Thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh

Lạc quan trước thông tin về Hiệp định kinh tế đối tác xuyên Thái Bình Dương đã hoàn tất việc đàm phán, các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã ồ ạt đổ tiền vào mua cổ phiếu khiến hai chỉ số chứng khoán của thị trường chứng khoán Việt Nam tăng điểm mạnh.

 

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số VN-Index tăng hơn 11 điểm, lên 581,29 điểm; khối lượng cổ phiếu khớp lệnh đạt hơn 179 triệu đơn vị, với giá trị hơn 3.000 tỉ đồng. Chỉ số HNX-Index cũng tăng 1,65 điểm; khối lượng cổ phiếu khớp lệnh đạt 60,4 triệu đơn vị. Đây là phiên giao dịch có số điểm tăng mạnh nhất và khối lượng tăng cao nhất trong 3 tháng lại đây của TTCK Việt Nam.


Theo ông Nguyễn Văn Tuyền, Trưởng phòng khách hàng cao cấp, Công ty Chứng khoán Dầu khí, hiện tượng các nhà đầu tư đổ tiền mạnh vào mua cổ phiếu trong phiên giao dịch 6/9 là do lạc quan trước thông tin kinh tế Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã hoàn tất đàm phán.


Từ trước đó, thông tin kinh tế đã phản ánh triển vọng khi hiệp định TPP được thực thi, các ngành kinh tế của Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn là dệt may, đồ gỗ, thủy sản, dịch vụ cảng biển... Trên thực tế, cổ phiếu những ngành này trên TTCK đã tăng giá mạnh trong 2 phiên giao dịch 5 và 6/10.


Trong phiên giao dịch 6/10, trên thị trường có tới hơn 40 mã giao dịch với khối lượng hơn 1 triệu đơn vị/mã, trong đó nhiều mã cổ phiếu tăng giá kịch trần. Đây là hiện tượng tăng điểm và cổ phiếu tăng giá mạnh hiếm thấy trong nhiều tháng trở lại đây. Điều này phản ánh, các nhà đầu tư kỳ vọng vào một xu hướng mới của thị trường chứng khoán chứ không chỉ kỳ vọng riêng vào các nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ hiệp định TPP. Điển hình như cổ phiếu KBC và ITA – công ty kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp, đã tăng giá kịch trần với khối lượng khớp lệnh lên đến 6 – 7 triệu đơn vị/mã.


Nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam sau khi hiệp định TPP được ký kết, trao đổi với báo giới mới đây, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, ông Sandeep Mahajan cho rằng, với 12 nước trong TPP đóng góp 40% GDP toàn cầu, Việt Nam sẽ có thị trường xuất khẩu rộng lớn hơn. WB đã dự tính, GDP của Việt Nam có thể tăng từ 8-10% đến năm 2030, thậm chí còn tăng hơn.


Đồng lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam trước việc hiệp định TPP hoàn tất đàm phán, ông Sudhir Shetty, Kinh tế trưởng của WB khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho rằng, đây là cú hích lớn cho kinh tế Việt Nam. Đương nhiên các nhà sản xuất của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh mạnh hơn, nhưng điều này là tốt bởi sẽ thúc đẩy năng suất lao động của Việt Nam tăng lên. Điều này rất tốt cho Việt Nam xét trong việc tăng trưởng dài hạn.

 

P.V
Giới đầu tư rút mạnh khỏi thị trường chứng khoán Đông Nam Á
Giới đầu tư rút mạnh khỏi thị trường chứng khoán Đông Nam Á

Theo hãng tin Bloomberg, các nhà đầu tư nước ngoài đang rút vốn ra khỏi thị trường chứng khoán Đông Nam Á với tốc độ nhanh kỷ lục, trong bối cảnh triển vọng kinh tế khu vực này đang xấu đi và Mỹ có dấu hiệu tăng lãi suất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN