10:22 13/10/2011

Nhật Bản tái chế "nội y" phụ nữ

Nhiều phụ nữ Nhật Bản thường tỏ ra rất ngần ngại khi vứt đồ lót không dùng nữa vào sọt rác. Nhưng giờ đây, họ đã loại bỏ được điều khiến họ cảm thấy không thoải mái khi các hãng sản xuất đồ lót lớn ở Nhật Bản tiến hành thu gom áo lót để tái chế thành một loại nhiên liệu rắn.

Nhiều phụ nữ Nhật Bản thường tỏ ra rất ngần ngại khi vứt đồ lót không dùng nữa vào sọt rác. Nhưng giờ đây, họ đã loại bỏ được điều khiến họ cảm thấy không thoải mái khi các hãng sản xuất đồ lót lớn ở Nhật Bản tiến hành thu gom áo lót đã qua sử dụng để tái chế thành một loại nhiên liệu rắn dùng trong công nghiệp. Biện pháp này vừa bảo vệ môi trường vừa giải tỏa tâm lý cho phái đẹp.

Một khách hàng (trái) tại cửa hàng đồ lót ở trung tâm Tôkyô được nhân viên bán hàng giải thích về chương trình tái chế áo lót.


Trong tháng 4 và 5 vừa qua, hãng sản xuất "nội y" Triumph tại Nhật Bản đã phát không túi cho khách hàng ghé chân vào cửa hàng của hãng trên toàn quốc. Họ được hãng khuyến khích lục tìm những chiếc áo lót cũ hoặc không dùng nữa trong tủ quần áo rồi bỏ vào túi và mang lại cửa hàng của Triumph. Triumph nhận thu gom áo lót mọi nhãn hiệu.

Một khách hàng tại cửa hàng Triumph ở quận Chuo, Tôkyô bày tỏ với phóng viên hãng tin Kyodo: "Tôi sẽ không còn phải lo xem nên làm gì với đống áo lót cũ nếu các nhà sản xuất thu gom chúng". Trước đây, cô thường phải cắt nhỏ áo lót rồi mới vứt vào sọt rác.

Cô gái này cũng giống như nhiều phụ nữ Nhật Bản khác thường cảm thấy ngại ngùng khi vứt đồ lót cùng các loại rác khác do nhiều thành phố ở Nhật Bản yêu cầu người dân phải bỏ rác vào túi nhựa trong suốt rồi mới được đem đến các điểm thu gom rác. Nhiều người còn lo rằng đồ lót bỏ đi của họ sẽ bị những kẻ đồi trụy nhặt về.

Tâm lý này rất phổ biến trong nhiều năm trở lại đây. Theo một khảo sát do tập đoàn sản xuất đồ lót nữ Wacoal tiến hành năm 2004, 61% người được hỏi đều trả lời rằng họ rất ngại vứt áo lót vào sọt rác.

Nắm được tâm lý này và cũng nhằm bảo vệ môi trường, Wacoal đã thực hiện một chương trình tái chế áo lót vào năm 2008 và sau đó tiến hành hàng năm. Theo đó, kim loại trong áo lót sẽ được tách riêng ra, phần còn lại được tái chế thành một loại nhiên liệu dùng cho đầu máy xe lửa, thiết bị phát điện và máy sấy. Loại nhiên liệu này được gọi là nhiên liệu nhựa và giấy thải (RPF).

Tính đến nay, Wacoal đã thu được hơn 179.200 áo lót và sản xuất được 17,9 tấn nhiên liệu RPF. Còn hãng Triumph đã thu được hơn 200.000 chiếc áo lót kể từ năm 2009 và sản xuất được 14 tấn nhiên liệu RPF. Năm 2011, hãng Wacoal còn mở rộng chiến dịch thu gom áo lót sang cả các cửa hàng của hãng ở Đài Loan (Trung Quốc).

Theo các nhà sản xuất, quả áo lót được sản xuất từ nhiều loại vải và dây kim loại nên rất khó có thể tách các thành phần của áo lót theo nguyên liệu sản xuất. Do đó, Hiệp hội RPF Nhật Bản cho rằng sản xuất RPF gần như là phương pháp tái chế duy nhất đối với thứ rác nhạy cảm này.
So với nhiên liệu sản xuất từ rác thải trong gia đình thì RPF chứa ít nước và tạp chất, hầu như không thải điôxin khi đốt. Hơn nữa, RPF có hiệu quả tương đương than mà lại thải ít cácbon điôxít (CO2) hơn. Giá của RPF chỉ bằng 1/3 hoặc 1/4 than và mức cầu cho loại nhiêu liệu này đang ngày một tăng.

Tương tự các hãng sản xuất đồ lót, các nhà sản xuất phụ kiện thể thao cũng nỗ lực tái chế đồ lót. Rovex, hãng bán đồ thể thao trực tuyến có trụ sở tại tỉnh Nara, là một trong số đó. Hãng này đã giảm 500 yên cho khách hàng khi mua sản phẩm nếu họ mang đến một đồ lót đã dùng rồi.

Hãng sản xuất quần áo Patagonia cũng đã thu gom áo phông lót làm bằng vải polyester và sợi bông do chính hãng này sản xuất. Sau đó, Patagonia sẽ có hợp đồng với các nhà sản xuất vải như Teijin để tái chế thành vải mới dùng để sản xuất các sản phẩm mới. Trong giai đoạn từ năm 2005 đến 2010, Patagonia đã thu được 39 tấn đồ lót và các loại quần áo để tái chế.

Hành động của các hãng sản xuất đồ lót Nhật Bản cho thấy một xu hướng "sản xuất xanh" đang hình thành ngày càng mạnh trong bối cảnh các doanh nghiệp được khuyến khích sử dụng nhiều hơn nữa những nguyên liệu có thể tái chế trong sản xuất.

Thùy Dương