Năm 2015 là năm cuối cùng ngành ngân hàng (NH) phải hoàn thành tiến trình tái cấu trúc; đồng thời việc xử lý nợ xấu cũng phải nằm trong tầm kiểm soát mức dưới 3%.
Chia cổ tức không quá 9%
Ông Nguyễn Văn Dũng, Cục trưởng Cục II, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng nhà nước (NHNN), cho biết mục tiêu của toàn ngành sẽ kiểm soát nợ xấu về dưới mức 3% trong cuối năm nay, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của từng ngân hàng. Theo Thông tư 02, để triệt để xử lý nợ xấu, yêu cầu các tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng đầy đủ để xử lý rủi ro, mất an toàn hoạt động.
Vietcombank chiếm thị phần tín dụng lớn nhất tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh; Hoàng Hải - TTXVN |
Cũng theo ông Dũng, một số ngân hàng thương mại (NHTM) trong năm qua tuy đạt kết quả khả quan, song cũng không thể chủ quan trước bối cảnh thị trường còn khó khăn. Mặt khác, nợ xấu vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại nên các NH cũng rất thận trọng trong việc đẩy mạnh tín dụng. Bởi nguồn thu đóng góp vào lợi nhuận của các NH hiện nay chủ yếu là từ hoạt động tín dụng nên chỉ tiêu lợi nhuận và cắt giảm cổ tức cũng là điều mà các NHTM buộc phải cân nhắc.
Để giúp các NH thực hiện việc này, trong năm qua, NHNN đã khống chế các NH chia cổ tức không quá 9%. Việc “thắt lưng buộc bụng” này nhằm giúp các NH sẽ nâng cao năng lực tài chính và đảm bảo khoản đầu tư bền vững của các nhà đầu tư (NĐT) vào cổ phiếu NH.
Thực tế, tại các cuộc họp ĐHCĐ của các NH trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vừa qua, phần lớn các NH chia cổ tức mức thấp hơn so với kế hoạch ban đầu, điển hình như Nam Á Bank chỉ với tỷ lệ 4%, HDBank khoảng 5%, ACB là 7%... Thậm chí nhiều ngân hàng xin tạm không chia cổ tức và mong cổ đông đồng cảm. Theo ông Nguyễn Văn Dũng, nếu so với tỷ lệ tiết kiệm thì mức cổ tức này quá thấp, nhưng nếu nhìn sang một số ngân hàng khác không an toàn, mất hết vốn điều lệ, NHNN buộc mua lại với giá 0 đồng thì việc chia cổ tức đã là cố gắng của ban điều hành.
Tái cơ cấu để lên sàn
Bên cạnh việc “thắt lưng buộc bụng”, các NHTM cũng rất quyết liệt thực hiện xử lý nợ xấu. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó GĐ NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh, cho biết ngay từ đầu năm, NHNN đã giao chỉ tiêu số nợ xấu phải được xử lý cho từng NHTM. Theo đó, các ngân hàng phải xây dựng kế hoạch, biện pháp xử lý chi tiết. Cụ thể, đối với số nợ xấu NH tự xử lý đến 31/7/2015, nếu NH không tự xử lý được sẽ phải bán số nợ xấu chưa xử lý cho VAMC, hoàn tất trong tháng 8 và 9/2015. Đối với khối nợ xấu bán cho VAMC, đến ngày 30/6 NH phải bán tối thiểu 75% và đến 31/8 phải hoàn thành 100%.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu, xử lý các NH nhỏ, hoạt động yếu kém để lành mạnh hệ thống cũng đang được NHNN ráo riết thực hiện. Định hướng của NH cho đến năm 2016 - 2017 sẽ giảm số lượng xuống còn 20 - 25 ngân hàng. Do đó, từ đầu năm đến nay nhiều NH đã được nhập để phát triển mạnh hơn. Song song đó, tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống trong NH cũng từng bước giảm dần.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, đây cũng là tiền đề để các NH hướng tới việc lên sàn chứng khoán. Bởi để NH phát triển mạnh, tăng sự cạnh tranh lành mạnh trong hệ thống NH thì việc lên sàn sẽ là cơ hội cho các NH tăng thêm vốn điều lệ, tính thanh khoản trong hệ thống NH cũng cao hơn. Song song đó, việc giảm dần phần vốn Nhà nước nắm giữ trong NH đã cổ phần hóa sẽ giảm dần, tạo điều kiện cho các NH nâng cao trình độ quản trị, đồng thời tạo thêm lượng cổ phiếu được giao dịch có chất lượng cho thị trường chứng khoán. Chưa kể, việc minh bạch trong hệ thống NH sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là NĐT chiến lược quay trở lại. Có như vậy, hệ thống NHTM mới thật sự lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh với các NH ngoại đang ồ ạt vào Việt Nam để chiếm thị phần.
Hiện nay có 9 NH đang niêm yết trên TTCK. Do điều kiện thị trường chứng khoán chưa thuận lợi nên thời gian qua đa số các cổ phiếu của các NH này liên tục sụt giảm. Dù vậy, với yêu cầu sự minh bạch trên thị trường chứng khoán cùng với việc nâng cao quản trị doanh nghiệp khi niêm yết trên sàn, tỷ lệ xấu của cả 9 NH này đều đang dưới mức 3%.