04:10 14/04/2011

Nhiều giải pháp nhằm kiềm chế việc tăng giá các mặt hàng

Thời gian gần đây, một loạt các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu, than... tăng đã có những tác động không nhỏ đến nền kinh tế. Tuy nhiên, để thực hiện được đúng tinh thần của Nghị quyết 11, Bộ Tài chính đã đưa ra các giải pháp cụ thể để kiềm chế việc tăng giá nhiều loại mặt hàng...

 Thời gian gần đây, một loạt các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu, than... tăng đã có những tác động không nhỏ đến nền kinh tế. Tuy nhiên, để thực hiện được đúng tinh thần của Nghị quyết 11, Bộ Tài chính đã đưa ra các giải pháp cụ thể để kiềm chế việc tăng giá nhiều loại mặt hàng nhằm ổn định đời sống nhân dân từ nay đến cuối năm. Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về vấn đề này.

Thưa ông, từ ngày 1/4/2011, Bộ Tài chính đã đồng ý phương án tăng giá than thêm từ 20-40%. Ông đánh giá thế nào về mức độ ảnh hưởng của việc tăng giá than đến những mặt hàng thiết yếu khác như phân bón, giấy, xi măng...?

Việc các doanh nghiệp tăng giá than sau khi đã giữ ổn định trong hơn một năm qua là việc làm bất khả kháng khi các yếu tố hình thành giá đã thay đổi, làm cho giá than bán cho các hộ này thấp hơn nhiều so với giá than ở thị trường trong nước và giá than xuất khẩu. Tuy nhiên, mức điều chỉnh vừa qua của ngành than vẫn ở mức kiềm chế, chưa thực hiện được nguyên tắc mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra là bằng 90% giá than xuất khẩu. Nếu thực hiện ngay theo nguyên tắc này, giá than phải tăng khoảng 39,5 - 67% so với giá hiện hành.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng giá than ở mức khoảng 20 - 40%, tùy loại than như vừa qua sẽ làm tăng giá thành sản xuất xi măng khoảng từ 5,7 - 6,4% tùy từng nhà máy; giá thành sản xuất giấy tăng khoảng 3,5%; giá thành sản xuất phân lân tăng khoảng 6 - 6,4%; giá thành sản xuất phân đạm tăng khoảng 15 - 18% tùy theo thời điểm. Giá thành tăng nhưng giá bán có tăng tương ứng theo tỷ lệ này không lại còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như giá thị trường, sức mua, nhu cầu của xã hội đối với các sản phẩm này; khả năng cạnh tranh và hiệu quả quản lý của doanh nghiệp phấn đấu tiết giảm chi phí sản xuất ở mức hợp lý.

Hai tháng liên tiếp vừa qua, giá xăng trong nước đều điều chỉnh tăng với tổng mức lên tới 4.300 đồng/lít. Trong những ngày gần đây, giá dầu thế giới lại liên tục tăng cao, nếu doanh nghiệp kinh doanh tiếp tục đề xuất tăng giá trong thời gian tới thì cơ quan quản lý có chấp thuận hay không?

Xăng dầu tiêu thụ trong nước chúng ta phải nhập khẩu là chủ yếu, do vậy, giá trong nước tất nhiên phải phụ thuộc vào giá thế giới. Về nguyên tắc, xăng dầu đã thực hiện theo cơ chế thị trường sẽ phải điều hành theo tín hiệu thị trường:Giá thế giới tăng sẽ phải điều chỉnh tăng, giá thế giới giảm sẽ phải điều chỉnh giảm. Hai lần điều chỉnh giá vừa qua mới chỉ bằng khoảng 40 - 50% so với mức chi phí tăng cần phải điều chỉnh (vì Nhà nước vẫn lùi thuế nhập khẩu về 0% và không tính lãi của doanh nghiệp tại thời điểm điều chỉnh giá).

Vì vậy, phương án điều hành sẽ là: Nếu giá thế giới tăng làm cho giá cơ sở tăng cao hơn giá hiện hành bình quân 30 ngày sẽ phải điều chỉnh giá tăng để đảm bảo việc kinh doanh bình thường của doanh nghiệp; không thể cứ mua cao, bán thấp làm suy kiệt nguồn tài chính của doanh nghiệp và đẩy tình trạng buôn lậu xăng dầu thêm phức tạp. Cũng trong thời gian đó, nếu giá cơ sở giảm thấp hơn giá hiện hành sẽ phải khôi phục lại thuế nhập khẩu ở mức độ hợp lý; nếu còn dư địa sẽ thực hiện việc giảm giá bán.

Hiện chúng ta đang thực hiện lộ trình điều hành giá các mặt hàng như điện, xăng, than… Theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, để thực hiện được đúng tinh thần của Nghị quyết 11, Bộ Tài chính cần đưa ra những giải pháp cụ thể nào để kiềm chế việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân từ nay đến cuối năm?

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ, với chức năng được giao, Bộ Tài chính đã yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tăng cường công tác quản lý giá, bình ổn giá trên địa bàn. Cụ thể như các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện quy định về đăng ký giá, kê khai giá; kiểm soát các yếu tố hình thành giá, kiên quyết dừng các trường hợp tăng giá bất hợp lý so với tác động của yếu tố đầu vào; kiểm soát chặt các kênh chi tiêu từ ngân sách nhà nước; thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về giá, thuế, phí…; công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các hành vi vi phạm. Bộ Tài chính cũng có Văn bản số 2665/BTC-NSNN ngày 28/2/2011 hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 9 tháng còn lại trong dự toán năm 2011 theo tinh thần Nghị quyết 11.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy định của pháp luật về giá và thuế, phí tại 24 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc diện bình ổn giá (thép xây dựng, xi măng, khí hóa lỏng, sữa, đường, phân bón, thức ăn chăn nuôi); triển khai thanh tra tại một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, giấy in, giấy in báo, giấy viết…

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường gắn với kiểm soát, giảm thiểu tác động của việc thực hiện cơ chế giá thị trường đối với kinh tế xã hội; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội thông qua chính sách đối với người nghèo, người có thu nhập thấp; hỗ trợ đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp siêu nhỏ thông qua chính sách gia hạn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, Bộ cũng áp dụng các biện pháp giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất và giá thành như: Tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách, về thủ tục hành chính; cắt giảm thuế quan theo cam kết quốc tế; rà soát bãi bỏ các khoản thu phí, lệ phí bất hợp lý, trái pháp luật.

Bộ Tài chính cũng tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hiện quy định về đăng ký giá, kê khai giá và việc chấp hành theo quy định của pháp luật về quản lý giá; kiên quyết dừng các trường hợp đăng ký giá, kê khai giá nhưng tính giá không đúng so với quy chế tính giá, tăng giá bất hợp lý so với tác động của yếu tố đầu vào và mặt bằng giá thị trường. Ngoài ra, Bộ còn tăng cường công tác thanh, kiểm tra; chấn chỉnh việc thực hiện niêm yết giá; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thùy Dương
(thực hiện)