09:14 25/09/2014

Nhiều hộ dân vùng sạt lở chưa được di dời

Hiện còn hàng ngàn hộ dân đang sinh sống trong vùng sạt lở ở các tỉnh vùng lũ đồng bằng sông Cửu Long cần được nhanh chóng bố trí, di dời vào các cụm tuyến dân cư và khu vực an toàn.

Hiện còn hàng ngàn hộ dân đang sinh sống trong vùng sạt lở ở các tỉnh vùng lũ đồng bằng sông Cửu Long cần được nhanh chóng bố trí, di dời vào các cụm tuyến dân cư và khu vực an toàn.

 

Một đoạn sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.


Con đường độc đạo sát sông Tiền dẫn vào 3 ấp của xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, mặc dù nước lũ về chưa mạnh, nhưng tình trạng sạt lở đã diễn ra nghiêm trọng. Có đoạn, đường bị sạt lở gần hết khiến người dân không thể đi lại được. 200 hộ dân ở 3 ấp sống dọc sông Tiền bị ảnh hưởng về đời sống. Trước tình trạng đó, UBND xã Tân Thuận đã xuất kinh phí 20 triệu đồng để mở đường đi tạm cho bà con trong các ấp.

 

 


Cách con đường bị sạt lở không xa, ông Võ Văn Be, ngụ tại ấp Tân Hậu, chỉ chúng tôi xem khu vườn trồng xoài của ông bị thiệt hại nặng nề do sạt lở. “Tôi có một công đất (1.000 m2) trồng xoài từ năm 2009 nhưng đến nay chỉ còn lại còn 500 m2. Hàng chục cây xoài đang trong giai đoạn ra quả bị đổ ngã do sạt đất mà không cách nào cứu được. Tình hình này chắc thời gian ngắn nữa là diện tích đất còn lại của tôi cũng trôi sông luôn”, ông Be bộc bạch. Gia đình ông Be nằm trong diện phải di dời khẩn cấp vào cụm, tuyến dân cư (CTDC) Tân Thuận Tây gần đó.

 

Tuy nhiên, theo ông Lê Quảng Điền, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thuận Tây, cụm Tân Thuận Tây có 200 nền và được xếp vào cụm đô thị nên định suất đầu tư cao, ngân sách của thành phố thiếu nên tiến độ chậm. Đến thời điểm này vẫn chưa thể bố trí dân vào ở. Do đó, những trường hợp những hộ dân cần di dời như ông Be vẫn phải chờ. “Chúng tôi tập trung đưa các hộ đang rơi vào tình trạng nguy hiểm vào CTDC vì các nền còn lại trong chương trình CTDC giai đoạn hai không nhiều. Trong thời gian tới, nếu tiếp tục phát sinh hộ mới mà chương trình kết thúc thì tỉnh sẽ có hướng đề nghị Trung ương cho đầu tư thêm CTDC để ưu tiên cho người dân sạt lở”, ông Đinh Xuân Hoàng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp, cho biết.


Trong mùa lũ này, hai huyện đầu nguồn lũ là Tân Hưng và Vĩnh Hưng tỉnh Long An có kế hoạch di dời hơn 1.700 hộ dân với gần 5.000 nhân khẩu đang sinh sống ở vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở lên các CTDC vượt lũ trước khi nước lũ dâng cao vào giữa tháng 10/2014. Trong khi hai con sông lớn chảy qua địa bàn tỉnh là sông Tiền và sông Hậu tình trạng sạt lở luôn xảy ra thường xuyên mỗi khi mùa lũ về. Từ đầu năm đến nay, đã có 33 xã, phường dọc sông Tiền, sông Hậu bị sạt lở với diện tích mất đất gần 8.000 m2. “Số hộ dân nằm trong vành đai sạt lở khoảng gần 2.000 hộ. Hiện tại các địa phương đã di dời được hơn 400 hộ dân, còn khoảng 1.500 hộ dân nữa sẽ tiếp tục di dời trong thời gian tới”, ông Đặng Ngọc Lợi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho biết.


Theo thông tin quan trắc của các tỉnh Đồng Tháp và Long An, nước lũ hiện đang đổ mạnh về các huyện đầu nguồn lũ. Kết quả quan trắc ghi nhận từ ngày 1/9 cho đến nay, mực nước so sánh từng ngày luôn cao hơn so với cùng thời điểm năm 2013. Để chủ động phòng chống lũ và sạt lở, các tỉnh đã có phương án ứng phó, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân. “Cái khó của chính quyền hiện nay là nhiều người dân quen sống tại vùng có nguy cơ sạt lở để đánh bắt thủy sản tự nhiên, công tác vận động họ di dời rất khó khăn. Chỉ khi nào quá nguy hiểm, mất an toàn họ mới chịu di dời”, ông Lợi cho biết. 

 

 Bài và ảnh: Anh Đức