05:10 04/05/2011

Nhiều doanh nghiệp niêm yết bị “tuýt còi” do thua lỗ

Trước tình hình kinh tế khó khăn kéo dài, nhiều công ty niêm yết phải đối mặt với tình trạng thua lỗ. Điều này đã khiến các nhà đầu tư quay lưng với thị trường, còn các công ty chứng khoán đìu hiu vì vắng bóng nhà đầu tư.

Trước tình hình kinh tế khó khăn kéo dài, nhiều công ty niêm yết phải đối mặt với tình trạng thua lỗ. Điều này đã khiến các nhà đầu tư quay lưng với thị trường, còn các công ty chứng khoán đìu hiu vì vắng bóng nhà đầu tư.

Báo lỗ hàng loạt

Theo công bố kết quả kinh doanh năm 2010 và quý 1/2011, hàng loạt doanh nghiệp niêm yết đều báo cáo lỗ. Tuy nhiên, do thua lỗ kéo dài, nhiều doanh nghiệp niêm yết đã bị các Sở giao dịch chứng khoán (GDCK) “tuýt còi” đưa vào diện cảnh cáo.

Mới đây nhất là ngày 29/4, mã giao dịch chứng khoán QCC bị Sở GDCK TP.HCM (HSX) cảnh cáo do năm 2010 thua lỗ trên 1,4 tỷ đồng. Trước đó, ngày 27/4 các mã SCC đưa vào diện cảnh cáo do lỗ gần 1 tỷ đồng; TTC lỗ 13,6 tỷ đồng, VMG lỗ trên 39 tỷ đồng, MAC lỗ 890 triệu đồng... Thậm chí, nhiều doanh nghiệp bị buộc phải ngừng giao dịch do lỗ 2 năm liên tiếp. Cụ thể, VKP kể từ ngày 18/4 phải ngừng giao dịch do năm 2010 lỗ trên 35 tỷ đồng, năm 2009 lỗ trên 50 tỷ đồng. Trước đó, ngày 15/4, BAS cũng ngừng giao dịch do lỗ lũy kế 2 năm liên tiếp 2009 và 2010 là 15,68 tỷ đồng; MHC năm 2009 lỗ 32,61 tỷ đồng, 2010 là 43,82 tỷ đồng. May mắn hơn, dù VSP lỗ lũy kế 2 năm là 360 tỷ đồng, nhưng chỉ mới đưa vào diện kiểm soát chứ chưa buộc ngừng giao dịch. Ngoài ra, còn 5 doanh nghiệp khác cũng đang bị đưa vào diện kiểm soát là DVP, FBT, FCC, IFS và TRI.

Không chỉ các doanh nghiệp niêm yết bị thua lỗ, các công ty chứng khoán (CTCK) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự do nhà đầu tư quay lưng với thị trường chứng khoán, chỉ còn khoảng 20-30% tài khoản chứng khoán giao dịch thường xuyên. Giao dịch ảm đạm dẫn đến doanh thu từ môi giới, tự doanh giảm mạnh, các nguồn thu khác cũng giảm, trong khi chi phí hoạt động lại tăng lên. Tính đến ngày 9/4, có 94/102 CTCK công bố kết quả kinh doanh năm 2010 thì đã có 34 công ty có lợi nhuận sau thuế âm gần 1.800 tỷ đồng. Đứng đầu danh sách lỗ thuộc về Chứng khoán Kim Long (KLS) với 173 tỷ đồng; tiếp đến là chứng khoán Bảo Việt lỗ 93 tỷ đồng, Chứng khoán KIS Việt Nam (tên cũ: CK Gia Quyền) lỗ 58 tỷ đồng… Sáu công ty có lỗ lũy kế trên 100 tỷ đồng là Kim Long (-169 tỷ), Hải Phòng (-149 tỷ), Vina (-126 tỷ), Đại Việt (-112 tỷ), KIS Việt Nam (-101 tỷ) và Âu Việt (-100 tỷ). Hầu hết các công ty này đều lỗ trong năm 2008 và 2010. Cá biệt như Vina và KIS đã lỗ 3 năm liên tiếp.

