08:09 19/08/2012

Nhiên liệu sinh học đe dọa an ninh lương thực

Các nhà sản xuất sữa, thịt gia súc và gia cầm đã không ngừng kêu gọi chính quyền của Tổng thống Barack Obama ngừng chỉ tiêu (quota) sản lượng ethanol làm từ ngô với cảnh báo rằng, các chỉ tiêu về nhiên liệu tái tạo có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng lương thực...

Các nhà sản xuất sữa, thịt gia súc và gia cầm đã không ngừng kêu gọi chính quyền của Tổng thống Barack Obama ngừng chỉ tiêu (quota) sản lượng ethanol làm từ ngô với cảnh báo rằng, các chỉ tiêu về nhiên liệu tái tạo có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng lương thực trong bối cảnh nạn hạn hán kéo dài đang đẩy giá ngô và đậu tương lên những kỷ lục mới. Tuy nhiên, sức mạnh hữu hình và cả vô hình của ngô đã khiến giới chức Mỹ còn chùng chình khi đưa ra quyết định trong năm bầu cử này.


Quota hiện nay về nhiên liệu tái tạo của chính phủ Mỹ đòi hỏi sản xuất tới 13,2 tỉ gallon (49,2 tỉ lít) ethanol từ ngô trong năm 2012 và 13,8 tỉ gallon (52,2 tỉ lít) trong năm 2013. Như vậy trong năm 2012, chỉ tiêu này sẽ ngốn mất gần 40% tổng sản lượng ngô của nước này.


Trong một bức thư gửi tới Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA), liên minh của Hiệp hội Thịt bò của người chăn nuôi và Hiệp hội Các nhà sản xuất thịt lợn Mỹ đã đề nghị bãi bỏ chỉ tiêu ethanol liên bang trong một năm, do nạn hạn hán đang hoành hành ở vùng trung tây nước Mỹ đã làm giảm mạnh sản lượng ngô dành cho gia súc, gia cầm. Họ cảnh báo, việc dùng ngô để sản xuất ethanol đang tạo ra “bong bóng” giá, và có nguy cơ dẫn đến một cuộc khủng hoảng lương thực mới.


“Sứ mạng” mới của lương thực


Những năm gần đây, nông nghiệp không chỉ có sứ mạng là nuôi loài người mà còn kiêm thêm nhiệm vụ cung cấp nhiên liệu để phục vụ đủ mọi nhu cầu khác. Sau khi giá dầu mỏ tăng vọt năm 2007, ethanol sinh học - chủ yếu làm từ ngô, mía, sắn và hạt có dầu (như đậu tương) - dùng như nhiên liệu thay thế xăng dầu, bỗng được coi như một giải pháp “màu nhiệm”, vừa thay thế dầu hỏa vừa chế ngự được hiệu ứng nhà kính.


40% sản lượng ngô tại Mỹ được dùng để sản xuất nhiên liệu.
Ảnh: Internet


Các nước sản xuất ethanol lớn như Braxin, Mỹ hớn hở trước triển vọng chiếm lĩnh một thị trường mới đầy hứa hẹn. Oasinhtơn quyết định đẩy mạnh trồng ngô và tăng tỷ lệ chế biến ngô thành ethanol lên 30% tổng sản lượng ngô ngay từ năm 2008.


Các nước giàu nghèo đua nhau sản xuất ethanol, với niềm lạc quan “một công đôi ba việc”: Giải quyết vấn đề năng lượng với một nguồn cung cấp dồi dào và có thể tái tạo, bảo vệ môi trường, tạo thêm công ăn việc làm.


Tuy nhiên, sau đó, một số khảo sát và nghiên cứu đã cho thấy dùng ethanol không giải quyết được gì cả vì nó cũng… gây tai hại không kém cho môi trường, trong khi lợi ích mang lại không bù đắp được (sản xuất nguyên liệu cho ethanol phải sử dụng nhiều phân bón, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, tốn kém nguồn nước; quá trình chế biến vẫn phải dùng đến nhiên liệu hóa thạch và thải khí carbon..).


Mặt khác, chuyển sang nhiên liệu ethanol còn cho phép người tiêu dùng, nhất là ở Mỹ, cứ tiếp tục tiêu thụ thoải mái thay vì tự giới hạn để tiết kiệm. Do đó, ethanol không giúp ích gì cho vấn đề hiệu ứng nhà kính cũng như viễn cảnh thay thế cho nguồn dầu mỏ lúc nào đó sẽ cạn kiệt.


Nghịch lý lương thực làm chất đốt trong khi hàng trăm triệu người trên thế giới đang thiếu ăn Ảnh: Internet


Ethanol còn bị phản đối vì hai lý do khác. Thứ nhất, nó bị coi là một nhân tố dẫn tới khủng hoảng lương thực vì làm tăng giá ngô, một loại lương thực chủ yếu ở nhiều nước. Theo một nghiên cứu của IMF, vai trò của nhiên liệu sinh học trong sự gia tăng giá là 70% với giá ngô và 40% với giá đậu nành. Các tỷ lệ ấy có thể còn gây tranh cãi, nhưng điều ai cũng công nhận là ethanol đã và sẽ còn làm tăng giá các ngũ cốc, vì làm giảm sút diện tích trồng trọt và sản lượng dành cho các cây lương thực khác.


