06:00 01/06/2012

Nhật Bản và vấn đề năng lượng hạt nhân

Theo nhật báo “Yomiuri” số ra ngày 30/5, việc quyết định xem năng lượng hạt nhân sẽ đóng vai trò lớn đến đâu ở Nhật Bản là một lựa chọn quan trọng mà theo đó sẽ có tác động đến hoạt động cung ứng năng lượng trong tương lai ở nước này.

Theo nhật báo “Yomiuri” số ra ngày 30/5, việc quyết định xem năng lượng hạt nhân sẽ đóng vai trò lớn đến đâu ở Nhật Bản là một lựa chọn quan trọng mà theo đó sẽ có tác động đến hoạt động cung ứng năng lượng trong tương lai ở nước này. Điều quan trọng là chính phủ Nhật Bản cần đề ra một mục tiêu thực tế một cách sáng suốt.


 

Thảm họa tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 hồi tháng 3/2011 đã đặt ra nhiều vấn đề cho ngành năng lượng Nhật Bản.

 

Tiểu ban Các vấn đề trọng yếu thuộc Ủy ban cố vấn Tài nguyên và Năng lượng của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đã đệ trình một danh sách các lựa chọn liên quan đến tỷ lệ các nguồn cung năng lượng từ nay đến năm 2030. Đối với năng lượng hạt nhân - tiêu điểm chính của bản danh sách - có 4 lựa chọn là 0%, 15%, 20-25% hoặc thị trường tự định đoạt điều này.


Mùa hè năm nay, Hội đồng năng lượng và môi trường Nhật Bản, với các thành viên chủ chốt là các bộ trưởng, sẽ quyết định sự kết hợp tối ưu nhất giữa các nguồn cung năng lượng sau khi lắng nghe ý kiến của người dân. Điều quan trọng là phải đảm bảo và duy trì cung ứng điện năng ổn định. Ngoài ra, chính phủ Nhật Bản cũng cần nghiên cứu vấn đề này trên cơ sở đánh giá hiệu quả chi phí và các vấn đề môi trường.


Trong số các lựa chọn mà Tiểu ban Các vấn đề trọng yếu đưa ra, lựa chọn giảm tỷ trọng năng lượng điện hạt nhân về mức 0% bằng mọi giá, so với mức 30% trước khi xảy ra thảm họa động đất - sóng thần ngày 11/3/2011, là phi thực tế.


Với lựa chọn trên, tiểu ban này thừa nhận tỷ trọng các nguồn năng lượng tái sinh sẽ tăng so với mức hiện nay khoảng 10 - 35% để bù đắp cho phần thiếu hụt của các nhà máy điện hạt nhân. Cụ thể, tỷ trọng sản lượng điện mặt trời sẽ tăng từ mức 0,3% hiện nay lên 6% trong khi phong điện sẽ phải tăng từ 0,4% lên 12%. Nói cách khác, tỷ trọng các nguồn năng lượng này phải tăng lần lượt gấp 20 và 30 lần so với hiện nay. Vậy làm sao có đủ đất đai phục vụ cho lượng lớn các tấm pin mặt trời và các thiết bị khác đi kèm?


Ngoài ra, chi phí sản xuất điện gia tăng sẽ ngốn trung bình 30.000 tỷ yên/năm trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản. Sản lượng điện từ năng lượng tái sinh phụ thuộc vào điều kiện ánh sáng và nguồn gió. Để khắc phục những hạn chế của các nguồn năng lượng này cũng cần đến các khoản chi phí phát triển khổng lồ và tạo thêm gánh nặng cho nền kinh tế.


Ngay cả đối với những lựa chọn khác so với kịch bản 0% điện hạt nhân, tiểu ban trên đã đưa ra tỷ trọng phụ thuộc vào năng lượng tái sinh vẫn còn khá cao với mức từ 25-30%. Tuy nhiên, do chưa có những phát minh mới về mặt công nghệ, nên Tôkyô cần nghiên cứu xem tỷ trọng năng lượng tái sinh cao như vậy có khả thi hay không.


Bộ trưởng phụ trách chính sách và quản lý năng lượng hạt nhân Goshi Hosono ngày 25/5 đã bày tỏ quan điểm của mình về tỷ trọng năng lượng hạt nhân rằng “15% là mức nền tảng”. Tuyên bố của ông rõ ràng đang ủng hộ cho chính sách loại bỏ các lò phản ứng đã tồn tại trên 40 năm.


Tuy nhiên, tỷ lệ 15% lại đặt ra vấn đề là sau năm 2030, số lượng các lò phản ứng sẽ tiếp tục giảm hay các lò cũ được nâng cấp trong khi các lò mới sẽ tiếp tục được xây dựng? Câu trả lời còn đang bỏ ngỏ. Và một chiến lược năng lượng có trách nhiệm sẽ không bỏ qua tầm nhìn dài hạn cho các lò phản ứng hạt nhân còn chưa được quyết định.


Trong khi đó, tiểu ban trên được đánh giá cao với chính sách nâng cấp các lò phản ứng cũ theo lựa chọn 20 - 25% tỷ trọng năng lượng hạt nhân. Với lựa chọn này, Nhật Bản sẽ coi năng lượng hạt nhân là nguồn năng lượng then chốt, song hành với nhiệt điện, đồng thời cho ra đời những thế hệ lò phản ứng an toàn hơn cho đến khi Nhật Bản có thể đảm bảo được các nguồn năng lượng thay thế.


Theo báo trên, Trung Quốc và các quốc gia mới nổi khác đang có kế hoạch xây dựng các nhà máy điện mới. Tuy nhiên, nếu Nhật Bản tiến tới “phi hạt nhân hóa”, sẽ không thể xuất khẩu lò phản ứng hạt nhân. Do đó, Nhật Bản cần phải duy trì công nghệ hạt nhân và đóng góp cho quốc tế trên phương diện đảm bảo tính an toàn trong hoạt động của các lò phản ứng. Rõ ràng, Tôkyô không nên quên luận điểm này.


Hữu Thắng (P/v TTXVN tại Nhật Bản)