01:11 06/01/2011

Nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao

Sau hơn 2 năm thực hiện, dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất và chế biến chè chất lượng cao tại vùng núi cao Huồi Tụ, Kỳ Sơn" do kỹ sư Nguyễn Trọng Cảnh, Tổng đội TNXP 8 - XDKT Nghệ An...

Nghệ An: Sau hơn 2 năm thực hiện, dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất và chế biến chè chất lượng cao tại vùng núi cao Huồi Tụ, Kỳ Sơn" do kỹ sư Nguyễn Trọng Cảnh, Tổng đội TNXP 8 - XDKT Nghệ An làm chủ đề tài đã được Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An nghiệm thu đánh giá xuất sắc.

Trong quá trình thực hiện dự án, 7 lớp tập huấn đã được tổ chức với 350 lượt người tham gia; 18 cán bộ kỹ thuật được đào tạo về quy trình công nghệ và kỹ thuật chế biến chè xanh, đồng thời chọn tạo được 2 giống chè chất lượng cao là Shan Chất Tiền và Shan Tham Vè; xây dựng vườn ươm vô tính với gần 2.000 bầu, đảm bảo chất lượng giống tốt tại chỗ cho bà con trên địa bàn.

Dự án cũng xây dựng mô hình trồng mới theo hướng sản xuất an toàn trên diện tích 5 ha với 2 giống Shan Chất Tiền và Shan Tham Vè và mô hình cải tạo vườn chè cũ trên diện tích 40 ha, tăng mật độ từ 3.000 cây lên 3.500 cây/ha, năng suất sau khi cải tạo tăng bình quân 2,94 tấn/ha, tăng 36,74% so với năng suất chè cũ. Dự án áp dụng công nghệ chế biến tiên tiến hơn nên từ 1.000 kg búp tươi/ngày đã chế biến thành sản phẩm được 208,3 kg chè búp khô, theo công nghệ cũ chỉ thu được 192,3 kg chè búp khô.

Mô hình trồng chè chất lượng cao tại Huồi Tụ (Kỳ Sơn). Ảnh: Mỹ Hà


Dự án thành công đã nâng cao giá trị sản phẩm và thực hiện tốt công tác tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân, góp phần thúc đẩy phong trào phát triển và mở rộng việc trồng chè tuyết Shan trên địa bàn xã Huồi Tụ và các xã thuộc vùng núi cao của huyện Kỳ Sơn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số xã Huồi Tụ nói riêng, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) nói chung.

Đồng bằng sông Cửu Long: Mô hình trồng chanh bông tím ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đang rất hấp dẫn nông dân bởi mang lại hiệu quả kinh tế cao và thị trường tiêu thụ luôn rộng mở.


Theo các nhà vườn vùng đồng bằng sông Cửu Long, hiện thương lái đến tận vườn thu mua chanh bông tím với giá 6.000 - 8.000 đồng/kg; cá biệt thời điểm mùa nắng nóng, giá tăng đến hơn 20.000 đồng/kg.

Với giá ổn định ở mức cao, nhà vườn trồng chanh bông tím có nguồn thu nhập 300 triệu đồng/ha/năm. Chanh bông tím là giống chanh mới cho năng suất, sản lượng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng; bình quân mỗi ha đất trồng chanh đạt năng suất 10-12 tấn/ha/năm.


Đây là động lực giúp nhà vườn áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh, chăm sóc phù hợp, đặc biệt là tác động cho chanh ra trái nghịch mùa, nghịch vụ để đạt giá trị kinh tế cao.

Hiện nay các nhà vườn ở đồng bằng sông Cửu Long đã trồng được hàng nghìn ha chanh bông tím; chỉ tính riêng ở 3 tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre có trên 3.000 ha chanh bông tím.


Nhiều nhà vườn đang phá bỏ các vười cây ăn trái kém hiệu quả để chuyển sang trồng chanh bông tím cho thu nhập cao hơn.

Viết Hùng - Công Trí