06:23 06/06/2011

Nhiều tuyến đê tiếp tục bị xâm hại

Là nơi tập trung đông dân cư, lại có nhiều sông ngòi, việc phòng chống lụt bão tại Hà Nội năm nay càng trở nên cấp thiết, nhất là khi dự báo thời tiết, thủy văn cho thấy sẽ có nhiều bất thường, trái quy luật.

Là nơi tập trung đông dân cư, lại có nhiều sông ngòi, việc phòng chống lụt bão tại Hà Nội năm nay càng trở nên cấp thiết, nhất là khi dự báo thời tiết, thủy văn cho thấy sẽ có nhiều bất thường, trái quy luật. Công tác phòng chống lụt bão vừa được UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo gấp rút. Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian vừa qua, tình trạng xâm hại đê điều tại các tuyến sông trọng yếu ở Hà Nội vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Nhiều vi phạm

Theo ông Hà Đức Trung, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội, trên toàn thành phố có 469,9 km đê các loại, trong đó đê cấp đặc biệt là 37,7 km, đê cấp I là 211,6 km, đê cấp II là 67,5 km, đê cấp III là 87,3 km, đê cấp IV là 65,8 km. Trong 5 tháng đầu năm, toàn thành phố xảy ra 165 vụ vi phạm Luật Đê điều, nhưng các địa phương mới chỉ xử lý được 6 vụ.

Ngôi nhà kiên cố vi phạm hành lang bảo vệ đê ở xã Sơn Công trên địa bàn huyện Ứng Hòa (Hà Nội). Ảnh: Xuân Trường


Theo ông Trung, những vi phạm pháp luật về đê điều tập trung chủ yếu trên các tuyến đê tả sông Đáy, tả - hữu sông Hồng... Các hình thức vi phạm chủ yếu là lấn chiếm hành lang bảo vệ đê, làm nhà ở, lều quán bán hàng, sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng, xẻ đê làm dốc, xây dựng công trình trái phép trong chỉ giới thoát lũ... Đáng chú ý, có những vụ vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn công trình đê điều. Những địa bàn có nhiều vi phạm cũng được “điểm mặt” như: Ứng Hòa, Ba Vì, Phú Xuyên, Thường Tín, Sơn Tây, Phúc Thọ, Từ Liêm, Hoàng Mai. Đáng chú ý, gần đây xảy ra một số vụ vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn công trình đê điều như tình trạng tập kết vật liệu tại khu vực kè Hồng Hậu, phường Phú Thịnh (thị xã Sơn Tây) là nguyên nhân chính gây ra sự cố lún sụt, đe doạn an toàn đê hữu Hồng; xây dựng công trình trái phép tại khu vực bãi giữa sông Hồng thuộc phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm); tình trạng đổ đất, phế thải xây dựng với quy mô lớn, xây nhà xưởng trái phép ở bãi sông, trong chỉ giới thoát lũ sông Hồng tại khu vực cầu Thanh Trì (phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai)...

"Vi phạm pháp luật về đê điều là rất nhức nhối và việc xử lý vẫn đang dậm chân tại chỗ", ông Trung thừa nhận. Bên cạnh đó, vài năm gần đây không có lũ lớn, đê luôn khô nên tiềm ẩn nhiều ẩn họa có thể xảy ra khi có mưa bão, lũ lớn. Trên các tuyến đê của thành phố còn 7 trọng điểm và 11 điểm xung yếu cần phương án bảo vệ trong mùa mưa 2011.

Trách nhiệm chính vẫn thuộc về địa phương

Để xảy ra tình trạng vi phạm đê điều nhiều nhưng việc xử lý ít, trách nhiệm chính, theo ông Trung, thuộc về địa phương có tuyến đê đi qua. Ông Trung quả quyết: “Hơn ai hết, họ là người nắm địa bàn, nếu địa phương nào làm kiên quyết thì vi phạm nơi đó ít xảy ra, còn nơi nào lơ là thì tình trạng vi phạm tái diễn thường xuyên. Cũng có trường hợp thuộc trách nhiệm của các cơ quan chuyên ngành như Chi cục đê điều, hạt quản lý đê khi chưa kịp thời phát hiện các vi phạm”.

Cũng theo ông Trung, một vài địa phương cũng không nắm hết pháp luật, còn tạo điều kiện để xin cấp phép cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh khu vực đê điều. Bên cạnh đó là tình trạng né tránh trách nhiệm trong kiểm tra xử lý; chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý và chính quyền các cấp dẫn đến tình trạng xử lý hạn chế, việc xử phạt còn nhẹ khiến tính răn đe, giáo dục không cao. Được biết, thành phố Hà Nội đã thành lập một ban chỉ đạo chung và từ nay đến 25/7 sẽ ra quân xử lý quyết liệt các vi phạm về đê điều và phòng chống lụt bão.

Xuân Cường - Võ Hải