Từng bước đã xử lý được các tổ chức tín dụng yếu kém

PGS.TS Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết: Sau khi triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng – TCTD giai đoạn 2011-2015”, về cơ bản, NHNN đã kiểm soát được và từng bước xử lý các TCTD yếu kém, lành mạnh hóa môi trường kinh doanh ngân hàng.


Giảm được 17 tổ chức tín dụng


“Vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các TCTD đã được xử lý một bước quan trọng. Sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD diễn ra mạnh mẽ nhằm vừa xử lý những TCTD yếu kém vừa tăng quy mô, năng lực cạnh tranh”, Phó Thống đốc Kim Anh nói.


Theo lãnh đạo NHNN, Từ năm 2011 đến nay, số lượng TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã giảm 17 tổ chức thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể, rút giấy phép. Giai đoạn 2012 - 2013, 8 ngân hàng yếu kém (gồm SCB, Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Habubank, TienphongBank, Navibank, TrustBank và Western Bank) đã từng bước thực hiện phương án cơ cấu lại thông qua các giải pháp sáp nhập, hợp nhất hoặc tự tái cơ cấu bằng chính nguồn lực của ngân hàng.

Ảnh minh họa: Nguồn Ngân hàng Nhà nước

Trong 2 năm 2013 - 2014, hệ thống ngân hàng giảm 5 TCTD thông qua mua bán và sáp nhập, giải thể, rút giấy phép 3 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, cổ phần hóa 4 ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước và mở đầu cho làn sóng mua bán, sáp nhập ngân hàng trong năm 2015. Trong năm 2015, tiếp tục có thêm những thương vụ hợp nhất điển hình là sáp nhập giữa BIDV - MHB, Maritime Bank, sắp tới là VietinBank - PGBank. Việc NHNN mua lại ngân hàng yếu kém không nhằm tạo thêm và duy trì lâu dài ngân hàng thương mại Nhà nước vì mục tiêu lợi nhuận mà là nhằm cơ cấu lại ngân hàng yếu kém.


Đề cập về việc NHNN từng mua ngân hàng với giá 0 đồng và cơ sở pháp lý nào đưa ra để mua những ngân hàng này? ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN) cho hay: Thủ tướng Chính phủ sẽ hướng dẫn mua lại các ngân hàng này trên cơ sở đó. Năm 2013, quyết định 48 về trình tự thủ tục hướng dẫn mua lại, quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan đã ban hành. Trên cơ sở Luật TCTD và Quyết định 48, Quyết định 255… quyền của NHNN sử dụng quyền mua lại các ngân hàng trong TCTD diện kiểm soát đặc biệt. Mục đích NHNN mua lại ngân hàng mất hết vốn, đó là vì sự an toàn đối với tiền gửi của dân, tài sản của nhà nước. NHNN mua không vì mục tiêu lợi nhuận.


“NHNN không dùng tiền thuế của dân, ngân sách để xử lý các ngân hàng yếu kém. Nguồn vốn huy động từ người dân và việc rút vốn hàng loạt đã giảm thiểu vì người dân có niềm tin vào NHNN. Nguồn vốn từ các TCTD, nguồn vốn của NHNN tái cấp vốn theo đúng quy định của Luật tín dụng. Khi NHNN mua lại thì xác định đây là ngân hàng của Nhà nước. Trong quá trình tái cơ cấu, các NHTM sẽ hỗ trợ tích cực các ngân hàng yếu kém tìm kiếm cơ hội, hỗ trợ thị trường thông qua các hoạt động về hợp vốn để giảm bớt các chi phí”, ông Nghĩa nói.


Còn Tiến sỹ Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cho hay, về chính sách mua ngân hàng với giá 0 đồng - đây là sáng kiến chưa có tiền lệ. Kể cả ở Mỹ, người ta bỏ tiền ra cứu các ngân hàng nhưng Việt Nam không dùng tiền ngân sách. “Việt Nam đã mua ngân hàng với giá 0 đồng, tức là 'đánh chuột nhưng không vỡ bình', đánh chính vào các HĐQT, cổ đông. Điều này đồng nghĩa với việc, tiền của dân không mất, quyền lợi của người gửi tiền được bảo đảm,” ông Hưởng nói.