Một lý do nữa nằm ngay ở điều phi lý là nguồn lương thực bị biến thành chất đốt trong khi một tỷ người trên thế giới hiện nay còn thiếu ăn. Có thể thấy rõ thực tế này qua một bài toán rất đơn giản: Phải mất khoảng 2,6 kg ngô mới sản xuất ra được 1 lít ethanol, và để đổ đầy bình xăng một chiếc xe ô tô với 94 lít nhiên liệu ethanol, phải dùng đến 244 kg ngô, đủ để nuôi một người trong một năm.


Quota - “nơi trú ẩn” của “Vua ngô”


Bất chấp những phản đối kể trên, Mỹ vẫn trở thành nhà sản xuất nhiên liệu ethanol lớn nhất thế giới. Năm 2010, nước này sản xuất trên 49 tỉ lít ethanol sinh học và cùng với Braxin, họ chiếm tới 88% tổng sản lượng nhiên liệu này của toàn thế giới.


Theo Luật Tiêu chuẩn Nhiên liệu tái tạo (RFS), trong năm 2012, các công ty cung cấp nhiên liệu của Mỹ phải đảm bảo tỉ lệ 9% là nhiên liệu ethanol, tức phải dùng tới khoảng 40% sản lượng ngô của nước này.


Vị thế kỳ lạ của ethanol ngô tại Mỹ có lẽ bắt đầu khi các nhà sản xuất ngô “túm” lấy loại nhiên liệu thí nghiệm này như là một cách để nhận hàng tỉ USD trợ cấp từ chính phủ và không ngừng đẩy nó lên cao hơn nữa.


Dưới thời chính quyền của Tổng thống Bush và Obama, các nhà vận động hành lang cho ngô thậm chí đã mở cả sổ séc cho nhiều nghị sĩ quốc hội, và đổi lại, họ “gặt” về hàng tỉ USD tiền trợ cấp ethanol – tất cả lấy từ tiền đóng thuế của dân.


Cơ sở quan trọng nhất cho vị thế của “Vua ngô” là Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) được quyền quy định toàn bộ nhiên liệu bán ra phải chứa một tỉ lệ ethanol nhất định, nhằm buộc mọi người Mỹ phải trả tiền cho thứ nhiên liệu này, thậm chí cả khi nó không tốt với xe hơi của họ và là một thứ mà họ chẳng muốn chút nào.


Cũng nằm trong chính sách “ethanol ngô”, Luật An ninh và Độc lập năng lượng (EISA), được quốc hội thông qua và Tổng thống G.W. Bush ký ban hành năm 2007, đã mở đường cho việc áp đặt một loạt quota sản xuất, và được quản lý bởi EPA (một nhiệm vụ khá mỉa mai khi đã có bằng chứng cho thấy ethanol từ ngô cũng gây hại không kém tới môi trường).


Các nhà sản xuất ngô, bằng tiền và lá phiếu, đã ủng hộ cho những ứng cử viên quốc hội, và điều này buộc các nghị sĩ trong tương lai phải cam kết những khoản trợ cấp không ngừng tăng. Tuy nhiên sau thời kỳ suy thoái, công chúng Mỹ đã phản ứng dữ dội chống lại những khoản trợ cấp khổng lồ của chính phủ, dẫn đến quốc hội buộc phải cắt giảm trợ cấp cho ethanol ngô. Nhưng các nhà lập pháp lại không quan tâm đến việc thay đổi các chỉ tiêu về nhiên liệu ethanol của EPA.


Cắt giảm trợ cấp, nhưng để lại quota - điều này khiến các nhà sản xuất ngô vẫn vui mừng. Chỉ tiêu sản xuất ethanol ngô cao đã tạo ra nhu cầu “nhân tạo” cao hơn đối với nhiên liệu sinh học, đẩy giá tăng lên. Nhu cầu tăng giả đó đã giúp ngành sản xuất ngô vượt qua những trận hạn hán gần đây, khi giá ngô tăng tới 60%.


Nhưng trong khi nhu cầu “giả” có thể cứu lợi nhuận của ngành ngô, thì tổn thất chủ yếu đi qua các nhà chăn nuôi, kinh doanh gia súc, các nhà chế biến thực phẩm và sau đó là người tiêu dùng.


Cái giá của lá phiếu


Ông Mike Deering, người phát ngôn Hiệp hội Thịt bò của người chăn nuôi Mỹ, cho biết, Hiệp hội đã đề nghị EPA tạm thời cắt giảm chỉ tiêu để giảm bớt giá ngô vốn đã bị đẩy cao do hạn hán, nay càng cao hơn do nhu cầu “nhân tạo” đối với ethanol. Nhưng viễn cảnh sớm giảm chỉ tiêu ethanol thì chưa sáng sủa.


Vấn đề nằm ở cấu trúc của EISA. Luật cho phép EPA có quyền tạm thời giảm chỉ tiêu sản xuất, nhưng chỉ khi nào họ nhận được yêu cầu từ các thống đốc bang hoặc các nhà chế biến ethanol và sản xuất xăng hỗn hợp (xăng sinh học).


Hiệp hội nhiên liệu tái tạo Mỹ (RFA) cho biết, họ sẽ không ngạc nhiên trước một đề nghị như vậy, nhưng cho đến nay vẫn chưa có đề nghị nào được đưa ra, bởi nhu cầu về ngô thực sự đang làm lợi cho các nông dân trồng ngô, các nhà lọc dầu và các bang sản xuất ngô.


Thông thường, khoảng 1/3 sản lượng ngô của nước Mỹ được dùng để sản xuất ethanol, 1/3 dùng cho đàn gia súc và 1/3 còn lại phục vụ tiêu dùng của con người như một loại rau hoặc trong các thực phẩm chế biến như sirô ngô, tinh bột ngô...


Vấn đề quan trọng là, thái độ ủng hộ sản xuất ethanol ngô từng đem lại chiến thắng của ông Obama trước đối thủ George Bush trong cuộc đua giành giật các bang quan trọng ở mùa bầu cử năm 2008.


Năm đó, ông Obama đã giành chiến thắng tại 3 trong số 4 bang sản xuất ngô lớn nhất nước Mỹ là Iowa, Minnesota và Illinois. Ông cũng thắng tại các bang khác với những vùng trồng ngô lớn, bao gồm Michigan, Ohio và Wisconsin.


Chính sách ủng hộ ethanol đã mang lại cho Tổng thống Obama và các chính trị gia của bang sự ủng hộ quan trọng, về cả tài chính và lá phiếu. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các chính trị gia và tổng thống là những người ủng hộ then chốt cho “Vua ngô”.


Trong khi đó, các bang bị ảnh hưởng nhiều nhất của quota ethanol - những bang chăn nuôi như Texas – lại chính là những khu vực ông Obama nắm ít hy vọng giành được phiếu cử tri so với đối thủ. Tất nhiên, vẫn có rủi ro khi giá ngô tăng vọt có thể đem đến kết quả ngược lại. Bởi ngoài những bang sản xuất ngô trực tiếp hưởng lợi từ giá ngô cao, các cử tri ở những bang dễ dao động khác có thể tìm cách trừng phạt Tổng thống Obama và những người ủng hộ ngô nếu như giá ngô quá cao đẩy chi phí sản xuất thịt và nhiều lương thực khô.


Mặc dù vậy, đến giờ quota ethanol ngô vẫn được giữ nguyên.


Nguy cơ với an ninh lương thực


Không chỉ các nhà chăn nuôi trong nước gây áp lực đòi giảm bớt chỉ tiêu sản xuất nhiên liệu sinh học, các quan chức LHQ vừa qua cũng đã kêu gọi chính phủ Mỹ “ngừng tạm thời và ngay lập tức” chính sách này nhằm giúp tránh một cuộc khủng hoảng lương thực khác trên thế giới, sau cuộc khủng hoảng năm 2008.


Trong một bài viết trên tờ Thời báo Tài chính (Mỹ), mới đây Tổng giám đốc Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) Graziano da Silva cho rằng, “hầu hết sản lượng ngô, vốn đã giảm sút do hạn hán, được dùng cho sản xuất nhiên liệu sinh học theo chỉ tiêu của chính phủ liên bang Mỹ, đã khiến cho thị trường lương thực càng thiếu thốn hơn”. Ông Silva kêu gọi Oasinhtơn ngừng chỉ tiêu nhiên liệu sinh học, nhằm cung cấp thêm ngô cho thị trường lương thực - chăn nuôi, và giúp thế giới tránh được nguy cơ khủng hoảng lương thực.


Bài viết được đăng chỉ một ngày trước khi chính phủ Mỹ công bố báo cáo cho thấy, sản lượng ngô của nước này đang giảm xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 6 năm và kho dự trữ cũng xấp xỉ mức thấp kỷ lục. Giá ngô, đậu tương và lúa mì cũng đã tăng từ 30-50% chỉ từ tháng 6/2012, sau khi Mỹ trải qua đợt hạn hán kỷ lục hồi tháng 7.


Theo nhà lãnh đạo FAO, hệ thống lương thực thế giới tuy chưa rơi xuống điểm khủng hoảng, nhưng có thể sẽ tái lặp tình trạng hạn chế xuất khẩu của các nước sản xuất chính trong khi các nước khác đổ xô mua vào để tích trữ, từng dẫn đến cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008. “Các quốc gia và LHQ đã được trang bị tốt hơn để đối mặt với giá lương thực tăng cao, nhưng nguy cơ vẫn ở mức cao, và những phản ứng sai lầm đối với tình hình hiện nay có thể dẫn đến khủng hoảng”, ông Silva cảnh báo.



Thu Hằng