03:16 17/03/2017

Nhiều trường học chưa hợp tác trong quản lý an toàn thực phẩm

Nhiều trường học vẫn chưa hợp tác với cơ quan quản lý an toàn thực phẩm trong việc thanh kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đây là thực trạng được bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Phó chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh nêu ra tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố về việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm, diễn ra ngày 17/3.

Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, hiện trên địa bàn Thành phố có 3.220 bếp ăn tập thể, căng tin và 158 cơ sở cung cấp suất ăn sẵn cho các khu chế xuất, khu công nghiệp và trường học. Trong 2 năm 2015 và 2016, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thành phố đã thanh tra, kiểm tra 5.391 cơ sở, xử lý 482 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt trên 2 tỷ đồng.

Ngoài ra, để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm xảy ra, Chi cục phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo và Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp xây dựng hệ thống tự kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng năm đều tập huấn cho cán bộ quản lý và nhân viên trực tiếp chế biến thực phẩm tại bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết thêm: Khi triển khai trong ngành giáo dục còn gặp những rào cản nhất định do một số Phòng giáo dục quận, huyện không triển khai hệ thống tự kiểm tra với lí do không có nhân sự thực hiện.

Ngoài ra trong quá trình thanh tra, kiểm tra tại các trường học, một số trường không chịu hợp tác do sợ bị chấm điểm thấp và ảnh hưởng đến thành tích thi đua. Trong năm 2016, đã ghi nhận 2 vụ ngộ độc thực phẩm lớn tại Trường tiểu học Trần Quang Khải (Quận 1) với 72 học sinh bị ngộ độc và Trường tiểu học Trương Công Định (Quận 6) với 55 học sinh nhập viện.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sẽ có buổi làm việc với Sở Giáo dục - Đào tạo Thành phố để giải quyết.

Ngoài ra, theo báo cáo của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, trong 2 năm 2015 và 2016 đã thanh tra, kiểm tra 86.892 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, cơ sở ăn uống và phát hiện 29.707 cơ sở vi phạm (chiếm 34,2%), đã xử phạt 4.334 cơ sở vi phạm với số tiền gần 25 tỷ đồng.

Lý giải về lý do phát hiện 29.707 cơ sở vi phạm nhưng chỉ xử phạt 4.334 cơ sở, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết nhiều trường hợp lực lượng kiểm tra ở tuyến phường, xã phát hiện vi phạm nhưng không tiến hành xử phạt.

“Một phần do quen biết nhau, thậm chí là người nhà của người này người kia, một phần là do không nắm rõ các quy định pháp luật nên không dám xử phạt, sợ bị người dân kiện cáo, gây phiền phức và mất uy tín”, bà Mai cho hay.

Trước tình hình đó, ông Phạm Đức Hải yêu cầu Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường xử phạt các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm để tạo tính răn đe cũng như thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, sự không khoan nhượng đối với các hành vi vi phạm quy định an toàn thực phẩm. Đồng thời ông Hải cho rằng Sở Y tế cần thay đổi cách truyền thông đến người dân trong việc chống lại thực phẩm không an toàn.

“Cần thay đổi cách truyền thông, hướng tới truyền thông “1 đối 1”, đến tận nhà người sản xuất, kinh doanh thực phẩm để trao đổi chứ không phải truyền thông theo kiểu dán được bao nhiêu pano, áp phích tuyên truyền, thực hiện bao nhiêu phóng sự truyền thông”, ông Hải nhấn mạnh.

Đinh Hằng (TTXVN)