Điều chỉnh tỷ giá phù hợp thị trường tiền tệ

Việc điều chỉnh 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và USD được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định cách đây vài hôm đã được các chuyên gia kinh tế cũng như ngân hàng thương mại đánh giá là hợp lý.

Chủ động dẫn dắt thị trường

Đại diện Khối Nghiên cứu của Ngân hàng HSBC cho rằng, việc NHNN quyết định giảm giá tiền đồng thêm 1%, bằng cách nâng tỷ giá tham chiếu hàng ngày USD/VND từ mức 21.246 lên 21.458 được xem là khá sớm. Tuy nhiên, trong bối cảnh đồng USD đang mạnh hơn so với hầu hết các loại tiền tệ ở những thị trường mới nổi vào đầu năm 2015 và tỷ giá USD/VND thường đóng cửa giao dịch ở mức chạm trần trong vài tuần qua thì động thái này không gây quá nhiều ngạc nhiên.

Giao dịch tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam chi nhánh Từ Sơn (Bắc Ninh). Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhận định: Việc điều chỉnh tỷ giá là để NHNN chủ động dẫn dắt thị trường cho phù hợp với diễn biến của thị trường tiền tệ trong và ngoài nước. NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường và đảm bảo thực hiện các giải pháp đồng bộ kết hợp công cụ chính sách để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trên mặt bằng giá mới. Sau khi điều chỉnh tỷ giá, thị trường ngoại tệ hoạt động khá ổn định.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, đây là quyết định hợp lý, cho thấy NHNN đã hiểu rõ tình hình thương mại, tài chính toàn cầu; hiểu vị thế, cách ứng xử của Việt Nam trong thương mại toàn cầu. Đây là biện pháp điều chỉnh mà nhiều nước muốn làm nhưng không còn dư địa. Việt Nam tuy dư địa còn ít nhưng vẫn rất quan trọng. Ông Nghĩa cho biết thêm, việc tăng tỷ giá hối đoái có lợi cho thu ngân sách từ USD như: Thu từ dầu thô tăng, xuất khẩu tăng, nhờ đó ngân sách có khoản thu lớn hơn. Đây là yếu tố quan trọng với ngân sách, phản ánh chính sách tài khóa, tiền tệ chặt chẽ.

Chuyên gia tài chính ngân hàng, Tiến sỹ Cấn Văn Lực nói: Ổn định tỷ giá là mục tiêu quan trọng nhưng cần đảm bảo tính thị trường và tính linh hoạt. Nhiệm vụ đặt ra là bám sát thị trường và thấy tín hiệu thị trường nhanh nhạy để có quyết sách kịp thời. Việt Nam có nhiều nhân tố tác động tỷ giá khác các nước như: Lạm phát, giá vàng, tâm lý nên kiểm soát tỷ giá ổn định khó khăn hơn các nước.

Góp phần hỗ trợ xuất khẩu

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện đồng USD đã tăng giá mạnh so với các đồng tiền khác trên thế giới như won của Hàn Quốc, yen Nhật... Để đảm bảo cạnh tranh xuất khẩu, Việt Nam điều chỉnh tăng tỷ giá là việc làm cần thiết.

Ông Phạm Thanh Hà, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại Thương (Vietcombank) cho rằng: Mức tỷ giá mới rõ ràng là một tín hiệu tốt hỗ trợ xuất khẩu, gián tiếp làm tăng nguồn cung ngoại tệ. Điều chỉnh tỷ giá tại "mùa cao điểm" kiều hối cũng sẽ kích thích luồng kiều hối chuyển về trong nước; cùng với đó là giúp giải ngân vốn đầu tư trực tiếp sẽ tăng lên. “Năm 2014, NHNN đã thành công trong việc xóa bỏ tâm lý và kì vọng thị trường là NHNN phải dùng hết mức điều chỉnh 2% nên việc điều chỉnh sớm trong năm 2015 sẽ sớm giúp ổn định tâm lý thị trường. Nhờ đó, các doanh nghiệp liên quan dến việc sử dụng ngoại tệ được chủ động trong việc thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Hà nói.

Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương (Vietinbank) ông Lê Đức Thọ khẳng định: Đây là sự điều chỉnh rất cần thiết, sẽ là yếu tố giúp tỷ giá cân bằng với các yếu tố kinh tế vĩ mô khác, đồng thời giúp thị trường ngoại tệ Việt Nam hoạt động thông thoáng hơn; giúp các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp có định hướng và thông tin rõ ràng hơn trong hoạt động kinh doanh của mình; thúc đẩy tốt hơn hoạt động xuất khẩu để thị trường ngoại tệ vận hành phù hợp với điều kiện của thị trường.

Tuy nhiên, với các doanh nghiệp xuất khẩu thì việc điều chỉnh tăng lần này dường như vẫn chưa làm thỏa lòng mong mỏi của họ. Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty CP May Hưng Yên khẳng định tỷ giá tăng là điều kiện tốt cho doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng 1% cũng chưa nói lên nhiều điều.

Ông Dương giải thích: Doanh nghiệp của ông có doanh thu xuất khẩu khoảng 20 triệu USD một năm. Như vậy tăng 1% tỷ giá thì có nghĩa là một năm Nhà nước “cho không” doanh nghiệp 200.000 USD tương đương hơn 4 tỷ đồng. Nhưng nếu so với mức tăng bảo hiểm xã hội vừa qua thì doanh nghiệp lại phải đóng thêm chừng trên 4 tỷ đồng/năm. “Phần lợi nhuận từ tăng tỷ giá này gần đủ cho phần tăng bảo hiểm xã hội mà doanh nghiệp phải đóng cho người lao động”, ông Dương nói.

Còn bà Trương Thị Thanh Hà, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Đông Xuân lo ngại: Việc tăng tỷ giá có thể tác động không tốt đến giá cả thị trường. Hiện có nhiều mặt hàng tiêu dùng trong nước vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Khi tỷ giá tăng sẽ dẫn đến giá thành các mặt hàng này tăng và buộc doanh nghiệp phải tăng giá bán.

Tiến sỹ Cấn Văn Lực phân tích: Nhu cầu ngoại tệ tăng mạnh vào trước Tết Nguyên đán nên cần nhiều thương vụ phải chốt thanh toán bằng đồng USD và các ngân hàng bắt đầu có tín hiệu điều chỉnh tỉ giá kịch trần. Việc NHNN điều chỉnh tăng vào thời điểm này là phù hợp vì vào thời điểm USD lên mạnh như vậy, lạm phát Việt Nam thấp và khi điều chỉnh tỉ giá không tạo áp lực như thời điểm lạm phát cao.

Minh Phương- Đỗ Huyền

Ngân hàng ngoại đánh giá tích cực về điều chỉnh tỷ giá
Ngân hàng ngoại đánh giá tích cực về điều chỉnh tỷ giá

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ áp dụng từ ngày 7/1 từ mức 21.246 VND/USD lên 21.458 VND/USD (mức điều chỉnh 1%), các ngân hàng nước ngoài như: HSBC, ANZ đã có đánh giá tích cực về quyết định này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN