12:10 31/12/2010

Nhiều dự án cầu - đường vướng mắc từ đâu?

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải - GTVT), hiện đã có hàng trăm dự án cầu - đường trong cả nước được cấp phép đầu tư, với giá trị hàng ngàn tỷ đồng, nhưng không phải dự án nào cũng được triển khai theo đúng cam kết về thời gian, hồ sơ thiết kế.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải - GTVT), hiện đã có hàng trăm dự án cầu - đường trong cả nước được cấp phép đầu tư, với giá trị hàng ngàn tỷ đồng, nhưng không phải dự án nào cũng được triển khai theo đúng cam kết về thời gian, hồ sơ thiết kế.


Thậm chí nhiều dự án chậm, không thực hiện được. Đi tìm nguyên nhân không khó để “bắt tận tay, day tận trán” từng dự án, trong đó hầu hết các dự án chủ yếu “giậm chân tại chỗ” là do nhà đầu tư thiếu năng lực, vướng giải phóng mặt bằng (GPMB) và thiếu vốn…

Loay hoay!

Năm 2010, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đăng ký khởi công 17 dự án, nhưng chỉ khởi công được 14 dự án, còn 3 dự án chưa bố trí được vốn nên không khởi công được. Trong số 14 dự án đăng ký hoàn thành trong năm 2010 cũng chỉ có 11/14 dự án cơ bản hoàn thành, còn 3 dự án không thể hoàn thành do vướng GPMB.

Sau nhiều năm ách tắc, đến nay, đoạn đường nội thị 10 km qua thị xã Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn) thuộc dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 3 đã cơ bản hoàn thành việc giải phóng mặt bằng để bàn giao cho bên thi công. Ảnh: An Đăng - TTXVN


Dọc quốc lộ 1A hiện nay, tình trạng nhiều dự án cầu-đường do được triển khai bằng các nguồn vốn khác nhau, nên việc thiếu đồng bộ trong thiết kế, khập khiễng trong đầu tư, đền bù GPMB… đã khiến các dự án “ì ạch” chạy không hiếm. Nhiều dự án mà trong đó các nhà đầu tư chỉ bố trí hoặc tài trợ cho một đoạn đường nhất định, hoặc chỉ đầu tư xây dựng một số cầu.


Trong khi đó, do nhu cầu về vốn, các cơ quan liên quan, địa phương vẫn tiếp nhận và chấp nhận tình trạng trên, dẫn đến thực trạng đường chờ cầu và ngược lại hoặc “dột đâu vá đấy”.


Chẳng hạn như có dự án từ nguồn vốn Ngân hàng Thế giới (WB) giải ngân, nhằm bảo đảm cho mặt đường êm thuận, nhưng lại không bao gồm vốn đầu tư xây dựng cầu; có dự án từ nguồn vốn Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JIBIC) giải ngân lại nhằm mục tiêu khắc phục, nâng cấp cầu yếu trên tuyến…

Câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” đối với hầu hết dự án cầu-đường hiện nay đều vướng và tắc trong khâu đền bù GPMB, thực tế này không chỉ làm cản trở tiến độ các dự án, mà khiến các cơ quan chức năng đau đầu giải quyết bài toán này.


Trong các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng GTVT, khâu GPMB chủ yếu giao cho địa phương thực hiện (tiểu dự án GPMB), nhưng đây hiện đang là bài toán nan giải, là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng chậm tiến độ, hoặc hiện tượng cầu xây xong mà đường chưa có và ngược lại.

Đơn cử, dự án cầu Nhật Tân (một trong những dự án giao thông trọng điểm) tại phường Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội) được khởi công từ quý II/2009, nhưng đến thời điểm này, nhà cửa, đường điện 110 kV thuộc gói thầu số 2 vẫn chưa giải tỏa được, khiến công tác thi công không thể triển khai. Còn tại gói thầu số 1, thuộc địa bàn xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh, Hà Nội), thành phố hiện vẫn chưa hoàn thành việc GPMB để bàn giao cho nhà thầu, đơn vị thi công triển khai trụ cầu P16 (chủ yếu đất nông nghiệp).