Thanh khoản của ngân hàng tương đối ổn định


"Sau 3 năm nhìn lại, thanh khoản của hệ thống ngân hàng tương đối ổn định, kẻ cả thị trường vàng, hối đoái; lòng tin của những người gửi tiền được củng cố. Đây có thể coi là thành công quan trọng để chống lại cú sốc thanh khoản xảy ra vào thời điểm trước", Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nói.


Theo ông Nghĩa, lần tái cấu trúc thứ nhất chủ yếu xử lý nợ xấu trong ngân hàng quốc doanh. Lúc bấy giờ, biện pháp chủ yếu là xóa nợ. Lần thứ 2 phức tạp hơn vì cấu trúc ngân hàng nhiều thành phần hơn. Chính phủ có đề án tương đối quy mô với thời hạn tương đối kéo dài là 5 năm. Thời gian qua, về xử lý sở hữu chéo và lũng đoạn hệ thống ngân hàng cũng đã có tiến bộ ban đầu. Các ngân hàng đã áp dụng chuẩn mực quản trị, quản lý rủi ro, chuẩn mực kế toán và báo cáo tài chính, chỉ tiêu an toàn hệ thống tiệm cận với hệ thống quốc tế.

“Tái cơ cấu là một quá trình thường xuyên liên tục nhằm khắc phục những khó khăn, yếu kém và chủ động đối phó với những thách thức để hướng đến một hệ thống tổ chức tín dụng an toàn, lành mạnh. Do vậy, NHNN khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng sáp nhập, hợp nhất, mua lại theo nguyên tắc tự nguyện giữa các để vừa xử lý các ngân hàng yếu kém vừa hình thành lên các TCTD có quy mô, năng lực cạnh tranh lớn hơn”, lãnh đạo NHNN nói.



Đại diện Thanh tra, Giám sát ngân hàng khẳng định: Quá trình tái cơ cấu là giai đoạn vượt khó của hệ thống ngân hàng, đẩy lùi nguy cơ sụp đổ hệ thống. Thanh khoản của hệ thống cải thiện rất tốt, huy động vốn từ 2011 đến nay tăng khoảng 90%. Tín dụng thời điểm hiện nay so với cuối tháng 12/2011 đã tăng 54%. Mặt bằng lãi suất đã giảm từ 17 - 20% năm 2011 xuống còn 7-11% thời điểm hiện nay.


“Chưa có giai đoạn nào việc hợp nhất, mua lại các TCTD lại diễn ra đồng bộ, tự nguyện như thời gian qua. Điều đó cho thấy sự thay đổi tư duy, khắc phục những yếu kém từ chính bản thân, chuyển từ thế e ngại sang tích cực, chủ động. Xử lý sở hữu chéo, đầu tư chéo, cổ đông lớn chi phối trong hệ thống đạt kết quả bất ngờ. Những ai sở hữu chéo phải thực hiện đúng theo Thông tư 36 của NHNN để công tác tái cơ cấu được thực hiện 1 cách hoàn thiện”, lãnh đạo Thanh tra, Giám sát ngân hàng nói.


Để quá trình tái cấu trúc thành công hơn nữa, chuyên gia ngân hàng Cấn Văn Lực đề xuất: Việc cải cách pháp lý cần sâu rộng gắn liền với các cấu phần khác của toàn bộ chương trình tái cấu trúc nền kinh tế như tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cấu trúc đầu tư công, tái cơ cấu nông nghiệp, cải cách hành chính.




Minh Phương
Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất tiền gửi bằng đô la Mỹ
Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất tiền gửi bằng đô la Mỹ

Từ ngày mai (28/9) mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) là 0%/năm; mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi của cá nhân là 0,25%/năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN