11:14 07/11/2011

Nhiều rủi ro nếu cư trú, làm việc bất hợp pháp

“Nếu trốn ở lại làm việc bất hợp pháp thì có đủ thứ nguy hiểm rình rập người lao động. Nhưng nếu về nước thì sẽ có nhiều cơ hội việc làm và được tạo điều kiện để đi sang Hàn Quốc tiếp, nếu muốn”, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Cục trưởng Cục QLLĐNN khẳng định.

“Nếu trốn ở lại làm việc bất hợp pháp thì có đủ thứ nguy hiểm rình rập người lao động. Nhưng nếu về nước thì sẽ có nhiều cơ hội việc làm và được tạo điều kiện để đi sang Hàn Quốc tiếp, nếu muốn”, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh (ảnh) - Cục trưởng Cục QLLĐNN khẳng định.

´Thưa Cục trưởng, nhiều lao động Việt Nam đã hết hạn hợp đồng nếu vẫn ở lại cư trú bất hợp pháp thì sẽ đối mặt với những nguy cơ gì?

Có đủ thứ nguy hiểm rình rập đối với những người đang cư trú và làm việc bất hợp pháp.

Nếu cảnh sát hoặc các cơ quan chức năng của nước bạn phát hiện, họ lập tức bị trục xuất. Và pháp luật Hàn Quốc quy định, những ai đã vi phạm pháp luật Hàn Quốc thì sẽ không được sang Hàn Quốc làm việc tiếp.

Thứ hai, trong quá trình ở lại bất hợp pháp nếu xảy ra rủi ro, lao động sẽ không được bảo hiểm. Như chúng ta đã biết, mỗi lao động hợp pháp theo chương trình EPS đều có một bảo hiểm tai nạn rủi ro. Nếu bị tai nạn giao thông thì họ sẽ được bảo hiểm chi trả. Mức chi trả cao nhất đối với trường hợp tử vong là 3 triệu won tức khoảng 30.000 USD. Còn nếu ra khỏi hợp đồng, mọi rủi ro, người lao động phải tự chịu. Nếu phải vào bệnh viện, họ phải bỏ tiền túi.

´Thưa ông, Cục QLLĐNN đã và đang có những giải pháp nào để giảm thiểu và ngăn ngừa tình trạng lao động của mình cư trú và làm việc bất hợp pháp tại nước bạn?

Chúng tôi đã và đang tiến hành nhiều biện pháp. Trước hết là vận động số lao động đang làm việc bất hợp pháp về nước. Ở bên Hàn Quốc, Trung tâm lao động ngoài nước phối hợp với Ban Quản lý lao động ngoài nước tại Hàn Quốc tổ chức những sinh hoạt cộng đồng ở nơi có nhiều lao động Việt Nam để tuyên truyền cho họ biết. Còn ở trong nước, Cục phối hợp với chính quyền địa phương đến tận nhà các gia đình có người thân đi Hàn Quốc tuyên truyền để họ khuyên nhủ người thân về nước đúng hạn.

´Đối với kỳ kiểm tra tiếng Hàn sắp tới, chúng ta có chế tài nào ràng buộc người lao động, buộc họ hết hạn hợp đồng phải tự nguyện về nước không, thưa ông?

Hiện nay, trong Luật người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã có chế tài đối với lao động vi phạm hợp đồng, vi phạm pháp luật ở nước ngoài. Tuy nhiên, hiệu quả chưa cao.

Như chúng tôi đã thông tin, chương trình EPS không thông qua bất kỳ cơ quan lợi nhuận nào mà chỉ thông qua các cơ quan dịch vụ công, ở đây là Trung tâm lao động ngoài nước, như vậy là giảm chi phí cho người lao động. Chương trình EPS đã được Liên hợp quốc công nhận là chương trình dịch vụ công tốt nhất. Cũng có ý kiến đặt ra nên chăng chúng ta có những quy định ràng buộc về mặt kinh tế đối với lao động tham gia chương trình này, ví dụ, buộc họ phải bảo lãnh bằng tiền hoặc tương tự. Tuy nhiên, việc này chúng tôi còn xem xét.

Hàn Quốc vừa có một quyết định là những người lao động về nước theo đúng thời hạn hợp đồng thì sẽ được tạo điều kiện tiếp cho họ có thể sang Hàn Quốc làm việc. Theo chương trình EPS, người lao động thuộc diện trên được kiểm tra tiếng Hàn qua máy tính mà không cần phải đợi tới đợt kiểm tra định kỳ hàng năm như lâu nay chúng ta vẫn tổ chức. Phía bạn đã trang bị một hệ thống máy tính dành riêng cho công tác này và việc kiểm tra này sẽ làm được thường xuyên hàng tháng, chứ không phải mỗi năm 1- 2 lần. Đợt kiểm tra đầu tiên theo hình thức này sẽ tiến hành trong tháng 12/2011 sắp tới. Chúng tôi sẽ thông tin cụ thể sau.

Những người đã trở về đúng hạn, không vi phạm gì thì có thể đăng ký với Trung tâm lao động ngoài nước để được tham gia kiểm tra theo hình thức đó. Sau khi kiểm tra, nếu đạt, sẽ lại được làm hồ sơ gửi đi ứng tuyển bình thường.

Xin cảm ơn Cục trưởng!

Cân nhắc trước nhiều lựa chọn Theo Cục QLLĐNN, mỗi năm Hàn Quốc đồng ý tiếp nhận khoảng 15.000 - 16.000 lao động của Việt Nam. Đó là năm mà kinh tế Hàn Quốc phát triển tốt. Còn những năm khủng hoảng thì nhận ít hơn. Trong khi đó, cả nước ta có khoảng 50.000 - 70.000 người có nhu cầu đi làm việc ở Hàn Quốc. Như vậy, sẽ có khoảng 30.000 - 40.000 người đã mất công đi học tiếng Hàn, dự kỳ thi tiếng Hàn rồi mà cuối cùng không đi sang làm việc được. “Có nhiều lao động thi hết lần này đến lần khác, rất tốn kém. Chúng tôi không cấm họ thi. Nhưng người lao động phải lượng sức mình và cân nhắc. Chúng ta còn nhiều thị trường khác để lựa chọn. Có những thị trường thu nhập không được như Hàn Quốc, nhưng điều kiện yêu cầu người lao động phải có thì không quá cao”, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh nói.