10:14 17/10/2010

Nhiều rào cản nuôi con bằng sữa mẹ

Do nhiều rào cản khác nhau, hiện Việt Nam có tỷ lệ bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu rất thấp, chỉ đạt 10%.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trẻ sơ sinh cần được cho bú sớm (trong vòng 1 giờ đầu sau khi sinh) và được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời, sau đó ăn bổ sung hợp lý nhưng vẫn duy trì cho bú mẹ đến 24 tháng tuổi. Tuy nhiên, hiện chỉ có 10% trẻ em Việt Nam được chăm sóc theo như khuyến cáo của WHO.

Rào cản tâm lý, rào cản pháp lý

“Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu chỉ dao động trong khoảng 10%”, bà Hoàng Kim Thanh, đại diện Viện Dinh dưỡng quốc gia, khẳng định tại buổi lễ triển khai Tuần lễ Thế giới nuôi còn bằng sữa mẹ do Bộ Y tế chủ trì cuối tuần trước, tại Hà Nội.

Hiện nay, rào cản ảnh hưởng đến việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ dễ thấy nhất đó là các bà mẹ vẫn bị ảnh hưởng bởi quan niệm phải cho trẻ ăn bột sớm thì mới cứng cáp. Nhiều bà mẹ lại không rõ liệu mình có đủ sữa để có thể nuôi dưỡng và cho con bú đến 6 tháng tuổi không. Vì vậy, các bà mẹ thường cho trẻ ăn bổ sung thêm bằng các loại sữa bột và các thức ăn khác khi trẻ mới 3- 4 tháng tuổi.

Một số bà mẹ (ở thành phố) không muốn cho con bú vì sợ ảnh hưởng đến sắc đẹp. Đối với các bà mẹ là công nhân viên chức, quy định được nghỉ thai sản 4 tháng cũng là một thách thức cho việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.

Đặc biệt, công tác quản lý quảng cáo các sản phẩm sữa hiện cũng chưa được chặt chẽ. Bà Đỗ Hồng Phương, cán bộ Chương trình vì sự sống còn và phát triển của trẻ em của UNICEF tại Việt Nam cũng cho rằng, hiệu quả của việc khuyến khích các bà mẹ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ của các chính sách, hành lang pháp lý. Nhưng hiện có khá nhiều quy định trong Nghị định số 21/2006/NĐ-CP ngày 27/2/2006 về việc kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ cần được điều chỉnh.

Quy định tại Nghị định 21 nêu rõ, nhân viên y tế và các cơ sở y tế không được phép tư vấn cho bà mẹ sử dụng sữa bột hoặc các loại sữa thay thế sữa mẹ (trừ khi có chỉ định của bác sỹ). Nhân viên y tế không được nhận quà hoặc các tài liệu quảng cáo từ các công ty sữa. Các cơ sở y tế không được bán sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh hoặc trưng bày tài liệu quảng cáo cho các sản phẩm đó, ngoại trừ tại nhà thuốc bệnh viện (BV)…

Nhưng thực tế, nhiều BV vẫn bày bán sữa cho trẻ sơ sinh. Không ít cán bộ y tế còn “nhắc nhở” bà mẹ cho trẻ uống thêm sữa ngoài. Đến nay, cũng chưa có quy định rõ ràng trong việc các cơ sở y tế tiếp nhận tài trợ của các hãng sữa để tổ chức hội thảo hay các hoạt động nghiên cứu…

“Kết quả kiểm tra việc thực hiện Nghị định 21 cho thấy, hầu hết các BV thiếu áp phích, tờ rơi truyền thông về nuôi con bằng sữa mẹ. Một số bệnh viện treo áp phích và đồng hồ có tên và biểu tượng của các hãng sữa dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi. Quảng cáo về một số sản phẩm sữa còn khẳng định sữa sản xuất tốt hơn sữa mẹ, nội dung quảng cáo không phù hợp với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Đoàn kiểm tra đã tiến hành xử lý những doanh nghiệp quảng cáo sữa sai quy định. Nhưng đối với các cán bộ y tế có hành vi tiếp tay cho doanh nghiệp thì không bị xử phạt vì… chưa có quy định”, ông Nguyễn Hào Hiệp, Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế cho biết thêm.

Bệnh viện bạn hữu trẻ em

Đại diện Bộ Y tế cho hay, ngay từ năm 1992, Việt Nam đã hưởng ứng và thực hiện sáng kiến BV Bạn hữu trẻ em của UNICEF/WHO nhằm khuyến khích các cơ sở sản khoa và nhi khoa tăng cường hỗ trợ các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ. Nhưng tới nay, chỉ có 59 BV đa khoa, chuyên khoa sản, nhi tuyến TƯ và tỉnh trong số 12.146 BV (tương đương gần 1%) đã được cấp giấy chứng nhận BV Bạn hữu trẻ em.

Điều đáng nói là sau khi được công nhận là BV Bạn hữu trẻ em, nhiều BV chưa chú trọng duy trì 10 điều kiện nuôi con bằng sữa mẹ. “Nguyên nhân chính là do các BV vẫn thụ động, chỉ làm tốt khi có kinh phí hỗ trợ. Ngay một số cán bộ y tế cũng bị ảnh hưởng của việc quảng cáo sản phẩm từ các hãng sữa. Về phía Trung ương, do hạn chế về nguồn lực nên việc giám sát, đánh giá và tiếp tục hỗ trợ các BV còn gặp nhiều khó khăn”, ông Nguyễn Đức Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế, giải thích.

Kế hoạch hành động vì sự sống còn của trẻ em đã đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ đạt được tỷ lệ 50% trẻ em Việt Nam được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu. Để từng bước thực hiện mục tiêu này, ông Nguyễn Đức Vinh cho biết, thời gian tới Bộ Y tế sẽ xây dựng và ban hành quy định Hướng dẫn thực hiện 10 điều kiện nuôi con bằng sữa mẹ tại các cơ sở y tế, đưa tiêu chí chấm điểm BV Bạn hữu trẻ em vào việc chấm điểm, đánh giá chất lượng BV hàng năm. Tăng cường đào tạo nâng cao kiến thức và kỹ năng cho nhân viên y tế thực hiện 10 điều kiện nuôi con bằng sữa mẹ. Triển khai thí điểm để nhân rộng mô hình triển khai 10 điều kiện nuôi con bằng sữa mẹ tại các cơ sở y tế tuyến xã, cộng đồng…