11:01 18/11/2011

“Nhật Bản sẽ luôn sát cánh bên Việt Nam”

Đây là điều ông Tanidaki Iasuaki (ảnh), Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam khẳng định trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về việc cụ thể hóa chủ trương phát triển toàn diện mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản...

Đây là điều ông Tanidaki Iasuaki (ảnh), Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam khẳng định trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về việc cụ thể hóa chủ trương phát triển toàn diện mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản, đặc biệt sau chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới đây.

´Thưa Đại sứ, có thể nói quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng được thắt chặt, nâng lên tầm cao mới. Đại sứ có thể đánh giá triển vọng phát triển giữa hai nước sau hàng loạt các cam kết, hiệp định, dự án... được ký kết trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vừa qua?

Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Nhật Bản lần này đạt được nhiều kết quả như mong đợi và thậm chí hơn cả mong đợi. Quan hệ Việt - Nhật được tăng cường, thông qua chuyến thăm này được nâng lên tầm cao mới; thúc đẩy, cụ thể hóa chủ trương phát triển đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Chuyến thăm cũng một lần nữa xác định lại sự hợp tác giữa hai nước và đề ra một số biện pháp ứng phó trong quá trình hợp tác. Tôi tin rằng, thông qua chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, mối quan hệ giữa hai nước chúng ta sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trước.

Cụ thể, giữa hai nước đã ký kết văn bản mới về xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Nhật Bản đã đồng ý tiếp nhận các y tá, điều dưỡng viên của Việt Nam... Quan trọng là Nhật Bản đã công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường, điều này sẽ giúp ích hơn cho Việt Nam trong phát triển thương mại và đầu tư với các nước. Tôi khẳng định, Nhật Bản sẽ luôn sát cánh để hỗ trợ Việt Nam về mọi mặt trong quá trình phát triển đất nước.

´Để thực hiện mục tiêu chính trị mạnh mẽ mà hai nước hướng tới, đặc biệt trong phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư... , theo Đại sứ, cả hai bên cần phải thực hiện những giải pháp quan trọng, cụ thể gì?

Theo tôi, để thực hiện được những mục tiêu mà hai nước hướng tới, chúng ta phải điều chỉnh khá nhiều. Chúng ta cần có nhiều cơ hội ngồi lại đàm phán với nhau. Việc đàm phán cần được thực hiện được ở cả cấp bộ trưởng hoặc các lãnh đạo cấp cao khác. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh, hai bên cùng bàn bạc với nhau ngay để giải quyết.

Đặc biệt Việt Nam đang tiến tới mục tiêu công nghiệp hóa năm vào 2020 và Nhật Bản xác định sẽ luôn hỗ trợ để Việt Nam thực hiện được điều này. Tôi cho rằng, để thực hiện công nghiệp hóa, Việt Nam cần khắc phục ba vấn đề: Hạ tầng, nguồn nhân lực và tái cấu trúc kinh tế. Bên cạnh đó là hoàn thiện hệ thống luật và cải cách trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Đặc biệt, Việt Nam cần xây dựng một chính sách phát triển công nghiệp phù hợp, phải chọn ra được ngành công nghiệp mũi nhọn và cách thức thực hiện tập trung phát triển ngành công nghiệp đó. Sau đó xây dựng và phát triển hệ thống công nghiệp phụ trợ đi theo nó. Chúng ta có thể lấy kinh nghiệm từ các nước như Trung Quốc hoặc ASEAN và các nước lân cận.

´Dù vẫn trong khó khăn, phải cắt giảm 10% vốn ODA nhưng Nhật Bản vẫn dành cho Việt Nam một khoản ODA rất lớn, dự kiến 2 tỷ USD trong năm tài khóa 2011. Theo Đại sứ đâu là nguyên nhân và động lực để Nhật Bản có những ưu đãi lớn đối với Việt Nam như vậy?

Tôi xin tỏ lòng biết ơn đối với những lời động viên và sự hỗ trợ to lớn từ chính phủ và nhân dân Việt Nam trong trận đại động đất xảy ra tại miền đông Nhật Bản vừa qua. Nhân dân Nhật Bản sẽ không bao giờ quên tấm lòng này. Đây cũng là một nguyên nhân thôi thúc chúng tôi giữ nguyên mức viện trợ ODA đã cam kết với Việt Nam.

Việc xây dựng cơ sở hạ tầng là điều trọng yếu đối với một đất nước đang phát triển như Việt Nam, do đó Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ ODA cho Việt Nam. Việt Nam còn là một nước đang phát triển về kinh tế, ổn định về chính trị. Và quan trọng là Nhật Bản có nhiều cơ quan liên quan trong việc xây dựng và viện trợ ODA đều có chung nhận xét, các dự án thực hiện từ nguồn ODA tại Việt Nam đều hoàn thành đúng mục tiêu, mục đích đề ra, các cơ sở hạ tầng sử dụng đều có ích trong phát triển chung cho sự phát triển của Việt Nam, tất nhiên trong quá trình thực hiện cũng có một số vấn đề xảy ra nhưng đều được khắc phục tốt.

Xin cảm ơn Đại sứ!

“Tôi muốn có nhiều bạn ở Việt Nam trong nhiệm kỳ Đại sứ của mình. Tôi đặt quyết tâm thực hiện các chuyến thăm tại một số địa phương của Việt Nam để thúc đẩy mối quan hệ ở cấp địa phương và nỗ lực trong việc xây dựng các thành phố kết nghĩa ở hai nước. Tôi cũng muốn tự thân giới thiệu, quảng bá về văn hóa, con người, đất nước Nhật Bản tới người dân Việt Nam” - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Tanidaki Iasuaki.



Hồng Nga (thực hiện)