Đối với gói thầu số 3, tại nút giao xã Vĩnh Ngọc mới bàn giao được 50% mặt bằng và vẫn đang còn vướng đường điện 35 kV. Đáng lưu ý là ở gói thầu số 3, thành phố vẫn chưa thể bàn giao mặt bằng tại xã Tiên Dương và Vân Nội (huyện Đông Anh), khiến dự án bị chậm tiến độ 12 tháng so với dự kiến.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, tổng số dự án giao kế hoạch năm 2010 là 23 dự án, với tổng kinh phí trên 1.265 tỷ đồng (trong đó vốn ODA là 250 tỷ đồng, vốn đối ứng trên 1.011 tỷ đồng), nhưng đến nay tiến độ triển khai một số dự án sử dụng vốn vay ODA của Hà Nội quá chậm.


Điển hình là dự án Phát triển hạ tầng đô thị Bắc Thăng Long-Vân Trì, nhiều hạng mục theo hợp đồng đã phải hoàn thành từ lâu, nhưng đến nay, vẫn chưa xong; dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội cũng chậm hơn 1 năm so với tiến độ; dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo) chậm trong khâu lựa chọn đơn vị tư vấn để bảo đảm triển khai các thủ tục giải ngân vốn ODA; dự án đường sắt đô thị thí điểm Nhổn-Ga Hà Nội ngoài việc chậm GPMB, thì việc nghiên cứu quy hoạch chi tiết và phương thức kết nối hành khách công cộng tại các ga đầu mối chưa được nghiên cứu tổng thể…

Chưa hết, trong nhiều dự án, việc các cơ quan thẩm quyền chưa lường hết những yếu tố về năng lực của các nhà đầu tư do thiếu cơ sở để thẩm định về năng lực tài chính, chưa có sự chuẩn xác về vốn đăng ký đầu tư so với nhu cầu vốn thực tế triển khai dự án; chính sách bồi thường, GPMB, hỗ trợ tái định cư thiếu thống nhất so với quy định của Chính phủ… dẫn đến tình trạng người dân khiếu kiện, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án, nhất là các dự án có quy mô sử dụng đất lớn. Ngoài ra, sự bùng nổ nhiều dự án lớn với nhu cầu sử dụng đất hàng trăm ha trở lên, dẫn đến việc không đáp ứng kịp nhu cầu về quỹ nhà ở, đất phục vụ tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa trắng cũng làm “ách tắc” các dự án.

Dự án nâng cấp quốc lộ 27, đoạn qua địa phận Ninh Thuận - Lâm Đồng giai đoạn 2007-2010, hiện vẫn dở dang, gây khó khăn cho giao thông và sinh hoạt của người dân. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN

Giải pháp gỡ bất cập

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để tăng tốc độ triển khai các dự án cầu-đường hiện nay cần triển khai các giải pháp như: Phát triển kết cấu hạ tầng, cải cách hành chính, GPMB và tăng cường công tác hậu kiểm. Trong đó, tập trung chính cho công tác hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất, công bố rộng rãi quy hoạch, tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến độ GPMB và hậu kiểm.


Đặc biệt, trong việc giám sát các dự án đầu tư trong và ngoài nước, từng địa phương và cơ quan thẩm quyền phải thể hiện trách nhiệm rõ ràng, nhằm thực hiện đúng tiến độ các dự án thuộc trách nhiệm quản lý của mình, làm cơ sở đề xuất giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, kiến nghị xử lý các dự án đầu tư chậm triển khai hoặc không có khả năng thực hiện.


Công tác hậu kiểm đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh việc triển khai các dự án đầu tư, vì có kiểm tra thường xuyên mới có thể phát hiện, thu hồi hoặc kiến nghị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án không có khả năng triển khai.

Liên quan đến công tác GPMB các dự án hạ tầng của Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi nhận định: Đối với những dự án chậm triển khai phải thẳng thắn nhìn nhận, đó là do các chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn chưa tập trung quyết liệt đẩy nhanh tiến độ.


Ngoài ra, công tác quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu, khâu GPMB chưa thực sự được các cấp chính quyền địa phương quan tâm. Trong khi đó, sự phối hợp giữa các bên liên quan cũng thiếu chặt chẽ.


Do đó, thời gian tới, các đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn phải chủ động phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương nơi tiếp nhận dự án, để kịp thời giải quyết vướng mắc nảy sinh; đồng thời báo cáo ngay với các cơ quan quản lý những vướng mắc phát sinh để tìm cách tháo gỡ kịp thời, đáp ứng được tiến độ dự án đặt ra.

