09:23 26/09/2011

Nhiều rủi ro khi mua vàng

Giá vàng biến động mạnh và cao hơn nhiều so với giá thế giới (có lúc tới 5 triệu đồng/lượng), nhưng hôm qua (26/9) người dân vẫn đổ xô đi mua vàng, nhất là trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm đang bị “kìm nén”.

Giá vàng biến động mạnh và cao hơn nhiều so với giá thế giới (có lúc tới 5 triệu đồng/lượng), nhưng hôm qua (26/9) người dân vẫn đổ xô đi mua vàng, nhất là trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm đang bị “kìm nén”. Tuy nhiên, không ít người băn khoăn về sự rủi ro khi đầu tư vàng vì chênh lệch quá xa giữa giá vàng trong nước và thế giới.

Khách mua đông nghẹt

Lúc 8 giờ 30 phút ngày 26/9 tại Hà Nội, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn được niêm yết ở mức 44,8- 45,2 triệu đồng/lượng. Cùng lúc đó, giá vàng SBJ tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sacombank giao dịch ở 44,76 - 45,34 triệu đồng/lượng, giảm khoảng 400.000 đồng/lượng so với hai ngày cuối tuần.

Mặc dù trời mưa, nhiều người vẫn đổ xô đi mua vàng (ảnh chụp lúc 17 giờ 35, ngày 26/9 tại Bảo Tín Minh Châu, Hà Nội). Ảnh: Lê Phú


Vào 14 giờ, giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh theo giá vàng thế giới. Tại cửa hàng Bảo Tín - Minh Châu, giá thu mua vàng chỉ còn 41,5 triệu đồng, giảm tới 3 triệu đồng so với đầu giờ sáng. Trong khi đó, giá bán ra cao hơn gần 2 triệu đồng/lượng. Lúc 14 giờ 16 phút, doanh nghiệp Phú Quý báo giá mua và bán vàng ở 41,8 - 43,3 triệu đồng, khoảng cách giữa giá mua và bán được đẩy cao tới 2,5 triệu đồng.

Trao đổi với Tin Tức chiều 26/9, Phụ trách kinh doanh của Công ty Bảo Tín Minh Châu, ông Trần Nhật Nam, cho biết: Khách hàng tới mua vàng rất đông, chiếm tới 80%. Theo ông Nam, nhu cầu vàng trong nước còn rất lớn, đặc biệt nếu giá vàng biến động mạnh (tức là giảm sâu và lại có xu hướng tăng) thì lượng khách giao dịch sẽ tăng đột biến. Đề cập tới giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá thế giới nhiều (3- 5 triệu đồng/lượng), ông Nam cho rằng: Các cửa hàng thương mại kinh doanh vàng vẫn phải mua vàng nhập khẩu từ các đối tác với giá cao nên vẫn phải bán cao. Hôm qua (ngày 26/9), có lúc giá vàng thế giới mất 70 USD/ounce nhưng cũng lại nhanh chóng bật ngược trở lại.

Giá vàng lao dốc “không phanh” vào thời điểm sáng và đầu giờ chiều 26/9 đã khiến nhiều người đứng ngồi không yên. Bất chấp trời Hà Nội mưa tầm tã, người dân vẫn đổ xô đi mua. Từ sáng sớm, khách hàng đã đến chen chân tại các cửa hàng vàng bạc lớn. Theo Công ty vàng bạc Phú Quý tại Hà Nội, lượng người đi mua vàng đã gia tăng từ cuối tuần trước khi giá bắt đầu lao dốc.

Tuy nhiên, đến 16 giờ 15 phút, giá vàng lại bất ngờ bật tăng trở lại khoảng 2,5 triệu đồng/lượng và được giao dịch ở mức 45,50 triệu đồng/lượng. Cụ thể: 16 giờ 50 phút, giá vàng Bảo Tín Minh Châu mua vào và bán ra ở mức 44,5- 44,6 triệu đồng/lượng; giá SJC ở Hà Nội dao động ở mức 44,8- 45,8 triệu đồng/lượng.

Vàng có bị làm giá?

Hơn 1 tuần trở lại đây, giá vàng trong nước liên tục cao hơn vàng thế giới đến vài triệu đồng/lượng. Đặc biệt vài ngày gần đây, giá vàng trong nước có thời điểm cao hơn vàng thế giới 4- 5 triệu đồng/lượng. Các doanh nghiệp cho rằng: Sở dĩ có hiện tượng này là do họ đang phải gánh một khoản phí chờ, một loại chi phí để các doanh nghiệp được gia công vàng theo một thương hiệu dễ mua bán trên thị trường.

Đại diện Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cho biết: Hiện người tiêu dùng chủ yếu mua vàng miếng SJC, con số này chiếm tới 85%. Các doanh nghiệp, ngân hàng khi được cấp giấy phép nhập khẩu về lại phải gia công lại thành vàng miếng SJC. Trong khi đó, năng lực sản xuất của Công ty SJC thì lại có hạn cho nên hầu hết đều phải chờ đợi, dẫn tới khan cung- cầu và đẩy giá tăng.

Theo Hiệp hội kinh doanh vàng, hiện nay việc định giá trên thị trường của các doanh nghiệp chưa được quy định chặt chẽ nên rất dễ xảy ra tình trạng làm giá. Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng khẳng định: Khi giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới trên 400.000 đồng/lượng là có hiện tượng đầu cơ, làm giá.

TS Vũ Đình Ánh (Viện Kinh tế Việt Nam) cho rằng: Với cơ chế hiện nay, ngay cả khi doanh nghiệp được cấp hạn ngạch (quota), rất có thể họ không nhập ngay vàng vào mà họ cân đối trong hoạt động của họ với mục tiêu vì lợi nhuận lên hàng đầu, chứ không phải nhập khẩu vàng để bình ổn giá. Theo ông Ánh, vàng là một loại tiền tệ đặc biệt, cần có đầu mối thống nhất quản lý vàng giống như quản lý tiền tệ. Bên cạnh đó cần tổ chức sắp xếp lại thị trường vàng, giải quyết được vấn đề liên thông giữa giá vàng trong nước và thế giới thì mới giải quyết được những hạn chế của thị trường hiện nay.

M.Phương - Đ.Huyền