Ngay cả trong quý I/2011, một số công ty chứng khoán như Âu Việt, SSI, VNDirect, Rồng Việt cũng đều báo lỗ. Vì thế, dù đang dẫn đầu thị phần môi giới nhưng Công ty Chứng khoán Thăng Long chỉ dám đặt mục tiêu kinh doanh khiêm tốn cho năm 2011 là 690,4 tỉ đồng doanh thu và 9,1 tỉ đồng lợi nhuận, tức chỉ bằng 52,6% doanh thu và 18,7% lợi nhuận năm 2010.

Áp lực từ lãi suất, điện, xăng...

Các chuyên gia chứng khoán lo ngại trước sự thua lỗ kéo dài của các CTCK khiến cho vốn chủ sở hữu còn lại rất ít. Chẳng hạn, Công ty chứng khoán Tầm Nhìn có vốn điều lệ 45 tỷ đồng, nhưng trải qua 4 năm lỗ liên tiếp thì vốn chủ sở hữu còn 8,8 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của Chứng khoán Vina, Chứng khoán Hà Nội (HSSC), Chứng khoán Cao su cũng chỉ còn 1/3 so với vốn điều lệ.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc CTCK SJC, cho rằng khó khăn của doanh nghiệp vẫn còn ở phía trước bởi những khó khăn về tài chính, chi phí lãi vay trong giai đoạn hiện tại sẽ được phản ánh rõ nét ở các quý tiếp theo. Và ngay trong quý I/2011 này, khả năng sẽ còn nhiều doanh nghiệp bị lỗ vì đến thời điểm này vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa nộp báo cáo. Thực tế cho thấy, lãi suất cho vay của ngân hàng trên 20%/năm, trong khi đó, lợi nhuận cả năm của nhiều DN chỉ ở mức 10-15%. Lợi nhuận làm ra không đủ trả lãi, trong khi tỷ lệ nợ quá cao là rủi ro lớn trong hoạt động của doanh nghiệp.

Theo TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng trường ĐH Mở TP.HCM, khi lãi vay ngân hàng quá cao, các DN phải tái cơ cấu lại nguồn vốn để giảm tỷ lệ nợ xuống thấp hơn mức 50% nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động. Vì thế, nhiều doanh nghiệp niêm yết đã thực hiện giải pháp bán bớt tài sản để quay vòng nguồn vốn nhanh hơn. Từ đó, có thể giúp giảm được nguồn vốn đi vay trong khi vẫn đảm bảo duy trì sản xuất. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng thực hiện được giải pháp này, chỉ những DN có tài sản giá trị như tàu, xe, bất động sản... mới tìm được người mua.

Đáng chú ý, theo dự thảo Nghị định lần 2 về việc nâng quy định điều kiện niêm yết cổ phiếu tại các Sở GDCK thì để niêm yết trên HSX cần có 120 tỷ đồng vốn điều lệ thay vì 80 tỷ đồng như hiện nay, HNX yêu cầu 30 tỷ đồng thay vì chỉ 10 tỷ đồng. Các chuyên gia chứng khoán cho rằng, với tình hình kinh tế khó khăn kéo dài do áp lực lãi suất, điện, xăng... đã khiến nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng tăng vốn điều lệ. Nếu Nghị định này được ban hành thì tại HSX có 86 doanh nghiệp và HNX có 87 doanh nghiệp có vốn điều lệ dưới mức quy định và buộc phải chuyển sàn. Tuy nhiên, đây thực sự là một việc làm cần thiết để làm tăng chất lượng của mỗi sàn giao dịch.

Dù vậy, nhiều chuyên gia lo ngại, từ nay đến cuối năm nền kinh tế trong và ngoài nước vẫn còn nhiều khó khăn sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động của các DN. Đặc biệt, lạm phát năm 2011 khó kiềm chế dưới 10% nên lãi suất ngân hàng vẫn có thể tiếp tục được duy trì ở mức cao. Vì vậy, DN nào càng vay nhiều hoặc quản trị tài chính không hiệu quả thì con đường thua lỗ, thậm chí phải phá sản càng khó tránh khỏi.

Hải Yên