Lắk), mà đồng bào dân tộc của huyện Hải Hà (Quảng Ninh) những năm gần đây, đã đổi đời bằng cây chè.

Cây chè vốn đã có mặt ở Hải Hà gần 50 năm qua. Nhưng trước năm 2004, toàn huyện chỉ có 95 ha chè, nhiều diện tích trồng chè đã bị người dân chặt bỏ vì các giống chè trung du lá nhỏ, tuổi đời từ 40 - 50 năm, năng suất, chất lượng thấp. Mặt khác, do sản xuất nhỏ lẻ, tiêu thụ khó khăn nên nhiều gia đình không có tiền đầu tư phân bón, chăm sóc chè, làm cây chè không phát triển được.

Trước nguy cơ vùng chè rơi vào hoang hóa, huyện Hải Hà đã xây dựng một đề án để “cứu” vùng chè. Các xã, các ngành, đoàn thể vào cuộc tuyên truyền vận động người dân giữ lại và chăm sóc diện tích chè hiện có, đưa cây này trở thành cây xóa đói giảm nghèo ở vùng đất biên giới Hải Hà. Mục tiêu của đề án là tiếp tục tăng diện tích trồng mới, hoàn thành chỉ tiêu phát triển 1.000 ha vùng nguyên liệu chè đến năm 2010. Với diện tích chè trồng mới, ngoài 12 triệu đồng/ha do tỉnh hỗ trợ, huyện còn hỗ trợ thêm 3 triệu đồng/ha cho bà con. Doanh nghiệp hỗ trợ người dân bằng cách thu mua chè nguyên liệu, nâng giá thu mua; thu hút vốn nước ngoài đầu tư hỗ trợ bà con chế biến chè. Nhờ có “cú hích” này, vùng chè Hải Hà giờ đây đã xanh thẳm một màu, diện tích không ngừng được mở rộng. Hiện toàn huyện có hơn 1.000 héc ta chè đang thu hoạch, tập trung nhiều ở xã Quảng Long, Quảng Thịnh, Quảng Thắng... với hơn 90% số hộ dân thu nhập chính từ cây chè. Năm 2010, Hải Hà đạt sản lượng trên 5.000 tấn chè, đây là một con số ấn tượng đối với người trồng chè ở vùng biên trong nhiều năm qua.

Xã Quảng Long hiện có 400 ha canh tác, trong đó có tới 300 ha trồng chè, chủ yếu là các giống: Ngọc Thúy, chè lai NDP1 và chè trung du lá nhỏ. Ông Phạm Thanh Hải, Phó chủ tịch xã Quảng Long cho biết, năm 2010, cây chè đã cho doanh thu 60 tỷ đồng. Nhờ cây chè, nhiều hộ ở đây đã trở thành triệu phú, tỷ lệ hộ nghèo ở Quảng Long mấy năm nay đã giảm đáng kể. Chị Hoàng Thị Phượng, tham gia trồng chè cách đây 15 năm, cho biết: Gia đình hiện có một mẫu chè đang trong mùa thu hoạch, dự kiến thu khoảng 8 tấn chè tươi, với giá từ 4.000 - 6.000 đồng/kg, thì gia đình cũng có một món kha khá để trang trải, mua sắm vật dụng trong gia đình. Chị Phượng cho biết thêm: Trồng chè đơn giản hơn nhiều so với trồng một số cây hoa màu khác, ít bị sâu bệnh, chịu được hạn, đầu tư chi phí không cao nhưng lại cho thu nhập ổn định, thậm chí cao hơn nhiều loại cây khác.

Mỗi địa phương một cách làm, mỗi vùng đất một loại cây thích hợp, nhưng có một điểm chung là bằng sự cần cù, chịu khó, bằng nỗ lực vươn lên của mỗi người, mỗi gia đình; cộng với những sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các chính sách của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương, đồng bào dân tộc đang vươn lên xóa nghèo, phát triển kinh tế, đảm bảo cuộc sống của mình, góp phần vào sự giàu đẹp của đất nước.

TTN