11:15 21/11/2011

Nhiều hoạt động văn hóa tại các điểm di sản khu phố cổ

Từ 18- 23/11, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tại 4 điểm di sản: Đình Đồng Lạc - 38 Hàng Đào; Trung tâm Thông tin Phố cổ - 28 Hàng Buồm; Ngôi nhà Di sản - 87 Mã Mây và Đình Kim Ngân 42 - 44 Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm...

Nhân dịp kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11), từ ngày 18 đến hết ngày 23/11, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tại 4 điểm di sản: Đình Đồng Lạc - 38 Hàng Đào; Trung tâm Thông tin Phố cổ - 28 Hàng Buồm; Ngôi nhà Di sản - 87 Mã Mây và Đình Kim Ngân 42 - 44 Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân Hà Nội cũng như khách tham quan.

Khách tham quan triển lãm y phục và phục dựng y phục cung đình. Ảnh Minh Đức- TTXVN

Tại Đình Đồng Lạc - 38 Hàng Đào, Ban quản lý phố cổ Hà Nội “Giới thiệu y phục cung đình” qua bàn tay của nghệ nhân Vũ Giỏi, làng Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội. Đó là long bào thời Nguyễn, Lý, Trần, Lê… với số lượng lên tới trên 20 bộ. Đây là thành quả của hơn 10 năm phục dựng của nghệ nhân Vũ Giỏi, sau quá trình tìm kiếm và sự giúp đỡ của các nhà sưu tầm, nhà nghiên cứu. Bộ sưu tập y phục cung đình đã đem đến cho người xem cái nhìn về một sắc thái văn hóa và lịch sử đầy biến động của các triều đại Việt Nam.

Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây “Giới thiệu phục chế đồ đồng Đông Sơn” nhằm tái hiện không gian sống, nếp sinh hoạt và không gian văn hóa của người Hà Nội xưa thông qua những bộ sưu tập công cụ sản xuất, tác phẩm nghệ thuật bằng đồng. Khách tham quan còn được trò chuyện, tiếp xúc với các nghệ nhân làng nghề đúc đồng Đông Sơn, Thanh Hóa để hiểu rõ thêm về nền văn hóa Đông Sơn.

Khách tham quan triển lãm ảnh với chủ đề “Cổng xưa” của họa sỹ, nhiếp ảnh gia Quách Đông Phương. Ảnh Minh Đức- TTXVN.

Tại 42-44 Hàng Bạc trưng bày giới thiệu ảnh với chủ đề “Cổng xưa” của họa sỹ, nhiếp ảnh gia Quách Đông Phương. Bộ sưu tập ảnh này đã chuyển tải một nét văn hóa của làng quê Việt Nam vùng đồng bằng Bắc Bộ, bình dị, giàu truyền thống. Đó là các cổng làng với những kiểu dáng và kích thước khác nhau, thể hiện tính uy nghiêm, cốt cách, tư chất của mỗi làng quê.

Tại Trung tâm Thông tin Phố cổ Hà Nội, 28 Hàng Buồm tổ chức “Văn hóa Trà Việt” là hoạt động làm sống lại cái hồn của Phố cổ Hà Nội thông qua một sinh hoạt văn hóa mang đậm nét Hà Thành, giao hòa giữa phong cách cổ truyền với hiện đại ngày nay. Khách tham quan sẽ thấy được sự tinh tế trong nghệ thuật "ẩm" của người Hà Nội, một thú vui tinh thần tao nhã của sĩ phu Bắc Hà.

Các hoạt động văn hóa đã tôn vinh các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Khu phố cổ Hà Nội, đồng thời tuyên truyền, giới thiệu về ý nghĩa của Ngày Di sản văn hóa Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đặc trưng của người Hà Nội xưa; thu hút khách du lịch trong và ngoài nước tham quan phố cổ Hà Nội./.



Đinh Thị Thuận