Một vấn đề cũng đáng quan tâm là các chủ đầu tư V


Về vấn đề này, thành phố Hà Nội đã đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện cơ chế dành một phần kinh phí cho phép các chủ đầu tư mời luật sư trong việc lập và đàm phán hợp đồng quốc tế đối với các dự án ODA; đồng thời xây dựng những giải pháp nhằm nâng cao vai trò làm chủ của Việt Nam trong việc đàm phán tiếp nhận các khoản đầu tư, trong đó có điều kiện ràng buộc các nhà đầu tư hài hòa với quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

Lãnh đạo các địa phương nơi tiếp nhận các dự án xây dựng hạ tầng hiện nay đều cho rằng, muốn đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án, chính quyền phải chủ động vào cuộc, lắng nghe ý kiến nhân dân và đề xuất chính sách để đảm bảo quyền lợi cho người bị thu hồi đất; chú trọng công tác vận động, đối thoại trực tiếp để người dân hiểu về quy trình, chính sách bồi thường GPMB, nhằm tạo sự đồng thuận.


Trong quá trình thực hiện, cần phải đảm bảo tính công khai, dân chủ ngay từ bước lập dự án, giải đáp kịp thời những thắc mắc, kiến nghị của nhân dân.

Tập trung GPMB và làm tốt công tác giải ngân
 Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Trần Đức Vũ cho biết: Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án sử dụng vốn ODA theo đúng tiến độ và kế hoạch đã cam kết với đối tác, đối với các dự án có khối lượng GPMB lớn, thành phố cần chỉ đạo các quận, huyện được giao vốn và nhiệm vụ GPMB tích cực hơn nữa để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc. Với các dự án mà thời hạn giải ngân đã đến hạn, đề nghị đơn vị chủ đầu tư tập trung nhân lực để khẩn trương hoàn tất các thủ tục để giải ngân.

Nhiều công trình cầu -đường không cùng nằm trong một dự án
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Đức Thắng cho biết: Việc triển khai các dự án dẫn đến tình trạng cầu-đường không tương thích thường bị cho là chậm tiến độ, gây bức xúc dư luận. Tuy nhiên, thực tế lại nằm ở chỗ, nhiều khi các công trình cầu-đường hoặc những đoạn đường khác nhau không cùng nằm trong một dự án đầu tư, dẫn đến tình trạng dự án này đã hoàn thành trong khi dự án kia còn dang dở. Trên cùng một tuyến đường, đặc biệt là trên tuyến dài như quốc lộ 1A, nhiều công trình cầu hoặc đường nằm ở những dự án có vốn đầu tư khác nhau, với những tiêu chí, mục tiêu trong đầu tư hoàn toàn khác nhau, nên dẫn đến đoạn làm trước, đoạn làm sau.

Gỡ GPMB, phải sửa đổi Luật Đất đai
Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) Trần Quốc Việt cho biết: Việc xác định, điều chỉnh giá đất hàng năm như hiện nay chưa hợp lý. Nhiều quy định dẫn tới tình trạng người dân nào “chây ì” thì lại được đền bù với giá cao hơn so với những người chấp hành tốt. Bên cạnh đó, vấn đề quản lý đất đai tại các địa phương hiện có rất nhiều bất cập dẫn đến việc xác định, phân loại nguồn gốc đất gặp khó khăn, không thống nhất nên khi tiến hành GPMB gặp phải sự phản ứng của đông đảo người dân. Để giải quyết vấn đề này, theo tôi cần phải tháo gỡ từ gốc, sửa đổi Luật Đất đai cho phù hợp.

Phải chủ động về nguồn vốn
Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng đường bộ (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) Lưu Văn Dũng cho biết: Trong quá trình quy hoạch và lập dự án tổng thể toàn tuyến thì các hạng mục cầu và đường bao giờ cũng là một thể thống nhất, nhưng trong thực tế triển khai, có những dự án chỉ có cầu mà không có đường hoặc ngược lại. Thực tế này xuất phát từ việc bố trí các nguồn vốn khác nhau, có các nguồn vốn chỉ đầu tư, tài trợ cho xây dựng cầu hoặc có nguồn vốn lại chỉ đầu tư xây dựng đường. Nhiều dự án do huy động từ mọi nguồn lực của xã hội, từ vốn BOT, BT đến các nguồn vốn tài trợ của nước ngoài như JBIC, WB… nên ở nhiều dự án, các hạng mục triển khai thiếu đồng bộ, không cùng thời điểm dẫn tới tình trạng khập khiễng cầu và đường. Để khắc phục, trước hết cần phải chủ động nguồn vốn.


Nguyễn Tiến